Cán bộ TPHCM thôi việc do sắp xếp bộ máy được hỗ trợ gì?
Cập nhật: 1 ngày trước
VOV.VN - Chiều 20/2, tại kỳ họp lần thứ 21 khoá X, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.
Theo đó, Nghị quyết này quy định chế độ hỗ trợ thêm đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc, thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý thấp hơn; được tăng cường đi công tác ở cơ sở khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị; do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể phạm vi áp dụng bao gồm: các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cấp xã; các hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trên địa bàn thành phố. Các tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức đảng. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND TPHCM, sở ngành thành phố, UBND TP Thủ Đức và quận, huyện.
Đối tượng áp dụng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, tinh gọn bộ máy. Cán bộ, công chức cấp xã; các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15/1/2019 gồm: người ký hợp đồng lần đầu làm việc tại các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập.
Người ký hợp đồng lần đầu làm các công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức.
Các trường hợp là người quản lý doanh nghiệp nhà nước, cán bộ chuyên trách công tác Đảng trong các tổng công ty, công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức đảng.
Về mức hỗ trợ được quy định cụ thể cho từng trường hợp. Đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi có thời gian công tác còn dưới 2 năm so với tuổi nghỉ hưu sẽ được trợ cấp thêm 12 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng.
Trường hợp có thời gian công tác còn đủ 2 năm đến đủ 5 năm so với tuổi nghỉ hưu được cấp thêm 12 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ hai mươi mốt trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng.
Với những người có thời gian công tác còn trên 5 năm đến đủ 10 năm so với tuổi nghỉ hưu được trợ cấp thêm 12 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng.
Đối với trường hợp nghỉ thôi việc theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ sẽ được trợ cấp thêm 18 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm.
Về chế độ hỗ trợ thêm đối với trường hợp bị tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức đảng là hỗ trợ thêm 3 tháng tiền lương tối thiểu vùng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; mức hỗ trợ thêm thực hiện trên cơ sở khả năng cân đối của doanh nghiệp, nguồn kinh phí giải quyết chế độ hỗ trợ thêm từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn thu hợp pháp khác.
Đối với cán bộ kéo dài thời gian công tác theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ nếu nghỉ hưu thì được hỗ trợ thêm trợ cấp hưu trí một lần bằng 30 tháng tiền lương hiện hưởng.
Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc được bầu cử, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại thì được hưởng chế độ thêm bằng 2 lần mức phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ cho đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc hết thời hạn bổ nhiệm. Trường hợp đã giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm còn dưới 6 tháng thì được bảo lưu 6 tháng.
Đối với chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức tăng cường đi công tác ở cơ sở sẽ được hỗ trợ thêm một lần bằng 10 tháng tiền lương hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị Thành phố được cấp có thẩm quyền cử tăng cường đi công tác ở cấp xã trong thời gian 3 năm.
Hỗ trợ thêm một lần bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị Thành phố được cấp có thẩm quyền cử tăng cường đến làm việc tại cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập ở cấp huyện.
Đối với trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định sẽ được trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 6 tháng tiền lương hiện hưởng cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng. Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và thuộc đối tượng được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm thôi việc, nghỉ hưu thì được trợ cấp 6 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương hiện hưởng.
Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chế độ hỗ trợ thêm tại các nghị quyết khác nhau của HĐND TPHCM thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ thêm cao nhất.
Trước đó, tại tờ trình của UBND TPHCM về quy định chế độ hỗ trợ thêm này, ước dự kiến số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần thực hiện chế độ hỗ trợ thêm là 7.159 người. Ước chi trả hỗ trợ mỗi cán bộ nghỉ hưu sớm là hơn 2,681 tỷ đồng/người. Tính chung toàn thành phố, tổng chi phí hỗ trợ thêm là gần 17.000 tỷ đồng.
Từ khóa: sắp xếp bộ máy, chế độ, hỗ trợ, cán bộ, TPHCM,thôi việc,nghỉ hưu,sắp xếp bộ máy
Thể loại: Nội chính
Tác giả: tỷ huỳnh/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN