"Cán bộ có con cái nghiện ma túy có thể thôi giữ chức vụ"
Cập nhật: 30/09/2020
VOV.VN - "Cần cụ thể hóa thêm trong luật trường hợp cán bộ có con cái nghiện ma túy thì thôi giữ chức vụ và không bổ nhiệm. Nếu gia đình thiếu trách nhiệm thì Công an có vào cuộc tích cực đến mấy cũng khó ngăn chặn”
Chiều 29/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 18, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma túy được ban hành từ lâu nên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập; một số nội dung không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự... nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.
Mặt khác, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Do đó, việc sửa luật là rất cần thiết. Với 8 chương, 69 điều, dự thảo Luật tăng 13 điều so với Luật hiện hành, trong đó có 15 điều mới; sửa đổi, bổ sung 47 điều, giữ nguyên 7 điều.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, Luật Phòng, chống ma túy thời gian qua rất có hiệu lực trong quá trình thực hiện; lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng đóng góp hết sức tích cực... song tình trạng tội phạm ma túy ngày càng gia tăng, phức tạp.
"Không có đợt tiếp xúc nào mà cử tri không kiến nghị vấn đề ma túy, xử lý tội phạm ma túy. Cho nên việc sửa luật là hết sức cần thiết để luật có hiệu lực triệt để, khắc phục những khó khăn hiện nay và đáp ứng tốt yêu cầu phòng, chống ma túy trong thời gian tới", đại biểu nhận định.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình đề nghị Luật phải quan tâm đến trách nhiệm và giáo dục các thành viên trong gia đình trong phòng, chống ma túy. "Cần cụ thể hóa thêm trong luật những trường hợp cán bộ có con cái nghiện ma túy thì thôi giữ chức vụ và không bổ nhiệm, như vậy mới hạn chế được. Sau đó nếu con hết nghiện thì bố mẹ mới được bổ nhiệm, phục hồi lại chức vụ. Theo tôi, nếu gia đình thiếu trách nhiệm thì Công an có vào cuộc tích cực đến mấy cũng khó ngăn chặn", ông Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh.
Vị đại biểu này cũng đề nghị quy định trách nhiệm của thôn xóm, tổ dân phố, từng gia đình trong việc tham gia phòng, chống ma túy. Cũng giống như đợt Covid-19 vừa qua, mỗi gia đình, người dân phải tự giác khai báo. Và nếu ai phát hiện có đối tượng nghiện ở gần thôn mình, cạnh nhà mình thì cần tố cáo, khai báo để cơ quan chức năng nắm và quản lý được.
Đồng quan điểm, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề nghị dự án Luật cần có các chế tài để cụ thể hóa việc xử lý những người đứng đầu địa phương, đơn vị để xảy ra tội phạm ma túy.
"Đồng thời nên bổ sung trách nhiệm của cộng đồng, không chỉ cộng đồng sinh sống trong khu dân cư mà còn liên quan đến cả dòng họ. Nhất là hiện nay chúng ta có nhiều mô hình tốt, như mô hình dòng họ, khu dân cư không có ma túy; những người trong cùng gia đình, dòng họ có cách ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau cai nghiện ma túy rất tốt", đại biểu góp ý thêm.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị thiết kế một chương riêng về lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy. Lực lượng này "đứng mũi chịu sào" ở những nhiệm vụ hết sức cam go, do đó cần có cơ sở pháp lý và cơ chế để anh em đủ sức mạnh và đúng tầm vóc trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy. Và cần bổ sung và cần có chế độ đặc biệt cho lực lượng đấu tranh phòng, chống ma túy vì lực lượng này rất gian khổ, nguy hiểm./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN