Cần chế tài để xử lý việc phá hợp đồng giao dịch thương mại điện tử
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Doanh nghiệp cho rằng, cần có một chế tài để hạn chế tình trạng khách hàng phá hợp đồng, bởi TMĐT cũng phải được coi là một giao dịch kinh tế.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh nhất thế giới, với tốc độ 35% mỗi năm, cao gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Các doanh nghiệp (DN) ứng dụng internet và công nghệ tăng trưởng nhanh gấp 2,1 lần so với đơn vị không dùng. Các DN nhỏ và vừa chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ thì tăng doanh thu gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%.
Rủi ro trong giao dịch
Tuy nhiên, theo chia sẻ của doanh nghiệp, vẫn còn không ít doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực hàng hóa chưa mặn mà với loại hình kinh doanh thông qua TMĐT. Đặc biệt, trong lĩnh vực xuất khẩu, khi DN đưa hàng hóa lên các trang điện tử, doanh nghiệp vẫn phải trả phí cho các trang TMĐT rất cao, nhưng vẫn không hoàn toàn được đảm bảo các rủi ro trong giao dịch.
Cách tiếp cận và giao dịch mua bán hàng hóa có nhiều thuận lợi hơn với ứng dụng thương mại điện tử. |
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đỗ Phi Long, Giám đốc Kinh doanh Công ty phân phối hàng tiêu dùng cho biết, so với cách bán hàng truyền thống, chi phí phải trả cho các trang TMĐT không hề thấp. Trong khi đó, nếu gặp phải những rủi ro trong giao dịch, doanh nghiệp vẫn hoàn toàn phải chịu chi phí.
“Mỗi khi xuất hiện rủi ro trong giao dịch, thường DN chịu thiệt hại về hàng hóa hư hỏng và các trang TMĐT phải chịu chi phí vận chuyển. Đã đến lúc rất cần có một chế tài để hạn chế tình trạng khách hàng phá hợp đồng, bởi TMĐT cũng phải được coi là một giao dịch kinh tế. Nếu không có chế tài cụ thể, DN sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi khi thực hiện các giao dịch TMĐT”, ông Long đề xuất.
Ths. Vũ Thị Vân Phượng, TGĐ Công ty cổ phần VietRAP đầu tư thương mại cho rằng, đối với những DN sản xuất và xuất khẩu, TMĐT chính là điểm mạnh, lợi thế cần được phát huy nếu muốn nhanh chóng bắt kịp, đi cùng và tiến tới trụ vững và phát triển với các công nghệ đặc trưng của thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo bà Phượng, tầm quan trọng của công nghệ thông tin, internet, trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới… cho phép các DN đầu tư sản xuất cũng như chế biến, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng cao hơn, cạnh tranh với giá tốt hơn và dịch vụ được cải thiện.Do đó, đầu tư vào công nghệ và phát triển TMĐT để mở rộng thị trường không còn là một lựa chọn mà là vấn đề sống còn của mỗi DN xuất khẩu.
“Vấn đề cốt yếu và quyết định chính là việc DN phải tập trung cải thiện cách thức phục vụ khách hàng. Cách quảng bá và marketing sản phẩm phải gắn liền với phương thức tiếp thị trải nghiệm, cần phải làm cho khách hàng nhận rõ giá trị của sản phẩm mà họ nhận được. Muốn vậy, khi ra sản phẩm mới, DN luôn phải tìm hiểu văn hóa tiêu dùng gắn với lĩnh vực liên quan đến sản phẩm”, bà Phượng lưu ý.
Thương hiệu uy tín vẫn là cốt lõi
Để DN có thể yên tâm tham gia và bản thân người tiêu dùng cũng có thêm niềm tin vào loại hình TMĐT, ông Đỗ Phi Long cho rằng, giải pháp đặt ra phụ thuộc rất lớn vào các nhà cung cấp, các cơ quan quản lý Nhà nước nếu phát huy cao hơn vai trò quản lý của mình.
Cụ thể, theo ông Long, các DN cần đặc biệt coi trọng nguồn gốc khi đưa hàng hóa lên các trang TMĐT. Trong khi cùng một mặt hàng, bất kỳ DN nào cũng có thể đưa lên các trang TMĐT nhưng quy trình kiểm tra, kiểm định hiện nay mặc dù đã có nhưng vẫn còn rất lỏng lẻo.
“Sự mập mờ về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa thông qua TMĐT đã làm giảm sút niềm tin của khách hàng. Thực tế đã có rất nhiều người tiêu dùng khẳng định sẽ không bao giờ dám mua hàng online nữa chỉ vì quá nhiều lần gặp phải hàng rởm, hàng nhái”, ông Long cảnh báo.
Chỉ rõ bất cập trong vấn đề kiểm định chất lượng hàng hóa, ông Long cho rằng, hiện các chế tài kiểm định chưa được chặt chẽ, vẫn theo hình thức “mạnh ai nấy làm”.Trong khi các trang TMĐT chỉ căn cứ vàogiấy tờ DN cung cấp mà chưa đủ khả năng để thẩm định đúng hay sai đã dẫn đến sự cạnh tranh thiếu minh bạch và thiếu công bằng.
Ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn EDX chỉ rõ, trong TMĐT, kinh doanh, mua bán trên internet đều dựa trên niềm tin. Do đó, DN cần phải xây dựng cho mình thương hiệu tốt trên mạng internet. Đối với DN nhỏ, không đủ tiềm lực để xây dựng thương hiệu, có thể tham gia các liên minh thương hiệu, mua nhượng quyền thương hiệu hoặc hợp tác với các thương hiệu uy tín khác để phát triển.
Ông Bernard Tay, Giám đốc Amazon Global Selling khu vực Đông Nam Á cho rằng, DN Việt Nam hiện nay có rào cản trong tiếp cận thị trường toàn cầu đó là ngôn ngữ nên khó bán hàng ra nhiều quốc gia khác trên thế giới./.
Từ khóa: thương mại điện tử, bán hàng qua mạng, giao dịch, lợi thế thương mại điện tử, bán hàng online,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN