Cần có chỗ dựa vững chắc cho nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Những người làm báo tham gia phòng chống tiêu cực, tham nhũng gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn,… trong khi cơ chế bảo vệ nhà báo chưa thực sự hoàn thiện.
Loạt bài viết về nạn bảo kê tại chợ Long Biên do nhà báo Liên Liên, Ban Thời sự, Đài THVN thực hiện cuối năm ngoái gây chấn động dư luận. 100 ngày trong vai tiểu thương ở chợ có tiếng bậc nhất Hà Nội, loạt phóng sự đã phơi bày sự thật về nạn bảo kê ở chợ Long Biên. Nhà báo Liên Liên cho biết, hành trình đi đến sự thật không ít gian nan. Sau nhiều khó khăn áp lực đè nặng, thậm chí bị dọa giết cả gia đình.
Cần có chỗ dựa vững chắc cho nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực. |
Cũng tham gia viết nhiều bài về mảng đề tài chống tham nhũng, tiêu cực, nhà báo Phùng Sưởng, Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho rằng, có những lúc những người làm báo mất niềm tin. Tôi nhớ lại, đó là lúc phản ánh về vụ Vinashin, Báo Tiền Phong đã triển khai viết loạt 13 bài, nhưng khi đăng đến bài thứ 4 thì không được đăng nữa.
Anh trải lòng và cho biết: “Có những lúc những người cầm bút đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực khủng hoảng niềm tin. Rào cản ngay trong mỗi nhà báo. Mỗi nhà báo khi đi tác nghiệp đã không muốn đề cập đến lĩnh vực này. Bởi vì nó quá vất vả, quá khó khăn, thậm chí rủi ro và mạo hiểm. Khi để nhà báo tự bảo vệ, hoặc được bảo vệ chúng ta cần có 3 vành đai bảo vệ nhà báo. Vành đai thứ nhất là vành đai của hệ thống luật pháp, hành lang pháp lý, bảo vệ nhà báo tác nghiệp. Vành đai thứ hai là cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản phải bảo vệ nhà báo. Hành lang thứ ba chính là nhà báo đủ kỹ năng bảo vệ mình”.
Phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa bao giờ là cuộc chiến dễ dàng với báo chí. Việc phát hiện và thông tin những vụ liên quan đến tham nhũng thường khó khăn, phức tạp, vì nó gắn với người có chức vụ, quyền hạn, có mối quan hệ chằng chịt.
Trong loạt bài về “Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền vấn đề cấp bách hiện nay”, nhóm tác giả báo Quân đội nhân dân đã thẳng thắn chỉ ra điều này. Nhà báo Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định, để những vấn đề lý luận hay lập luận về tham nhũng quyền lực chạm được tới vấn đề mang tính thực tiễn không thể bỏ qua câu chuyện của những người trong cuộc. Không phải ai cũng đồng ý trả lời những vấn đề vốn được coi là rất nhạy cảm này.
“Trong Đảng cũng như trong nhà nước có hiện tượng chạy chức, chạy quyền, nhưng đó là ai, cụ thể như thế nào? Chúng tôi trong Ban lãnh đạo có Nghị quyết về việc thực hiện nội dung phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chúng tôi làm việc theo nhóm, phân công cụ thể cho từng người. Những nội dung này chúng tôi làm việc thận trọng, có các bước đi cụ thể, trao đổi với các bên liên quan quan”, Nhà báo Phạm Văn Huấn cho hay.
Bên cạnh đó, những người làm báo khi đi điều tra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực do cơ quan, đơn vị giao không được coi là người thi hành công vụ nên cơ chế bảo vệ vừa yếu, lại vừa thiếu. Nhiều vụ việc, nhà báo đi điều tra, tác nghiệp đã bị các đối tượng doạ nạt, cản trở, thậm chí hành hung với thương tích ở mức dưới 11%… Tuy nhiên, do không phải là người thi hành công vụ nên những vụ việc này chỉ bị xử lý hành chính. Ngoài ra, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, các nhà báo, tòa soạn đối diện với nhiều cám dỗ. Để vượt qua cám dỗ này, bên cạnh việc nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, các tòa soạn phải xây dựng được quy trình điều tra, tác nghiệp bảo đảm sự minh bạch và có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Giảng dậy và nghiên cứu về báo chí, PGS. TS Nguyễn Văn Dững, nguyên Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, không có cách nào hiệu quả hơn bằng việc trang bị kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho nhà báo thật sự mang tính chuyên nghiệp cao.
“Nên có chiến lược và giải pháp phát triển nguồn lực báo chí điều tra chống tham nhũng, tiêu cực, kể cả trong đào tạo, tập huấn, kiến thức kỹ năng. Xây dựng câu lạc bộ báo chí điều tra, có các luật sư thường xuyên cung cấp kiến thức cho họ và phương pháp trong quá trình điều tra, tác nghiệp tránh rủi ro. Nên lập quỹ điều tra chống tham nhũng đặc biệt hỗ trợ cho nhà báo gặp tai nạn nghề nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam cần ráo rết yêu cầu mỗi tòa soạn cần có quy ước đạo đức mỗi tòa soạn mình. Bởi vì chỉ có tòa soạn mới kiểm soát tốt nhất quan hệ của nhà báo trong quá trình tác nghiệp”, PGS. TS Nguyễn Văn Dững nói.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, tinh thần chiến đấu của báo chí với những nhà báo bản lĩnh, nhiệt huyết dùng ngòi bút để đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện rất rõ. Tuy nhiên, thực tế khi nhà báo dùng ngòi bút và tác phẩm báo chí để đấu tranh với tham nhũng, lãng phí thì người gây ra hậu quả tham nhũng luôn tìm mọi cách chống lại. Ông Hồ Quang Lợi đề nghị phải có chỗ dựa vững chắc cho nhà báo chống tham nhũng, tiêu cực.
“Làm sao phải trở thành trận tuyến vững chắc mà người cầm bút lên tuyến đầu thì cảm giác ở phía sau có chỗ dựa. Phải có giải pháp để nhà báo chống tham nhũng gặp nhiều cản trở có chỗ dựa vững chắc để luôn giữ được tinh thần chiến đấu. Khi báo chí lên tiếng thì những đơn vị như Ban Nội chính Trung ương, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương quan tâm xử lý mới có kết quả. Không để báo chí đấu tranh lần nữa với đối tượng để báo chí đấu tranh trên mặt báo”, Nhà báo Hồ Quang Lợi nói.
Để khuyến khích và tạo niềm tin cho đội ngũ báo chí trong khi tham gia viết bài đấu tranh phòng chống tham nhũng, cần xem xét và xử lý nghiêm minh các vụ việc đe dọa, hành hung, trù dập nhà báo. Đặc biệt với những nhà báo khi thực hiện nhiệm vụ viết bài trong lĩnh vực phòng chống, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thì cần coi hoạt động tác nghiệp là thi hành công vụ, đó chính là cơ chế vững chắc để đội ngũ nhà báo yên tâm tham gia đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực./.
Từ khóa: nhà báo chống tham nhũng, ngày báo chí cách mạng Việt Nam, phóng viên, nhà báo,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN