Cái giá phải trả của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib

Cập nhật: 08/03/2020

VOV.VN -Để đạt được mục đích chính trị trong nước, Tổng thống Erdogan đã phải nhượng bộ không hề nhỏ trong cuộc đàm phán với Nga về lệnh ngừng bắn ở Idlib.

Nhiều ngày trước khi bay tới Moscow để thảo luận lệnh ngừng bắn ở Idlib với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng cảnh báo lực lượng chính quyền Syria rút quân hoặc họ sẽ “không còn đầu trên vai”.

Sau 6 giờ thảo luận, cuối cùng, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib. Nếu được các bên nghiêm túc thực hiện, thỏa thuận này có thể ngăn chặn sự tiến quân của các lực lượng chính quyền Assad vào Idlib, giúp Ankara cởi bỏ mối lo ngại về làn sóng người tị nạn Syria tràn sang Thổ Nhĩ Kỳ.

cai gia phai tra cua tho nhi ky trong thoa thuan ngung ban o idlib hinh 1
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ảnh: Bangkok Post

Bằng việc “đóng băng” các tiền tuyến, và đồng ý tuần tra chung trên tuyến đường cao tốc đông-tây chính chạy qua Idlib, thỏa thuận cũng củng cố thêm những chiến thắng trên thực địa gần đây của chính quyền Assad và cho phép Nga triển khai sâu hơn vào Idlib so với trước đây.

“Quân đội Syria bị chặn chứ không bị đẩy lùi. Đó có thể là thiệt hại lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ”, theo nhà phân tích Ozgur Unluhisarcikli thuộc Quỹ Marshall của Đức.

Những bước tiến của chính quyền Assad trong nhiều tuần qua bao gồm cả việc kiểm soát hoàn toàn tuyến cao tốc chính chạy qua Idlib, tuyến cao tốc kết nối thủ đô Damascus với Aleppo và các thành phố quan trọng khác của Syria.

Cái giá phải trả của Thổ Nhĩ Kỳ

Ở Moscow, thỏa thuận được coi như một chiến thắng cho Putin và Assad với cái giá phải trả của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Thỏa thuận đem lại nhiều lợi ích hơn kỳ vọng cho Nga và Damascus. Nga đang chiến thắng trên chiến trường và đó là lý do Nga sẽ chiến thắng trên mặt trận ngoại giao”, theo nghị sỹ Sergei Markov.

Sinan Ulgen, một học giả tại Carnegie Europe và là một nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng Tổng thống Erdogan đã phải nhượng bộ trước Tổng thống Putin vì nếu diễn biến ở Idlib trở thành xung đột quân sự trực tiếp thì đó thể là một kịch bản “thảm hại” cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Nga kiểm soát không phận ở Idlib có thể sẽ khiến binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ dễ gặp phải thương vong hơn.

34 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc không kích ở Idlib tuần trước và đó là cuộc tấn công chết người nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ hứng chịu trong gần 3 thập kỷ qua.

“Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán với điểm yếu về quân sự. Đạt được một lệnh ngừng bắn là điều quan trọng nếu xét về khía cạnh này, nhưng đây là một lệnh ngừng bắn có cái giá không hề nhỏ”. Ulgen nói với Reuters.

“Các điểm yếu khác của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib là hàng chục chốt quan sát được thiết lập từ năm 2017 theo thỏa thuận giảm căng thẳng. Hầu hết các chốt này đều bị bao vây bởi binh sỹ Syria trong những tháng gần đây, và vẫn bị cô lập với khoảng 20.000 binh sỹ mà Tổng thống Erdogan đã triển khai vào Idlib trong tháng trước.

Tuyên bố 3 điểm ngày 5/3 không nêu chi tiết về số phận hay vai trò tương lai của các chốt quan sát này, nhưng ông Erdogan nói rằng chúng quan trọng và sẽ vẫn được duy trì.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ, những chốt quan sát này đóng vai trò gì ở sâu bên trong những khu vực mà lực lượng Assad đã kiểm soát.

“Với thỏa thuận ngừng bắn, khu vực sẽ được giao lại cho chính quyền Assad, vì thế các chốt quan sát không có ý nghĩa gì”, Ulgen nói.

Bất chấp việc phải nhượng bộ không hề nhỏ, giới phân tích cho rằng Tổng thống Erdogan vẫn được hưởng lợi từ thỏa thuận ngừng bắn, bởi nó giải quyết được lo ngại chính của các cử tri Thổ Nhĩ Kỳ ở trong nước: ngăn chặn dòng người di cư và tị nạn đổ về biên giới thổ Nhĩ Kỳ và ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm vào binh sỹ nước này.

Nga “trên cơ”

Điều rõ ràng ở đây là Nga – và chính quyền Assad – dường như đã “trên cơ” trong cuộc thương lượng lần này.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự ủng hộ của NATO về chiến dịch vào Syria nhưng lại không nhận được điều mà họ thực sự muốn: tên lửa và có thể là một vùng cấm bay. Mỹ đề xuất hỗ trợ công khai và hứa hẹn hỗ trợ 100 triệu USD cho các nỗ lực nhân đạo của Liên Hợp Quốc trong tuần này nhưng lại không gửi cho Ankara hệ thống tên lửa Patriot mà họ thực sự muốn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách gây sức ép cho EU bằng cách sử dụng chiêu bài người tị nạn, mở cửa biên giới cho người di cư từ nước này sang châu Âu.

Hy Lạp, cửa ngõ chính cho những người muốn tìm cách sang châu Âu, đã ngăn chặn dòng người tị nạn và đóng cửa biên giới.

Châu Âu đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ dùng sức ép di cư vì mục đích chính trị. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không phải lần đầu sử dụng chiêu bài này, nhưng EU vẫn không muốn tiếp nhận thêm người tị nạn cũng như can dự sâu vào cuộc khủng hoảng ở Idlib.

Những yếu tố này khiến Thổ Nhĩ Kỳ có ít đòn bẩy hơn họ có thể có trong các cuộc đàm phán với Nga. Và điều này lại một lần nữa chứng minh rằng Nga là bên có quyền lực nhất ở Syria.

Giải pháptạm thời?

Ở một khía cạnh khác, lệnh ngừng bắn ở Idlib giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn một thảm họa nhân đạo ở thời điểm này, nhưng bản thân thỏa thuận cũng rất dễ lung lay.

“Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không phải là một thỏa thuận cuối cùng, đó chỉ là ngừng bắn tạm thời. Các cuộc xung đột có thể tái diễn trong những ngày tới”, nhà phân tích Unluhisarcikli đánh giá.

Al Jazeera cũng thông tin về các cuộc giao tranh lác đác ở Idlib, dù các cuộc tấn công trên không hiện đã dừng lại.

“Không có các cuộc dội bom, nhưng tình hình vẫn căng thẳng, và tất cả các bên đều lo ngại thỏa thuận ngừng bắn sẽ kéo dài được bao lâu”, Mohammed al-Ali, một nhà hoạt động ở Idlib nói với Al Jazeera.

Trên thực tế, 15 gười đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh gữa các nhóm phiên quân với lực lượng chính phủ Syria ở phía Nam Idlib chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, dù theo một nhà quan sát, ở một số nơi khác, bạo lực đã giảm.

Trong khi đó, thỏa thuận ngừng bắn dù trước mắt đã đẩy lùi được thảm họa nhân đạo nhưng nó không giải quyết được bài toán cơ bản mà Idlib phải đối mặt.

Gần 3,5 triệu người Syria sống ở Idlib, khoảng một nửa trong số này mất nhà ở từ các nơi khác của Syria trong những năm nội chiến. Tổng thống Syria Assad muốn giành lại toàn bộ lãnh thổ Syria đã bị chiếm trong nội chiến, như một chiến thắng vừa mang tính chiến lược vừa mang tính biểu tượng. Điều đó khiến hàng triệu người phải đi lánh nạn, nhưng họ không còn nơi nào để đi, vì các cửa khẩu với Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã từng có thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib vào tháng 9/2018, và đã được thực hiện cho tới mùa xuân 2019. Sau đó, chính quyền Assad bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch nhằm vào Idlib và thậm chí đã dội bom khu vực này.

Một lệnh ngừng bắn khác – mà cộng đồng quốc tế trong đó có cả các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ – có vẻ như là cách duy nhất để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ngay tức thì. Tuy nhiên câu hỏi thỏa thuận sẽ kéo dài được bao lâu thì vẫn còn bỏ ngỏ./.

Từ khóa: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Syria, thỏa thuận ngừng bắn, Idlib

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập