Cắm sổ đỏ, vay mượn tiền để sang Anh lao động "chui" mong "đổi đời"
Cập nhật: 27/10/2019
Xuân biên phòng Ấm lòng dân bản biên giới Đắk Nông
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tặng quà người lao động tại Khánh Hòa
VOV.VN - Nhiều gia đình đã phải cắm bìa đỏ, vay mượn khắp nơi để lo chi phí cho con sang Anh làm việc…nào ngờ.
Chi phí “khủng” cho chuyến đi bão táp
Ngày 27/10, nhiều gia đình tại Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn đang “nín thở” chờ đợi sau nhiều ngày mất liên lạc với người thân. Thậm chí, những chiếc bàn thờ vọng đã được lập nơi quê nhà, họ cũng đã làm đơn trình báo gửi đến các cơ quan chức năng tìm sự giúp đỡ. Công an hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh cũng đã khẩn trương vào cuộc xác minh làm rõ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có thông tin chính thức nào về danh tính 39 nạn nhân tử vong trong container tại Anh.
Ông Th (bố Tr.M) cho biết tổng chi phí cho chuyến đi khoảng 950 triệu đồng, toàn bộ số tiền gia đình đều phải vay mượn. |
Nhiều gia đình cho biết, để có thể đi Anh họ đã phải bỏ ra chi phí rất lớn với hi vọng có thể qua đây làm việc mức thu nhập sẽ cao hơn. Theo như gia đình ông Phạm Văn Th (bố của Ph.Th.Tr.M 26 tuổi, trú tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc), tổng chi phí cho chuyến đi của Tr.M là hơn 950 triệu đồng, số tiền này sẽ được nộp làm 2 đợt. Đầu tiên gia đình sẽ phải nộp 22.000 USD cho người đưa đi, sau đó nếu sang đến nơi sẽ phải đóng thêm số tiền còn lại.
Còn ông Nguyễn Đình Gi (trú tại xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, có trai là Nguyễn Đình L 20 tuổi) cho biết, Cuối năm 2017, thanh niên này xin bố mẹ vay hơn 450 triệu đồng để qua Pháp làm việc. Nhưng phải tới tháng 4/2018, anh này thông báo mới đến Pháp và đang làm việc tại nhà hàng ăn uống.
Giữa tháng 10/2019, anh L gọi điện về thông báo cho gia đình sẽ đi qua Anh làm việc cùng bạn bè. Chi phí cho chuyến đi là hơn 300 triệu từ Pháp qua Anh. Ngày 21/10, L gọi điện thông báo đang ở chỗ bạn tại Paris (Pháp) và chuẩn bị qua Anh bằng ôtô. Sau cuộc điện thoại đó, gia đình không còn liên lạc được với thanh niên này.
Theo ông Lê M.T (trú tại xã xã Đô Thành, huyện Yên Thành, có con là Lê Văn H. 30 tuổi), 3 tháng trước, anh H. rời nhà vào TP HCM để chuẩn bị cho hành trình sang trời Âu của mình khi đứa con thứ 2 sắp chào đời. Ban đầu, anh H. dự tính sang Đức để làm việc, song ý định không thành nên tiếp tục chuyển sang kế hoạch sang Anh làm việc. Tổng chi phí cho chuyến đi khoảng 800 triệu đồng…
Suốt nhiều tháng trời anh H. phải di chuyển sang nhiều đất nước và rất ít khi liên lạc về với gia đình. Mới đây nhất, anh H. gọi điện thoại về thông báo với gia đình đang chuẩn bị từ Pháp sang Anh. Cũng từ đó, ông T chưa nhận được bất kỳ thông tin nào từ con trai.
Cắm bìa đỏ… cho con "dệt mộng hồng" trời Âu
Cũng theo ông Lê M.T, con trai ông tự tìm mối rồi làm thủ tục để đi, khi nào nộp tiền thì báo về gia đình chuẩn bị để nộp. Để có tiền lo cho con, ông T đã quyết định thế chấp 2 mảnh đất vay gần 700 triệu cộng với toàn bộ số tiền tích cóp bây lâu nay, hy vọng anh H sẽ sang đến nơi bình yên làm việc tại Anh và có mức thu nhập khá. Nào ngờ giờ đây gia đình đã mất liên lạc với con.
“Nếu như điều tồi tệ nhất xảy ra, thì tôi cũng chỉ còn cách nhờ cậy nhà nước giúp đỡ để đưa con về chứ gia đình bấy giờ đã không còn biết xoay đâu ra” - ông T nói.
Hoàn cảnh của gia đình ông Phạm Văn Th (bố của Tr.M, tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) cũng hết sức khó khăn. Sau khi học xong THPT, Tr.M. đi học Trung cấp rồi liên thông lên Cao đẳng ở Vinh (Nghệ An). Lúc đang học Cao đẳng, Tr.M. xin nghỉ đi Nhật Bản xuất khẩu lao động. Em trai Tr.M. học xong cũng không xin được việc nên năm ngoái, gia đình tiếp tục vay ngân hàng mua cho một ô tô con để chạy taxi. Cách đây không lâu, khi chở khách xe gặp tai nạn cháy trụi khung, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.
Khi Tr.M. về nước, vợ chồng ông Th cũng khuyên con gái nên ở nhà kiếm việc làm rồi lấy chồng, nhưng cháu quyết tâm đi để lấy tiền giúp gia đình trả nợ.
Tr.M. xuất phát từ Việt Nam vào ngày 3/10, sau đó sang Trung Quốc rồi đi Pháp và Anh. Ông Th. nhớ lại: “Sáng 23/10, Tr.M. nhắn tin vào điện thoại của mẹ nhưng chắc bà ấy không biết cách mở nên không đọc được. Đến ngày hôm sau, khi con trai út cầm máy lên mới thấy, gọi lại thì không thấy ai nghe máy nữa”.
Toàn bộ số tiền lo cho chuyến đi, ông Th cũng phải vay mượn khắp nơi, thậm chí cắm cả sổ đỏ. “Nếu cháu là một trong số các nạn nhân tôi hy vọng rằng các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để gia đình có thể đưa cháu về trong thời gian sớm nhất”, ông Th. nghẹn ngào.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Đặng Hoài Sơn - Phó giám đốc công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức từ Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan chức năng, tuy nhiên, theo tinh thần chung lãnh đạo công an tỉnh chỉ đạo kiểm tra xác minh trên địa bàn toàn tỉnh để xem có trường hợp nào liên quan đến người trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hay không. Đồng thời nếu có liên quan, Công an tỉnh Hà Tĩnh sẽ có chỉ đạo điều tra làm rõ sự việc, thực hiện quyền bảo hộ công dân tại nước ngoài. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin, căn cứ để xác định là người Hà Tĩnh. Đối với một số đơn trình báo người dân gửi đến chính quyền địa phương về việc mất liên lạc với người thân, hiện cơ quan công an vẫn đang tiếp tục xác minh làm rõ".
Hiện chính quyền, công an hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đang khẩn trương xác minh làm rõ thông tin liên quan./.
Vụ 39 thi thể trong container: Lòng "như lửa đốt" ngóng tin con từ Anh
Vụ 39 thi thể trong container: Phải làm gì để ngăn thảm kịch tái diễn?
Ám ảnh câu chuyện những chuyến xe "tử thần" đưa người vào Anh trái phép
Từ khóa: vụ 39 thi thể trong xe container, cắm sổ đỏ, dệt mộng trời âu, 39 người thiệt mạng tại Anh
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN