Hai công trình Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Phủ Lý (Hà Nam) khởi công từ năm 2014, mỗi viện quy mô 1.000 giường, vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng. Đây là hai dự án nằm trong đề án của Bộ Y tế xây dựng 5 bệnh viện lớn cả nước, khởi động từ năm 2014, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm của Bộ Y tế.
Tháng 10/2018, khu khám bệnh của hai bệnh viện này được khánh thành. Tuy nhiên, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, sau đó thông báo tạm thời dừng hoạt động. Còn Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 chỉ tạm dừng ở cắt băng khánh thành, chưa từng tiếp nhận bệnh nhân. Từ đó đến nay, cả hai bệnh viện này đều bỏ hoang, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai có tổng diện tích sàn xây dựng trên 123.000m2, gồm 1 tầng hầm và 6 tầng nổi. Công trình được đầu tư xây mới thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hiện đại để chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội khoa, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp; đáp ứng khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày.
Sau nhiều năm bỏ hoang, các hạng mục đã có dấu hiệu xuống cấp, xung quanh cỏ mọc um tùm khiến nhiều người đi qua không khỏi xót xa. "Mỗi lần về quê ở Hà Nam tôi đều đi qua 2 cơ sở của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, chứng kiến bệnh viện chưa được đưa vào sử dụng dẫn đến xuống cấp tôi thấy rất lãng phí. Chúng tôi mong muốn bệnh viện đi vào hoạt động sớm để người dân đỡ phải đi lại lên Hà Nội khám, điều trị cực khổ, tốn kém", anh Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ.
Nhiều phòng điều trị của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 hoàn thành từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa một lần đón bệnh nhân về điều trị, trong khi cơ sở chính tại Hà Nội thường xuyên quá tải.
Một góc Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, cỏ mọc um tùm, cơ sở vật chất xuống cấp.
Nằm cách Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 khoảng 500m, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng trong tình trạng tương tự.
Cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được đầu tư thành bệnh viện ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống; vi phẫu tim mạch nhi; đáp ứng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Tổng diện tích sàn xây dựng trên 125.000 m2, được xây dựng gồm 1 tầng hầm và 9 tầng nổi.
Sau nhiều năm "đắp chiếu", các mảng tường của công trình bị rêu phong phủ kín, nhiều hạng mục còn thi công dang dở.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân dẫn đến 2 dự án chậm tiến độ là do chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc thực hiện các quy định trong đầu tư xây dựng cơ bản, vướng mắc trong thực hiện các hợp đồng và thanh quyết toán, giải ngân vốn.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của 2 bệnh viện như thay đổi hệ thống điều hòa, nước nóng, số lượng điều hòa, khu vực nội trú cho y bác sĩ nên thời gian thực hiện bị vượt quá. Đến nay dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai hoàn thành trên 90%, Việt Đức trên 60%.
Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 là hai trong số những dự án điển hình về lãng phí được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo rà soát, xử lý thời gian tới.
Trong cuộc họp Chính phủ ngày 9/11, Thủ tướng yêu cầu trong 6 tháng tới, Bộ Y tế phải hoàn thiện, bàn giao, đưa vào sử dụng 2 bệnh viện này.