Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Cập nhật: 29/02/2024
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - “Cải cách tạo điểm tựa thúc đẩy phát triển doanh nghiệp”, đây là chủ đề của Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02 năm 2024 của Chính phủ”, do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sáng nay 29/2 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hội nghị có sự tham gia hơn 150 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và Hiệp hội doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, theo cả 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Dự báo năm 2024, các thuận lợi và khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn. Riêng trong tháng 1/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gấp gần 2 lần số doanh nghiệp gia nhập thị trường. Thực tế này cho thấy doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn; và hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp.
Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh việc Chính phủ khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 năm 2024, nhằm tạo áp lực, đồng thời khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành và địa phương.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế cho biết: "Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, đồng thời gắn với trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương. Những nhóm giải pháp này hướng tới giải quyết các vướng mắc, bất cập cụ thể và đang gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Có những giải pháp có thể thực hiện ngay; có những giải pháp cần có sự phối hợp và hoàn thiện trong dài hạn hơn".
Tại hội nghị, các đại biểu đã có nhiều đề xuất, kiến nghị về thúc đẩy triển khai có hiệu quả các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cơ quan đại diện cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh: "Điều quan trọng là chất lượng thực thi, hiệu quả thực chất, kỷ cương của bộ máy thực thi, và làm sao có cơ chế giám sát thực thi, cơ quan độc lập, thiết chế độc lập… và chúc việc thực hiện Nghị quyết 02 năm 2024 thực chất, thuận lợi".
Các đại biểu tham gia hội nghị cũng nhận định, sự trở lại của Nghị quyết 02 năm 2024 mang theo thông điệp về quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, một lần nữa xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, thể hiện mức độ quan tâm và đồng hành của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Qua đó, việc triển khai hiệu quả, thực chất các giải pháp tại Nghị quyết số 02 kỳ vọng góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi và phát triển, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách theo thẩm quyền và quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn thể chế cho doanh nghiệp.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả tích cực. Kết quả này tạo đà phục hồi và phát triển cho khu vực tư nhân, đồng thời xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Trên các bảng xếp hạng quốc tế, hiệu quả thị trường tăng hạng đáng kể, từ thứ hạng 105 năm 2020, lên thứ hạng 90 năm 2021, 84 năm 2022 và đạt thứ hạng 72 vào năm 2023. Chỉ số Phát triển bền vững (SDG) cũng tăng điểm liên tục qua các năm, hiện xếp thứ 55 (năm 2022). Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2023 ở vị trí thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022. Hiệu quả logistics của nước ta cũng được ghi nhận cải thiện về chất lượng…
Từ khóa: nghị quyết , nghị quyết 02, cải cách doanh nghiệp, doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: trần hiếu/vov1
Nguồn tin: VOVVN