“Cán bộ tham nhũng chia nhau hàng nghìn tỷ đồng, dân chịu sao nổi?"
Cập nhật: 11/09/2020
Phái đoàn quân sự Trung Quốc thăm Nhật Bản
Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quân sự, quốc phòng Việt Nam
VOV.VN - Theo ông Vũ Văn Phúc, nước ta còn đang khó khăn, thế nhưng có một bộ phận tham nhũng, tiêu cực, chia nhau hàng mấy nghìn tỷ đồng thì dân chịu sao nổi?
Ý Đảng-lòng dân
Nhiều người cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp diễn ra nên công tác phòng, chống tham nhũng có thể trùng xuống hoặc không quyết liệt như trước để tập trung vào công tác chuẩn bị dự thảo văn kiện, công tác nhân sự Đại hội.
Thế nhưng trong bài viết “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội 13 của Đảng, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra một thông điệp hết sức mạnh mẽ, đó là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Đây cũng là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội 13 và giai đoạn sắp tới.
Quyết tâm chính trị của người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta thể hiện nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân Việt Nam, mong muốn bộ máy Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị phải trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Muốn bộ máy thực sự trong sạch, vững mạnh, con người trong bộ máy không “dính chàm” thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải quyết liệt hơn, đẩy mạnh hơn.
Ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng, thông điệp mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra được đông đảo dư luận hoan nghênh, ủng hộ cao. Bởi từ thực tiễn kết quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thời gian qua đã tạo sự cảnh tỉnh, răn đe rất lớn, tạo hiệu ứng xã hội vì đáp ứng được mong mỏi của nhân dân, thuận với ý nguyện của nhân dân và đó cũng là điều tất yếu để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của xã hội. Chừng nào chưa đẩy lùi được tham nhũng thì chừng đó lợi ích vật chất của người dân, của xã hội còn bị tổn hại, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế- xã hội, cũng như sự ổn định chính trị-xã hội, thậm chí làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.
“Nước ta còn đang khó khăn, rất nhiều gia đình chính sách, gia đình liệt sĩ, các đồng chí thương bệnh binh có hoàn cảnh rất khó khăn, thế nhưng lại có một bộ phận tham nhũng, tiêu cực, chia nhau hàng mấy nghìn tỷ đồng thì dân chịu sao nổi? Số tiền trong một vụ án tham nhũng cũng đủ xây được hàng trăm nhà đoàn kết, nhà tình nghĩa, xây được bao nhiêu cây cầu, bao nhiêu trường học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa... Người dân rất mong Đảng ta phải kiên quyết, kiên trì và làm mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng, chống tham nhũng để loại ra khỏi bộ máy những “con sâu mọt”, để Đảng ta thực sự là đạo đức, là văn minh, để Nhà nước ta thực sự là của dân, do dân và vì dân”- ông Vũ Văn Phúc cho biết.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 12 của Đảng đến tháng 5/2020, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.370 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp ủy có thẩm quyền xử lý kỷ luật gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Có thể thấy, chưa bao giờ Đảng ta kỷ luật số lượng cán bộ, đảng viên nhiều như vậy. Điều đó chứng tỏ có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vì suy thoái nên nhiều người tham ô, tham nhũng bị kỷ luật về Đảng, kỷ luật hành chính Nhà nước, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Đây là điều đau xót. Nhưng mặt khác, việc kỷ luật nhiều cán bộ cũng thể hiện Đảng ta đã nhất quán giữa nói và làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kỳ ai dù giữ cương vị nào nếu tham nhũng đều bị xử lý nghiêm.
“Nhân dân cũng rất đau xót vì trong bộ máy Đảng, Nhà nước có những cán bộ suy thoái, biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa thành những người tham nhũng, lấy của công hàng nghìn tỷ, thậm chí có trường hợp nhận hối lộ 3 triệu USD – việc này chưa từng có trong lịch sử. Nhưng qua việc kỷ luật cán bộ, đảng viên, nhân dân cũng thấy rõ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm rất quyết liệt để loại ra khỏi bộ máy những con người không còn đủ tư cách” – ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh.
Người đứng đầu không tham nhũng thì cấp dưới không dám tham nhũng
Theo ông Vũ Văn Phúc, để góp phần tạo sự chuyển biến đồng bộ, toàn diện hơn nữa, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian tới phụ thuộc lớn ở quyết tâm, hành động của người đứng đầu. Thực tế đã chứng minh người đứng đầu có vai trò, vị trí rất quan trọng, bởi nếu chọn đúng người đứng đầu thì phong trào, hiệu quả công việc ở đơn vị, địa phương sẽ tốt; ngược lại, nếu chọn không đúng người thì sẽ làm cho công việc ở đơn vị, địa phương bị trì trệ, không phát triển được, thậm chí đi vào con đường tiêu cực, lãng phí. Người đứng đầu trong sạch, đứng đắn, không tham nhũng thì cấp dưới không ai dám tham nhũng; còn người đứng đầu chỉ lo thu vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì rất khó chống tham nhũng, cấp dưới nhìn vào đó để tham ô.
Ông Vũ Văn Phúc mong rằng, sắp tới đây, nếu chúng ta chọn được người đứng đầu Đảng, Nhà nước có phẩm chất chính trị hết sức vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác –Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường, mục tiêu mà Đảng, nhân dân đã chọn, kiên định đường lối đối mới và bản thân cán bộ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo và lái con thuyền cách mạng Việt Nam thì chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu đến năm 2045 nước ta sẽ thành nước phát triển định hướng XHCN. Trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng cũng vậy, nếu người đứng đầu kiên quyết, quyết tâm chính trị cao thì sẽ giải quyết vấn đề tham nhũng hiệu quả hơn, đáp ứng được mong mỏi của nhân dân.
Ở góc nhìn khác, Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ dùng sức mạnh của pháp lý mà còn phải dùng sức mạnh của dư luận xã hội, dùng sức mạnh của đạo đức, lấy cái tốt át đi những cái xấu xa, thoái hóa, hư hỏng. Trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải trong sạch, liêm chính thì mới trong sạch, liêm chính trong tổ chức, từ đó mới thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ lẽ phải, công lý cho xã hội.
“Chúng ta hoàn toàn có khả năng chống được tham nhũng nếu thực sự tôn trọng sự thật, tôn trọng công lý, biết dựa vào dân. Tiếng nói của người dân là trợ thủ rất đắc lực của Đảng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng” – ông Hoàng Chí Bảo chia sẻ./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN