Trung Quốc chính thức vận hành đập thủy điện lớn thứ hai thế giới sau đập Tam Hiệp
VOV.VN - Sáng nay (28/6), các tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Bạch Hạc Than trên sông Kim Sa đã chính thức đi vào hoạt động và phát điện.
Cái giá phải trả cho tham vọng xây dựng siêu đập thủy điện của Trung Quốc
Cập nhật: 21/07/2021
VOV.VN - Bất chấp hậu quả về môi trường và xã hội, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ dừng theo đuổi tham vọng xây dựng siêu đập thủy điện.
Vào ngày 1/7, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Theo giới phân tích, một trong những thành tựu sẽ được nhắc đến trong dịp này là việc xây dựng thành công Đập thủy điện Bạch Hạc Than (Baihetan). Con đập có chiều cao 289m, nằm trên sông Kim Sa - một nhánh của sông Dương Tử, ở rìa Đông Nam của cao nguyên Tây Tạng. Đây là dự án thủy điện lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau đập Tam Hiệp cũng của Trung Quốc
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tự hào là nhà nhập khẩu và xuất khẩu lớn nhất thế giới và giờ là quốc gia sở hữu những con đập lớn nhất thế giới. Đập Tam Hiệp là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới có tổng công suất lắp đặt 22.500 MW. Còn đập Bạch Hạc Than là đập mái vòm lớn nhất thế giới và cũng là dự án đầu tiên trên thế giới sử dụng tổ hợp phát điện thủy lực khổng lồ.
Nhà máy thủy điện đập Bạch Hạc Than sử dụng 16 tuabin, mỗi tuabin có công suất phát 1.000 MW, đưa tổng công suất lắp đặt lên 16.000 MW. Con đập này gây chú ý không chỉ bởi kích thước khổng lồ của nó mà còn ở tốc độ triển khai dự án thần tốc khiến không ít chuyên gia phải ngạc nhiên. Dù gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật do địa hình xa xôi và hiểm trở, Trung Quốc chỉ mất 4 năm để hoàn thành đập Bạch Hạc Than, với tổng chi phí 170 tỉ nhân dân tệ (tương đương 26,1 tỉ USD).
Các dự án nói trên cho thấy tham vọng của Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về thủy điện, song song với tham vọng gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế. Theo giới phân tích, việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện lớn nói trên không chỉ nhằm mục đích giúp nước này đảm bảo an ninh nguồn nước như những gì Bắc Kinh tuyên bố. Chúng cũng được coi là “đòn bẩy” mà Trung Quốc có thể sử dụng để gây sức ép với các quốc gia ở khu vực hạ nguồn.
Chẳng hạn, bằng cách xây dựng 11 con đập khổng lồ trên sông Mekong, ở đoạn trước khi con sông này chảy vào Đông Nam Á, Trung Quốc đã cắt đứt dòng chảy tự nhiên của con sông, dẫn đến sự sụt giảm đột ngột về mức nước đối với các quốc gia hạ nguồn sông Mekong.
Phá hủy môi trường sinh thái
Nhà nghiên cứu địa chiến lược Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi (Ấn Độ) cho rằng, Bắc Kinh có lẽ chưa lường trước được hậu quả mà chiến lược của họ gây ra. Theo ông, cái giá phải trả sẽ rất lớn, vượt xa những mâu thuẫn và căng thẳng giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
Trong hai thập kỷ qua, Trung Quốc đã tiến hành cuộc cách mạng lớn để giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo. Bắc Kinh ngày càng quan tâm tới thủy điện, nguồn năng lượng dễ tiếp cận do địa hình đa dạng, nhằm tạo ra nguồn cung cấp điện ổn định. Thế nhưng việc nước này xây dựng ồ ạt các con đập đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của các hệ thống sông lớn ở châu Á, trong đó có hai con sông huyết mạch của Trung Quốc là: Hoàng Hà và Dương Tử.
Những con đập khổng lồ đang phá hủy hệ sinh thái, khiến nhiều loài thực vật và động vật nước ngọt đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, làm co hẹp diện tích các đồng bằng, giảm độ màu mỡ của đất đai ven sông, thậm chí thải ra nhiều khí CO2 hơn những nhà máy thủy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Hơn 350 hồ ở Trung Quốc đã biến mất trong những thập kỷ gần đây và số lượng con sông có dòng chảy tự do hiện nay còn rất ít. Sự phân cắt và sụt giảm lưu lượng nước tại các dòng sông đã trở thành hiện tượng phổ biến.
Gây hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống xã hội
Hậu quả về mặt xã hội cũng nghiêm trọng không kém. Do chất lượng thi công kém, đã có khoảng 3.200 con đập tại Trung Quốc bị vỡ tính đến năm 1981. Riêng sự cố vỡ đập Banqiao năm 1975 đã khiến 230.000 người thiệt mạng. Trong thời gian qua, Trung Quốc đã nâng cao năng lực xây dựng, khiến các con đập trở nên kiên cố và vững chãi hơn. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều con đập được xây dựng ở thời kỳ đầu, đang trong quá trình xuống cấp, luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro khi thời tiết xấu.
Chưa kể, các dự án xây đập đã khiến một số lượng lớn người dân phải di dời. Năm 2007, khi kế hoạch xây dựng các con đập lớn của Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nước này đã phải di dời 22,9 triệu người đến các khu vực khác để nhường chỗ cho các dự án thủy điện. Riêng dự án xây dựng đập Tam Hiệp đã khiến 1,4 triệu người phải di tản.
Khi Trung Quốc chuyển trọng tâm từ các con sông ở vùng trung tâm sang các con sông ở khu vực có thưa người sinh sống thì những cộng đồng dân tộc thiểu số vốn chịu thiệt thòi về kinh tế và văn hóa của nước này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả.
Bất chấp hậu quả về môi trường và xã hội, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ dừng theo đuổi tham vọng thủy điện. Nước này đang có kế hoạch xây dựng một đập lớn ở Tây Tạng có khả năng tạo ra sản lượng điện nhiều gấp 3 lần đập Tam Hiệp, trên sông Yarlung Tsangbo ở đoạn trước khi con sông ra khỏi Himalaya và chảy vào Ấn Độ (con sông này mang tên Brahmaputra khi đến Ấn Độ và Meghna khi chảy vào Bangladesh). Để đối phó với kế hoạch xây siêu đập của Trung Quốc, chính phủ Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng xây dựng một con đập khác trên sông Brahmaputra nhằm tăng cường việc trữ nước và vô hiệu hóa ảnh hưởng của dự án mà Bắc Kinh theo đuổi./.
Từ khóa: Trung Quốc, đập thủy điện, siêu đập thủy điện, đập Tam Hiệp, đập Bạch Hạc Than, cái giá phải trả của Trung Quốc, xây dựng siêu đập
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN