"Cái duyên" với Đài Tiếng nói Việt Nam

Cập nhật: 06/09/2021

Trong cuộc đời một thời làm báo chí tự do của tôi, tôi có thể viết gửi đến bất cứ tòa soạn báo nào đó trong nước, nhưng Đài Tiếng nói Việt Nam như là "cái duyên" của tôi.

Sau khi rời quân đội ít năm tôi thích tìm tòi khám phá, ngẫu nhiên tìm đến báo chí khoảng từ năm 2004 với bài đăng đầu tiên trên báo Khoa học và đời sống thời đó. Tôi đến với báo chí chỉ từ một người dân quê lại ít học, chỉ vì say mê mà tìm đến thôi. Tôi lại tìm gửi nhiều bài viết đến các tòa báo Trung ương và bài tôi cũng được đăng khá nhiều. Tuy nhiên có một địa chỉ với tôi như là cái duyên, đó là Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tác giả Lê Văn Thưa (thứ 2 từ trái sang) nhận giải thưởng cuộc thi Môi trường và Phát triển năm 2007.

Thời gian đầu tôi đã tìm đến với Đài Tiếng nói Việt Nam qua chương trình Tài nguyên và Môi trường, khi đó anh Nguyễn Trọng Huân là nhà báo cũng là nhà văn phụ trách mảng này. Chương mục phát thanh về môi trường rất phù hợp với tôi nên tôi đã có nhiều bài viết được phát sóngtrên Đài Tiếng nói Việt Nam. Giai đoạn này chương trìnhTài nguyên và Môi trường của Đài Tiếng nói Việt Nam rất năng động, thường xuyên kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhiều cuộc thi viết về môi trường trên toàn quốc.

Đây là sân chơi đã làm tôi mê hoặc, tôi tham gia hầu hết các cuộc thi và ở đây tôi cũng nhận được nhiều giải thưởng. Đáng kể nhất phải nhắc đến là giải xuất sắc trong cuộc thi: “Môi trường và Phát triển năm 2007” với tiền thưởng đến 10 triệu đồng, một số tiền thưởng rất lớn đối với tôi và ở thời điểm đó. Đây cũng là đỉnh cao đóng góp cho xã hội của tôi về nhận thức cần bảo vệ môi trường. Từ diễn đàn này tôi cũng được nhiều người biết đến, được các phóng viên báo chí và truyền hình thường hỏi thăm đến.

Một thời gian sau không rõ thế nào tôi lại tự tìm đến làm quen rồi rất gần gũi thân thiết với VOVNews (nay là Báo Điện tử VOV, một đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam). Gần gũi đến mức một lần tôi liên lạc với người phụ trách nhuận bút thì người này thốt lên: Ôi thế anh, em tưởng là người của Đài Tiếng nói Việt Nam! (Thật là một sự nhầm lẫn đáng yêu!).

Tôi có nhiều bài đăng trên VOVNews, sở trường lúc này của tôi lại là các phóng sự ảnh. Vâng, điều không ngờ có một số phóng sự ảnh của tôi đăng trên VOVNews đã trên 10 năm nay vẫn còn lưu dẩu đâu đó trên một số trang web đăng lại. Nhiều bài của tôi được đăng trên VOVNews để lại dấu ấn rõ nét cho bạn đọc, đồng thời đóng góp thiết thực một số lĩnh vực trong đời sống xã hội. Thậm chí còn gây ra sự chú ý quan tâm như các bài báo: Sơ đồ theo dõi bão, Bài toán mật độ trong giao thông đường bộ, Carbon đen trên cát trắng Quảng Bình, Nhớ một thời dâm bụt, Triết lý sống về cây phi lao trên đồi cát… Đó là những tác phẩm tâm huyết tôi phải dành nhiều thời gian thực hiện, có phóng sự ảnh phải hơn mấy tháng trời trăn trở.


Tác giả Lê Văn Thưa tại Hội nghị cộng tác viên của Đài TNVN tổ chức tại Quảng Trị.

Năm 2010 là một năm đặc biệt, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội nghị cộng tác viên tại Quảng Trị. Đây là dịp thật ý nghĩa với tôi, được gần gũi với anh chị em phóng viên và lãnh đạo của Đài Tiếng
nói Việt Nam, để lại kỷ niệm không thể nào quên. Tôi lại được vinh dự là người đại diện cộng tác viên lên phát biểu trong hội nghị. Đây là dịp được trải nghiệm hiếm có trong đời làm báo với Báo Điện tử VOV, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thế rồi qua thời gian, do tuổi đời không còn sự hăng say cống hiến nữa tôi đã xa dần với báo chí. Trong một lầntrên mạng xã hội Facebook, tôi gặp 1 người không quen biết đăng ảnh nói về Trường Sa. Tôi vốn là hải quân liền vào bình luậnvà cùng kết bạn với Nguyễn Mỹ Trà. Hóa ra đây là phóng viên của Báo Điện tử VOV, bất ngờ tôi lại trở về với Đài Tiếng nói Việt Nam lần thứ 3.


Tại cuộc triển lãm "Trường Sa - nơi ta đến".

Sau đó, chị Mỹ Trà tổ chức cuộc triển lãm "Trường Sa -nơi ta đến” và mời tôi ra Hà Nội tham dự, tôi đã nhận lời và cả 2 vợ chồng tôi từ Quảng Bình đi Hà Nội. Tại cuộc triển lãm này, tôi được gặp lại các phóng viên một thời ở VOVNews (lúc này đã đổi tên thành Báo Điện tử VOV). Lần đầu tiên tôi được mời đến thăm trụ sở làm việc của Báo tại Hà Nội, được đón tiếp chu đáo và ấm áp.

Trong cuộc đời một thời làm báo chí tự do của tôi, tôi có thể viết gửi đến bất cứ tòa soạn báo nào đó trong nước. Nhưng loanh quanh thế nào rồi cũng cứ trở về với Đài Tiếng nói Việt Nam, đến “quá tam 3 bận”. Cả 3 lần đều đi đến thành công tốt đẹp cho cá nhân tôi và cả Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây đúng là “Cái duyên với Đài Tiếng nói Việt Nam”. Tôi xin cảm ơn Đài Tiếng nói Việt Nam cùng lãnh đạo và nhiều phóng viên từng quen biết./.

Quảng Bình, ngày 28/8/2021

CTV Lê Văn Thưa/VOV.VN

Từ khóa:

Thể loại: Tin hoạt động VOV

Tác giả:

Nguồn tin: R&D