Cần cân nhắc kỹ trong quy định mới về cấp giấy phép lái xe ô tô
Cập nhật: 3 giờ trước
Từ 1/1/2025, xe ô tô kinh doanh chở trẻ mầm non, học sinh phải sơn màu vàng đậm
Vì sao giá vé máy bay Tết Nguyên đán luôn cao bất thường và khan hiếm?
VOV.VN - Theo chuyên gia, cần cân nhắc kỹ lưỡng trong quy định mới về về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới ban hành Thông tư số 35/2024 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX); cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế; đào tạo, kiểm tra, cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Thông tư 35 quy định người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe máy hạng A1, A và B1 được lựa chọn tự học lý thuyết hoặc học tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe nhưng phần thực hành lái xe bắt buộc phải học tại các cơ sở đào tạo.
Theo Thông tư 35, người có nhu cầu cấp giấy phép lái xe các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE được lựa chọn một trong các hình thức học tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe hoặc đào tạo từ xa, tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên, học viên phải học thực hành lái xe theo hình thức tập trung tại cơ sở đào tạo lái xe. Thông tư nêu rõ, Học viên phải trải qua kỳ thi sát hạch lý thuyết và thực hành, trong đó, phần thi lý thuyết gồm các câu hỏi liên quan đến quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kỹ thuật lái xe.
Bên cạnh đó, theo Thông tư này, học viên phải trải qua câu hỏi có nội dung liên quan đến cấu tạo và sửa chữa thông thường (đối với GPLX xe hạng B1 và đối với GPLX ô tô từ hạng B trở lên); đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông và phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (đối với GPLX ô tô từ hạng B trở lên).
Phần thi thực hành, Bộ GTVT quy định gồm có lái xe trong hình và lái xe trên đường, tùy hạng bằng lái xe. Chẳng hạn, hạng A1, A chỉ sát hạch lái xe trong hình, theo đó người thi phải điều khiển xe máy qua bốn bài sát hạch: đi theo hình số 8, qua vạch đường thẳng, qua đường có vạch cản, qua đường gồ ghề. Việc chấm điểm bằng thiết bị tự động. Tương tự, hạng bằng lái xe B1, người dự sát hạch phải điều khiển xe tiến qua hình chữ chi và lùi theo hướng ngược lại. Việc chấm điểm bằng phương pháp trực tiếp. Đối với các hạng bằng B, C1, C, D1, D2, D, người dự sát hạch phải thực hiện đúng trình tự và điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch lái xe.
Các bài sát hạch gồm: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B và C1 thực hiện ghép xe dọc; hạng B, C, D1, D2 và D thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc.
Việc chấm điểm bốn hạng bằng lái xe trên bằng phương pháp tự động; không có sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch. Đối với các hạng BE, D1E, D2E, DE, người dự sát hạch điều khiển xe qua bài sát hạch: tiến qua hình có năm cọc chuẩn và vòng trở lại. Phương pháp chấm điểm trực tiếp.
Đối với hạng C1E, CE, người dự sát hạch điều khiển xe qua 2 bài sát hạch: tiến qua hình có năm cọc chuẩn và vòng trở lại; ghép xe dọc vào nơi đỗ. Phương pháp chấm điểm trực tiếp. Sát hạch thực hành lái xe trên đường đối với hạng B, C1, C, D1, D2, D, người dự sát hạch điều khiển xe ô tô sát hạch, xử lý các tình huống trên đường giao thông và thực hiện hiệu lệnh của sát hạch viên. Quá trình này sử dụng thiết bị chấm điểm tự động, có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch.
Còn các hạng BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE thực hiện sát hạch bằng phương pháp chấm điểm trực tiếp, có một sát hạch viên ngồi trên xe sát hạch. Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đối với các hạng B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE, người dự sát hạch phát hiện các thời điểm có nguy cơ mất an toàn giao thông thông qua việc quan sát các tình huống mô phỏng xuất hiện trên máy tính.
Học viên dự thi các hạng bằng lái B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E, DE nếu không đạt nội dung sát hạch lý thuyết được tiếp tục sát hạch nội dung sát hạch mô phỏng các tình huống giao thông. Trường hợp không đạt nội dung sát hạch lý thuyết và mô phỏng các tình huống giao thông thì không được sát hạch thực hành lái xe trong hình. Không đạt nội dung sát hạch thực hành lái xe trong hình đương nhiên không được thực hiện nội dung sát hạch thực hành lái xe trên đường. “Thí sinh đạt nội dung sát hạch lý thuyết, mô phỏng các tình huống giao thông, thực hành lái xe trong hình được bảo lưu kết quả nội dung sát hạch đạt trong thời gian 1 năm, kể từ ngày có nội dung sát hạch đạt tại kỳ sát hạch gần nhất…”.
Không cấp đổi bằng lái xe cho người chưa nộp phạt vi phạm
Bộ GTVT quy định các trường hợp không được cấp, đổi bằng gồm: GPLX không có trong hệ thống thông tin GPLX tại Cục Đường bộ Việt Nam, bảng kê danh sách cấp GPLX (sổ quản lý)
Chưa cấp lại bằng lái xe đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết, xử lý vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Người học muốn nâng hạng B lên C1, B lên C, B lên D1, B lên BE, C1 lên C, C1 lên D1, C1 lên D2, C1 lên C1E, C lên D1, C lên D2, D1 lên D2, D1 lên D, D1 lên D1E, D2 lên D, D2 lên D2E, D lên DE: thời gian lái xe an toàn từ hai năm trở lên. Hạng B lên D2, C lên CE, C lên D thời gian lái xe an toàn từ ba năm trở lên. Người đã có GPLX hạng B số tự động được đăng ký học để cấp mới GPLX hạng B số cơ khí (số sàn), người đã có GPLX hạng B được đăng ký học để cấp mới GPLX hạng C1 và phải học đủ nội dung chương trình đào tạo lái xe theo quy định.
Liên quan đến nội dung này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng: "Việc bổ sung các kỹ năng cứu hộ, luật về trật tự và an toàn giao thông đường bộ, và các kỹ thuật lái xe vào các chương trình cấp bằng lái xe ô tô là một vấn đề phức tạp với những lợi ích và hạn chế tiềm ẩn".
Theo TS. Nguyễn Hữu Đức, một mặt, việc kết hợp các yếu tố này có thể tăng cường an toàn giao thông bằng cách trang bị cho người lái xe kiến thức và kỹ năng xử lý các trường hợp khẩn cấp, tuân thủ luật giao thông và lái xe phòng thủ. Nó cũng có thể thúc đẩy ý thức trách nhiệm và sự chuẩn bị ở người lái xe.
"Tuy nhiên, cần quan tâm về tính khả thi và hiệu quả của một chương trình toàn diện, nhiều nội dung như vậy. Việc triển khai các thành phần bổ sung này sẽ đòi hỏi cần có một chương trình giảng dạy thích hợp mới. Cũng sẽ cần nhiều nguồn lực, bao gồm cơ sở đào tạo, người hướng dẫn và phát triển chương trình giảng dạy. Nó cũng có khả năng làm tăng chi phí lấy bằng lái xe. Tính thực tế của việc dạy các kỹ năng cứu hộ trong chương trình cấp bằng lái xe cũng cần nghiên cứu kỹ. Mặc dù kiến thức sơ cứu cơ bản có thể có lợi, nhưng đào tạo cứu hộ chuyên sâu chỉ phù hợp hơn với nhân viên cấp cứu chuyên trách", TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Cùng với đó, mức độ các yếu tố này được đưa vào các chương trình cấp bằng lái xe khác nhau ở mỗi quốc gia. Một số quốc gia có chương trình đào tạo bắt buộc về luật giao thông và kỹ thuật lái xe phòng thủ, trong khi những quốc gia khác có thể cung cấp các khóa học tùy chọn. Việc đưa các kỹ năng cứu hộ vào ít phổ biến hơn, mặc dù một số quốc gia có thể kết hợp đào tạo sơ cứu cơ bản. "Việc đưa những yếu tố này vào chương trình cấp bằng lái xe phải được cân nhắc cẩn thận các yếu tố như nhu cầu an toàn giao thông, nguồn lực sẵn có và tác động tiềm tàng đến việc đào tạo lái xe", TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe phải học lại luật giao thông
UBND TP Hà Nội vừa có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1043 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Theo đó, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn chuyên sâu về luật và các văn bản quy định chi tiết một số điều của luật cho cán bộ, chiến sĩ công an và cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý Nhà nước về ATGT.
Hà Nội cũng bảo đảm nguồn lực triển khai thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trung tâm chỉ huy giao thông; hệ thống cơ sở dữ liệu về điểm giấy phép lái xe; kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, ATGT đối với người bị trừ hết điểm giấy phép lái xe. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xây dựng, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; đăng ký xe toàn trình; hệ thống quản lý đấu giá biển số; quản lý hệ thống tín hiệu giao thông,...
UBND TP Hà Nội giao các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ nội dung xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thi hành luật trong phạm vi quản lý. Công an thành phố chủ trì, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành, đơn vị; UBND cấp huyện, cấp xã triển khai thực hiện nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch theo đúng tiến độ.
UBND TP Hà Nội yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã trong việc triển khai thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời xác định lộ trình cụ thể để bảo đảm từ ngày 1/1/2025, luật và các văn bản quy định chi tiết, văn bản được giao theo thẩm quyền để thi hành luật được thực hiện thống nhất, đồng bộ trên địa bàn thành phố.
Từ khóa: giấy phép lái xe ô tô, giấy phép lái xe ô tô, sát hạch lái xe, Bộ Giao thông vận tải
Thể loại: Xã hội
Tác giả: văn ngân/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN