"Cái gì cũng phải đi xin thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được?"
Cập nhật: 07/10/2024
VOV.VN - Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc đánh giá còn khá nhiều nội dung của dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cần tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục “dọn dẹp” quy trình thủ tục, hạn chế xin – cho.
Sáng nay (7/10), tại Phiên họp 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Một trong những nội dung lớn được quy định tại dự thảo luật là hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, tại Điều 25, dự thảo luật quy định các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư hoặc quyết định chủ trương đầu tư theo pháp luật đầu tư công được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền của pháp luật đầu tư hoặc pháp luật đầu tư công.
Các dự án đầu tư của doanh nghiệp phải phê duyệt chủ trương đầu tư không thuộc đối tượng theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật đầu tư công được thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của luật này. Sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư theo quy định về pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng và pháp luật khác có liên quan.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng dự án luật còn nhiều nội dung, chính sách mới cần tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng dự án luật. Để bảo đảm bao quát hết các trường hợp có vốn nhà nước đầu tư, thống nhất với phạm vi điều chỉnh là quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và quản lý chặt chẽ nguồn lực của nhà nước, tránh nguy cơ thất thoát, lãng phí, đề nghị cần nghiên cứu, quy định đối tượng áp dụng cho phù hợp.
Cũng theo ông Lê Quang Mạnh, đa số ý kiến thường trực ủy ban cho rằng, nguyên tắc quản lý, thẩm quyền quyết định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nêu tại dự thảo luật là “chưa thực sự phù hợp với tinh thần phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp, vẫn can thiệp hành chính vào công việc quản trị của doanh nghiệp”.
Một số quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp được quy định tại dự thảo luật cũng chưa thống nhất với quy định pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát các quy định để tránh chồng chéo về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
Đồng tình với cơ quan thẩm tra, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc đánh giá có nhiều nội dung, chính sách mới chưa được đánh giá toàn diện. Vẫn còn khá nhiều nội dung cần tiếp tục hoàn thiện, tiếp tục “dọn dẹp” quy trình thủ tục, hạn chế xin – cho.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW về việc tách bạch quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp, và đặt vấn đề: Văn phòng của DNNN, sau khi sắp xếp, sử dụng không hết thì tại sao cấm họ cho cho thuê; để dư thừa, xuống cấp hư hỏng, lãng phí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng còn những nội dung trong dự thảo luật chưa thể hiện đúng và nhất quán những tư tưởng của Nghị quyết 12 là Nhà nước quản lý chứ không can thiệp vào quản trị.
“Nếu không phân cấp, phân quyền, cái gì cũng phải trình cấp trên thì làm sao chịu trách nhiệm toàn diện được”, ông Nguyễn Khắc Định lưu ý, bởi điều này không giảm thủ tục và có thể làm mất thời cơ của doanh nghiệp.
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá nguyên tắc tăng cường phân cấp phân quyền chưa được thể hiện rõ; trong khi lại không phân định rõ vai trò của cơ quan quản lý vốn nhà nước với các bộ chủ quản. “Không khéo chỗ này tưởng chỗ kia quản lý, chỗ kia lại nghĩ là chỗ này. Rút cuộc có khoảng trống”, ông Trần Thanh Mẫn nói.
Từ khóa: quốc hội, ủy ban thường vụ quốc hội, chủ tịch quốc hội, doanh nghiệp nhà nước, cơ chế xin cho, đầu tư, phiên họp 38
Thể loại: Nội chính
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN