Cải thiện môi trường kinh doanh - Điểm tựa phục hồi và phát triển
Cập nhật: 2 giờ trước
Giá vàng hôm nay 19/1: Vàng SJC ở mức giao dịch 86,9 triệu đồng/lượng
Cải thiện môi trường kinh doanh - Điểm tựa phục hồi và phát triển
VOV.VN - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02 năm 2025 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết số 02 năm nay mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Chuyên gia đánh giá, việc triển khai hiệu quả Nghị quyết số 02 năm 2025 của Chính phủ chính là điểm tựa phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong giai đoạn mới.
Nghị quyết 02 năm nay nhấn mạnh yêu cầu đối với các bộ ngành và địa phương về thực hiện nghiêm việc chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm" và xoá bỏ cơ chế "xin - cho". Điểm quan trọng là kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp, để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư; đồng thời khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo, các mô hình kinh doanh mới, phù hợp và thích ứng linh hoạt với xu thế phát triển. Nghị quyết 02 yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; trong đó tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế. Sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị tổng kết ngành tài chính năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã yêu cầu: "Phải mạnh dạn cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp, đẩy lùi tiến trình phát triển và gây ra lãng phí. Các dự án mà kéo dài là lãng phí, trong đó có tiêu cực tham nhũng. Do đó phải sửa, phải phân cấp phân quyền mạnh hơn, tinh thần “địa phương quyết và địa phương làm và chịu trách nhiệm”, mạnh dạn buông bỏ cái này, không thu vén lại làm sinh ra thủ tục hành chính không cần thiết, sinh ra tiêu cực, sinh ra “xin-cho”.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thực thi văn bản pháp luật, Nghị quyết 02 yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, các bộ ngành cần thực thi nghiêm cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa, nhất là công tác kiểm tra chất lượng, theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng quản lý rủi ro trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và mức độ rủi ro của hàng hóa.
Đây cũng là kỳ vọng được ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nêu lên: "Đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, kỳ vọng nhiều là thủ tục kiểm tra chuyên ngành, một khó khăn là sự chồng chéo, trùng lặp và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, nên doanh nghiệp phải chạy qua nhiều cơ quan làm tăng thời gian và chi phí. Đáng ra bản thân cơ quan Nhà nước là tự phối hợp nên hy vọng 2025 được cải thiện mạnh mẽ".
Đối với các địa phương, Nghị quyết số 02 năm 2025 yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Theo đó, Nghị quyết yêu cầu địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm; phân công phải 5 rõ, là: "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm".
Bên cạnh nêu rõ yêu cầu với các bộ ngành và địa phương, Nghị quyết 02 năm 2025 cũng nhấn mạnh việc cần coi trọng và thường xuyên chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời nắm bắt các phản hồi chính sách; bảo đảm đối thoại thực chất, giải quyết ngay được những khó khăn, vướng mắc.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: "Chúng tôi nhận diện yếu tố khó thời gian qua là tháo bỏ rào cản này thì phát sinh rào cản khác. Nghị quyết 02 năm 2025 tập trung thêm về nâng cao hiệu quả giám sát của cơ quan Nhà nước, cơ quan độc lập, tránh tình trạng tháo bỏ rào cản này phát sinh rào cản khác hoặc tiềm ẩn rào cản. Thì đây là cơ chế cần tập trung trong năm 2025, được Chính phủ nhấn mạnh".
Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, nên Chính phủ đã đặt mục tiêu cao về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này đòi hỏi cần nỗ lực của mọi ngành mọi cấp về thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã được nêu rõ trong Nghị quyết 02 năm 2025 của Chính phủ. Điều quan trọng bây giờ là các bộ ngành và địa phương cần triển khai quyết liệt và có hiệu quả Nghị quyết số 02, để làm điểm tựa phục hồi và phát triển của doanh nghiệp trong năm 2025, tạo nền tảng tốt nhất cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Từ khóa: môi trường, Cải thiện môi trường, kinh doanh, điểm tựa, phục hồi phát triển
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trung hiếu/vov1
Nguồn tin: VOVVN