Cán bộ giáo dục lúc nào cũng kêu tài chính hạn hẹp, sao vẫn lãng phí?

Cập nhật: 28/11/2019

VOV.VN - Nhiều cơ sở giáo dục hiện nay đang lãng phí nguồn nhân lực, đào tạo không gắn với tuyển dụng, lãng phí cơ sở vật chất, tài chính đầu tư không đúng...

Đây là những vẫn đề được TS Nguyễn Tuyết Hạnh, Phó trưởng khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục thẳng thắn chỉ ra trong tham luận về Áp dụng quản trị tinh gọn trong quản trị trường phổ thông tại hội thảo được tổ chức mới đây.

Thực hiện khảo sát với các học viên là cán bộ quản lý cấp tiểu học, THCS, THPT tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nam vào tháng 7, tháng 8/2019. TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết, với 367 ý kiến thu về, 100% các ý kiến đều cho rằng các trường phổ thông hiện nay vẫn còn nhiều lãng phí, trong đó tập trung nhiều lãng phí ở cơ sở vật chất, tài chính, thời gian.

"can bo quan ly giao duc luc nao cung keu tai chinh han hep, sao van lang phi"? hinh 1
Nhiều trường công lập hiện nay luôn kêu ngân sách hạn hẹp nhưng quá trình hoạt động lại còn rất nhiều lãng phí. (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnamnet)

“Sẽ thấy một nghịch lý là hầu hết các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông công lập đều có ý kiến là nguồn tài chính hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, vậy tại sao lại lãng phí? Tìm hiểu thêm thấy rằng sự lãng phí này đôi khi không phải do cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường gây ra mà do cơ chế quản lý gây ra nữa. Ví dụ như phần mềm kế toán vừa cài đặt, tập huấn sử dụng đang ổn, nhưng cấp trên lại yêu cầu mua mới.

Cũng theo yêu cầu liên quan, nhiều nhà trường phải chi nhiều tiền mua cả cuốn văn bản quy phạm pháp luật trong đó bao gồm nhiều văn bản luật chẳng liên quan gì đến giáo dục. Chưa kể mua xong các văn bản lại thay đổi, hết hiệu lực, trong khi hiện nay tất cả các văn bản đó đều được cập nhật trên mạng Internet”, TS Hạnh cho biết.

Phó trưởng khoa Quản lý, Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng, hiện nay ngành và các địa phương vẫn còn tổ chức nhiều cuộc thi tốn thời gian công sức chuẩn bị, kể cả tài chính được đầu tư nhưng vẫn còn hình thức, không hiệu quả, hoặc hiệu quả giáo dục thấp. Nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn, cách thức tổ chức chưa khoa học, chất lượng báo cáo viên thấp, phương pháp tập huấn chưa tích cực nên giáo viên sau khi tham gia không thu nhận được gì nhiều, lãng phí thời gian, tiền bạc...

TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cũng cho biết, qua khảo sát, 100% các ý kiến giáo viên cho rằng quản lý hoạt động dạy học và giáo dục còn nặng về hành chính, quy định nhiều hồ sơ, sổ sách. Một số trường vẫn bắt giáo viên viết tay, chép giáo án, không cho sử dụng máy tính, chưa áp dụng được khoa học công nghệ trong dạy và học nên tốn nhiều thời gian làm hồ sơ, thiếu thời gian tập trung cho chuyên môn.

“Có thể thấy trong giáo dục Việt Nam còn nhiều lãng phí, lãng phí nhân lực do đào tạo không gắn với sử dụng hoặc tuyển dụng không dựa trên vị trí việc làm, năng lực chưa đáp ứng. Lãng phí về cơ sở vật chất do chất lượng vật tư, phương tiện, thiết bị giáo dục thấp. Lãng phí tài chính do đầu tư không đúng, mua sắm thiếu kế hoạch, hoặc mua những thứ không cần thiết. Lãng phí thời gian do thủ tục rườm rà. Lãng phí tư duy, cơ hội do không nhận ra cơ hội để đón bắt hoặc do thiếu quyết đoán.

Trong quản lý nhà trường, sự lãng phí tư duy, lãng phí phương pháp thể hiện ở chỗ chưa huy động được trí tuệ tập thể giải quyết các vấn đề của tổ chức, hoặc phương pháp làm việc chưa phù hợp. Có thể thấy sự lãng phí đang hiện diện ở khắp nơi, mọi nơi trong các cơ sở giáo dục nói chung và cơ sở giáo dục phổ thông nói riêng”, TS Hạnh chỉ rõ.

Chuyên gia giáo dục này cho rằng, trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, cần nhiều nguồn lực để thực hiện sự thay đổi, trong khi nguồn ngân sách còn hạn hẹp thì giải quyết vấn đề lãng phí là việc làm cần thiết để có thêm điều kiện cho đổi mới. Mặt khác, mục tiêu giáo dục phổ thông là hình thành và phát triển ở học sinh những năng lực và phẩm chất của công dân thế kỷ 21, có ý thức trách nhiệm với đất nước, trung thực, tự chủ, sáng tạo... thì bên cạnh các bài giảng, các hoạt động giáo dục rất cần tạo môi trường lành mạnh, trong đó các việc làm của cán bộ quản lý, giáo viên, giáo viên phải thể hiện nêu gương. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các việc làm hàng ngày của các lực lượng giáo dục trong và ngoài trường sẽ tác động đến học sinh để hình thành ở các em năng lực thực hành tiết kiệm.

Loại bỏ kiến thức kinh viện, thủ tục rườm rà, dạy học sinh tư duy

Để khắc phục những lãng phí không cần thiết trong nền giáo dục hiện nay, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho rằng cần đổi mới phương pháp quản trị trường học, trong đó loại bỏ những lãng phí, thực hành tiết kiệm để quản trị nhà trường hiệu quả cần được thực hiện. Để loại bỏ các lãng phí trong các cơ sở giáo dục, có rất nhiều cách. Có thể sử dụng các công cụ của quản trị tinh gọn để loại bỏ các lãng phí như tiêu chuẩn hóa công việc. Bao gồm chuẩn hóa chương trình, chuẩn hóa cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, chuẩn hóa quy trình tuyển dụng giáo viên, nhân viên... Trong đó áp dụng các tiêu chuẩn định mức lao động lựa chọn đội ngũ giáo viên, nhân viên theo tiêu chuẩn, bố trí nhân sự dựa trên đề án vị trí việc làm là cách để loại bỏ lãng phí nhân lực. Sử dụng quy định chuẩn thiết bị giáo dục trong đầu tư, mua sắm, sử dụng để loại bỏ lãng phí cơ sở vật chất, tài chính...

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cũng cần rà soát lại chương trình giáo dục, loại bỏ các kiến thức hàn lâm, kinh viện, thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, dạy cho học sinh cách học, cách tư duy giúp các em chủ động trước sự thay đổi và thích ứng.

Các trường cũng nên xây dựng hệ sinh thái giáo dục gồm nhiều thành phần khác nhau như gia đình, doanh nghiệp, nhà trường, các điều kiện thiết bị vật chất, không gian học tập.... Việc xây dựng hệ thống sinh thái sẽ tận dụng được cơ sở vật chất, không gian tự nhiên có sẵn của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở địa phương trong thực hiện các mục tiêu giáo dục. Huy động các lực lượng xã hội tham gia vào giáo dục sẽ loại bỏ được những lãng phí về tài chính, thời gian, cơ sở vật chất, nhân lực và cơ hội...

Đặc biệt, TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh, các nhà trường cần quan tâm phát triển kỹ năng mềm cho người học, điều này sẽ giúp loại bỏ những lãng phí cơ hội, lãng phí tư duy, lãng phí phương pháp.../.

Từ khóa: lãng phí, lãng phí trong giáo dục, quản lý giáo dục, cán bộ giáo dục, ngân sách giáo dục

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập