Cam go cuộc chiến tình báo kinh tế của Mỹ
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Nam: Triển vọng mới từ phát triển kinh tế biển
“Cao su Việt Nam, sợi dây kết nối kinh tế và tình người” trên nước bạn Campuchia
VOV.VN - Tình báo kinh tế không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn bị coi là mối đe dọa sự ổn định xã hội và chính trị toàn cầu.
Là công cụ của nhiều công ty, tập đoàn và quốc gia trong cạnh tranh, tình báo kinh tế không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn bị coi là mối đe dọa sự ổn định xã hội và chính trị toàn cầu.
Tình báo kinh tế bùng nổ. (Nguồn: perspectivesmed.ma) |
Cuộc chiến thầm lặng…
Tình báo kinh tế và gián điệp công nghiệp được hiểu là các hoạt động thu thập thông tin, bao gồm các sản phẩm trí tuệ (thông tin về công nghệ, ý tưởng, kỹ thuật, công thức sản phẩm, cách tính toán một quy trình)... cũng như thông tin về hoạt động của doanh nghiệp (dữ liệu khách hàng, giá cả, doanh số, công tác nghiên cứu phát triển, đấu thầu, thị trường)... của đối thủ cạnh tranh, cho mục đích kinh tế-thương mại một cách bất hợp pháp.
Lịch sử tình báo kinh tế có khởi điểm từ thế kỷ XVIII mà nạn nhân đầu tiên là Trung Quốc - nước từ lâu nổi tiếng với bí quyết sản xuất gốm sứ, bị một tu sĩ người Pháp lấy được và cung cấp cho một số nước châu Âu. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt trên mọi lĩnh vực, tình báo kinh tế có vai trò ngày càng lớn và đa dạng trong thời đại phát triển như vũ bão của kỹ thuật và công nghệ.
Muốn sở hữu công nghệ mới nhưng không muốn đầu tư nhiều là nguyên nhân khiến cho lực lượng tình báo kinh tế ngày càng đông đảo; sự cạnh tranh quyết liệt để giành thị phần của các công ty là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động tình báo kinh tế bùng nổ. Từ sản xuất vũ khí, dược phẩm, vận tải, nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, giáo dục... đến các ngành công nghiệp kỹ thuật cao... đều là mảnh đất màu mỡ của tình báo kinh tế.
Trong vòng bốn năm 2002 - 2005, chỉ tính riêng tại Mỹ, mỗi năm các tập đoàn kinh tế lớn phải chịu tổn thất khoảng 40 tỷ USD do các hoạt động gián điệp gây ra. Theo Viện thống kê Mỹ, cứ 1.000 công ty xảy ra 2,5 vụ án tình báo kinh tế và giá trị thiệt hại mỗi vụ lên đến nửa triệu USD. Con số này trên thực tế có thể lớn hơn nhiều, nhưng nhiều vụ đã bị cố ý ém nhẹm vì sợ những gì được tiết lộ sẽ tác động đến lợi nhuận, hoặc không hề biết hệ thống của mình đã bị hack.
Theo Bộ Ngoại giao và Trung tâm Phản gián Quốc gia Mỹ, trong những năm gần đây đã có 446 vụ thu thập thông tin công nghệ bất hợp pháp từ 173 công ty của Mỹ, trong đó chỉ có 58 công ty thông báo sự việc cho FBI biết, bởi chính nhân viên của họ đã bị “dính chàm” trong các phi vụ làm ăn bất minh với nhân viên tình báo kinh tế nước ngoài. Ước tính trung bình một công ty công nghệ thông tin bị 67 vụ theo dõi với thiệt hại hơn 10 triệu USD mỗi vụ.
Tình báo kinh tế - công cụ cạnh tranh không lành mạnh. (Nguồn: aisoma.de) |
Sau sự kiện 11/9, Mỹ đã có thêm một số cớ để can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế của các quốc gia khác. Dưới vỏ bọc chống khủng bố, Washington đang cố gắng điều khiển hệ thống giao thông vận tải trên toàn thế giới khi yêu cầu các hãng vận tải hàng không phải cung cấp đầy đủ những thông tin chi tiết về các khách hàng – bằng cách đó, chính các hãng đã trao cho Mỹ một công cụ tình báo kinh tế hiệu quả. Ngành vận tải biển cũng gặp phải tình trạng tương tự và lĩnh vực kiểm toán, tư vấn cũng là một môi trường béo bở của tình báo kinh tế.
Thung lũng Silicon trở thành trung tâm gián điệp của các nước, tập trung đánh cắp bí mật thương mại, thu thập thông tin về các công nghệ có giá trị, nhạy cảm hoặc có ứng dụng kép đang được phát triển cho cả quân sự và dân sự. Sự bành trướng của internet và mạng lưới máy tính đã mở rộng phạm vi và mức độ của các vụ gián điệp kinh tế. Theo ước tính của giới chuyên môn, mỗi ngày trên thế giới có tới 50.000 công ty bị xâm nhập mạng máy tính với mục đích gián điệp kinh tế, và tần mức này tăng gấp đôi mỗi năm. Thông qua các virus máy tính, toàn bộ dữ liệu, hoạt động kinh doanh của công ty có thể bị theo dõi và đánh cắp ở một nơi nào đó cách hàng ngàn cây số.
Báo cáo tháng 11/2015 của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho biết, hoạt động gián điệp kinh tế của hacker tạo ra thiệt hại 400 tỷ USD mỗi năm, 90% số đó đến từ Trung Quốc. Còn theo báo cáo năm 2017 của Ủy ban Sở hữu Trí tuệ Mỹ, Trung Quốc mỗi năm gây ra thiệt hại 225 - 600 tỷ USD cho Mỹ thông qua các sản phẩm giả, phần mềm lậu và ăn cắp bí mật công nghiệp. Trong 3 năm qua, Mỹ đã thiệt hại 1.200 tỷ USD do bị đánh cắp sở hữu trí tuệ, phần lớn trong số đó là do Trung Quốc tạo ra.
Kết quả cuộc thăm dò 1.300 công ty Mỹ do ASIS thực hiện cho thấy, mạng lưới tình báo kinh tế Trung Quốc đã và đang tiếp tục hoạt động mạnh ở Mỹ. Mối nghi ngờ tình báo kinh tế Trung Quốc chiếm hữu được một số báo cáo mật về kinh tế Mỹ đã và đang gây quan ngại sâu sắc tại Quốc hội Mỹ. Cùng với trào lưu toàn cầu hóa, tình báo kinh tế ngày càng phổ biến và đang trở thành một công cụ của nhiều công ty, tập đoàn và quốc gia trong các nỗ lực cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn bị coi là đe dọa sự ổn định xã hội và chính trị toàn cầu.
… nhưng không kém phần khốc liệt, cam go…
Trong điều kiện toàn cầu hoá, trước hết là toàn cầu hoá kinh tế và công nghệ, tình báo kinh tế càng được nhiều quốc gia đặc biệt coi trọng và là một trong những biện pháp quan trọng của hệ thống bảo đảm an ninh quốc gia. Ở Mỹ, ngay từ năm 1947, theo Luật An ninh quốc gia, trong cơ cấu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã thành lập Ban tình báo kinh tế với nhân viên được tuyển chọn từ các học viên và cộng tác viên khoa học xuất sắc nhất của các trường đại học và các viện nghiên cứu kinh tế.
Ban này duy trì quan hệ chặt chẽ với các chuyên gia kinh tế của các hãng và công ty, các tổ chức phi chính phủ, uỷ viên hội đồng quản trị của các công ty đa quốc gia có chi nhánh tại gần như tất cả các nước trên thế giới. Theo sắc lệnh ban hành năm 1994, tình báo kinh tế đóng một vai trò ngày càng quan trọng là trợ giúp các nhà hoạch định chính sách, tìm hiểu các xu hướng phát triển kinh tế, hỗ trợ đắc lực cho các doanh nhân Mỹ tranh giành thị trường quốc tế.
Đại bản doanh của Tập đoàn Apple tại Thung lũng Silicon – địa bàn quy tụ nhiều gián điệp công nghiệp nhất hành tinh. (Nguồn: kqed.org) |
Theo tiết lộ của một cựu Giám đốc CIA, các cơ quan tình báo của Mỹ có ba nhiệm vụ trong lĩnh vực tình báo kinh tế là cung cấp các cứ liệu nhằm hỗ trợ cho các cơ quan lập pháp Mỹ hoạch định chính sách và soạn thảo các quyết sách; kiểm soát các xu hướng phát triển khoa học, công nghệ và kỹ thuật có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia (công nghệ vũ trụ, “tàng hình”, máy tính, laser, trí tuệ nhân tạo, sinh học, trước hết là công nghệ gen v.v...); và hoạt động phản gián để bảo vệ nền kinh tế Mỹ chống lại các đối phương tiềm tàng và giám sát các đối tượng đội lốt hoạt động kinh tế để làm gián điệp.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), năm 2007, có đại diện của ít nhất 23 quốc gia đã từng bị phát hiện có dính líu tới hoạt động tình báo kinh tế nhằm vào các mục tiêu Mỹ. Số vụ gián điệp kinh tế nước ngoài ở Mỹ bị phanh phui ngày càng nhiều, nhiều chi nhánh của các công ty nước ngoài tại Mỹ giành được các hợp đồng quốc phòng trong các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ. Các cơ quan tình báo của một số nước đồng minh như Pháp và Israel đã từng tuyển mộ điệp viên trong các công ty Mỹ hay văn phòng của các công ty này ở nước ngoài trên đất Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã áp dụng các biện pháp khẩn cấp như thành lập Hội đồng Kinh tế Quốc gia trong lĩnh vực an ninh kinh tế với chức năng tương đương với Hội đồng An ninh Quốc gia; thành lập một Ban xử lý tình huống khẩn cấp hay còn gọi là Trung tâm hỗ trợ khẩn cấp thuộc Bộ Thương mại để nắm bắt thực trạng của các dự án lớn trên toàn thế giới có liên quan đến các công ty Mỹ; ban hành Đạo luật tình báo kinh tế để đương đầu với hoạt động tình báo đang phát triển mạnh trong lĩnh vực kinh tế.
Tình báo kinh tế có thể trợ giúp đắc lực các chuyên gia đàm phán thương mại của Mỹ, đồng thời loại trừ các mối đe doạ tiềm tàng đối với các công ty của Mỹ từ các cơ quan tình báo nước ngoài và do các hoạt động thương mại không công bằng. Năm 1996, Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật tình báo kinh tế, xem việc đánh cắp bí mật mậu dịch là tội phạm cấp bang với mức tù lên đến 15 năm và phạt 500 ngàn USD. Ủy ban xem xét các vấn đề An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung đang đề nghị Washington có những biện pháp đối phó với Trung Quốc như giới hạn giao dịch với các ngân hàng Mỹ đối với những công ty được cho là đã sử dụng những công nghệ đánh cắp hay cấm nhập cảnh vào Mỹ những cá nhân dính líu đến tội phạm mạng.
Mới đây, những người đứng đầu cục tình báo Mỹ đã họp bàn về hành động của các công ty lớn thuộc Thung lũng Silicon đối với mối nguy hiểm khi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, đưa ra những cảnh báo đe doạ về an ninh mạng, đánh cắp tài sản trí tuệ. Đây là động thái thể hiện lập trường của chính phủ Mỹ trong những căng thẳng ngày càng gia tăng đối với Trung Quốc khi nước này được coi là “mối đe dọa rộng lớn nhất, thách thức nhất và nghiêm trọng nhất” mà Mỹ phải đối mặt (theo lời Giám đốc FBI). Các công ty Mỹ đã bị cấm mua thiết bị viễn thông từ một số hãng nước ngoài, trong đó có Huawei để chống lại mối đe dọa gián điệp từ thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Theo chiến lược mới, để bảo vệ các bí mật thương mại, Mỹ sẽ đưa ra 5 biện pháp: tập trung vào các nỗ lực ngoại giao để bảo vệ các bí mật thương mại ở hải ngoại và gây sức ép ngoại giao; hỗ trợ khu vực công nghiệp tư nhân bảo vệ bí mật thương mại; tăng cường các chiến dịch thực thi pháp luật trong nước; cải thiện luật pháp trong nước; và tuyên truyền cảnh báo đến mọi doanh nghiệp. Nhà Trắng đề nghị tăng cường pháp chế bằng việc tăng mức án tù giam từ 15 năm lên 20 năm đối với loại tội phạm gián điệp kinh tế cũng như tội đánh cắp các bí mật thương mại, tìm kiếm những biện pháp mới để bảo vệ bí mật thương mại thông qua những cuộc đàm phám quốc tế./.
Từ khóa: cuộc chiến tình báo, tình báo kinh tế, bí mật thương mại, CIA, FBI,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN