Cách truyền thông Mỹ “gọi tên” người chiến thắng bầu cử tổng thống 2024

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Việc “gọi tên” ông Donald Trump hay bà Kamala Harris chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 dựa trên sự kết hợp giữa dữ liệu thăm dò độc quyền của mỗi hàng truyền thông và kết quả kiểm phiếu cập nhật từng giờ trong đêm bầu cử ở mỗi bang.

Dự đoán người chiến thắng

Hầu hết các hãng truyền thông lớn của Mỹ đều dựa vào một số tổ chức để tính toán và “gọi tên” người chiến thắng trong các cuộc bầu cử trước khi có kết quả kiểm phiếu cuối cùng. Trong số đó có AP, National Election Pool và Decision Desk HQ.

Việc dự đoán người chiến thắng khi các lá phiếu vẫn đang được kiểm đếm giống như giải một phương trình toán học, ông Tranter, nhà khoa học dữ liệu chính của công ty dữ liệu bỏ phiếu Decision Desk HQ cho biết.

Decision Desk HQ là nơi cung cấp các kết quả “gọi tên” cho NewsNation, HuffPost, The Economist, Scripps và các hãng tin khác.

“Ứng cử viên A có bao nhiêu phiếu bầu? Ứng cử viên B có bao nhiêu phiếu bầu? Chúng tôi sẽ xác định xem còn lại bao nhiêu phiếu chưa được kiểm. Nếu Ứng cử viên B, người đứng thứ hai, được cho là không có khả năng giành đủ số phiếu trong những lá phiếu chưa kiểm còn lại để vượt lên dẫn trước Ứng cử viên A thì khi đó chúng tôi sẽ có thể ‘gọi tên’ người chiến thắng”, ông Tranter cho biết.

Tại trụ sở chính của Decision Desk HQ ở Washington DC, phải ít nhất 3 người trong nhóm 15 dự đoán cùng kết quả với mức độ chắc chắn 99,9% thì mới có thể “gọi tên” người chiến thắng. Ông Tranter cho biết, việc có kiến ​​thức sâu sắc về lịch sử bỏ phiếu của các quận và tiểu bang sẽ giúp củng cố mức độ chắc chắn trong trường hợp hi hữu có xảy ra bất thường.

“Chúng tôi dự đoán một phần dựa vào xu hướng bỏ phiếu ở mỗi khu vực và mỗi quận. Nếu có những biến động lớn về số phiếu bầu không theo xu hướng, điều đó sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trong hệ thống của chúng tôi và chúng tôi sẽ phải phân tích các yếu tố khác. Tuy nhiên, khả năng điều đó xảy ra là rất thấp”, ông Tranter cho biết.

“Các cuộc bầu cử của Mỹ khá phức tạp và rắc rối, nhưng trong lịch sử chúng được tổ chức rất tốt với khả năng xảy ra gian lận là thấp nhất. Nếu chúng tôi rơi vào tình huống kiểm phiếu kéo dài mà không thể đưa ra dự báo, có lẽ sẽ có một lý do rất hợp lý cho điều đó và chúng tôi đảm bảo sẽ giải thích với mọi người”, biên tập viên điều hành của AP, Julie Pace, cho biết.

Mặc dù mỗi nhà cung cấp kết quả bầu cử đều có các bước cụ thể của riêng mình trước khi có thể gọi tên người chiến thắng, nhưng tất cả đều đã chuẩn bị cho một đêm bầu cử dài có thể kéo sang nhiều ngày hoặc thậm chí nhiều tuần trước khi người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được tuyên bố.

Theo ông David Chalian, trưởng ban chính trị của CNN, cách biệt quá hẹp giữa 2 ứng cử viên có thể đẩy lùi thời điểm hãng này đạt được “mức độ tin cậy 99,9%” cần thiết để dự đoán người chiến thắng, thậm chí có thể cần phải kiểm đếm gần như tất cả mọi phiếu bầu mới có thể có thể tuyên bố ai thắng.

“Chúng tôi có thể đạt được mức độ chắc chắn đó nhanh hơn nhiều trong một cuộc đua mà một ứng cử viên dẫn trước cách biệt đáng kể so với đối thủ chứ không phải chỉ 0,3 điểm phần trăm như hiện nay”, ông Chalian nói.

Arnon Mishkin, người đứng đầu bộ phận ra quyết định trực tiếp của Fox News dự đoán thời điểm có kết quả rõ ràng sẽ là vào khoảng sáng thứ Bảy (9/11).

“Khi bạn nhìn vào bản đồ kết quả, thật khó để thấy bất kỳ ứng cử viên nào đạt được 270 phiếu đại cử tri nếu không có Pennsylvania. Tôi sẽ giữ nguyên ước tính đó mặc dù tôi nghĩ Pennsylvania năm nay sẽ kiểm phiếu nhanh hơn. Trong trường hợp đó thì có thể sẽ là thứ Sáu”, ông nói.

Chuẩn bị “thuốc giải độc” cho tin giả

Năm 2020, phải tới 4 ngày sau Ngày bầu cử, ông Joe Biden mới được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm đó. Trong khi các lá phiếu vẫn đang được kiểm, ông Trump đã tuyên bố chiến thắng và cáo buộc rằng đối thủ của ông đang tiếp tay cho gian lận.

Năm nay, các hãng truyền thông đã chuẩn bị cho khả năng người chiến thắng sẽ không được tuyên bố ngay trong đêm bầu cử và ông Trump có thể lại một lần nữa tuyên bố mình là người thắng cuộc, khiến công chúng rơi vào “ma trận” thông tin hỗn loạn.

“Một thập kỷ trước hoặc lâu hơn, khi AP “gọi tên” người chiến thắng, mọi người đều chấp nhận rằng đó là kết quả cuộc đua và không có nhiều người thắc mắc về điều đó. Khi đó, chắc chắn không có thông tin sai lệch như bây giờ”, Giám đốc văn phòng AP tại Washington, Anna Johnson cho biết.

Theo một cuộc khảo sát của Gallup trong tháng này, niềm tin vào phương tiện truyền thông đại chúng ở Mỹ đã xuống mức thấp mới. Điều này cũng khiến họ buộc phải đổ nguồn lực vào các nỗ lực “minh bạch” thông tin.

AP, hãng tin độc lập đã đưa tin về các cuộc bầu cử Mỹ kể từ năm 1848, cho biết, năm nay họ triển khai khoảng 4.000 phóng viên đến các khu vực bỏ phiếu trên khắp nước Mỹ để “làm tai mắt” trong quá trình bỏ phiếu và kiểm phiếu.

“Với sự xuất hiện và tốc độ lan truyền chóng mặt của các thông tin sai lệch như hiện nay, chúng tôi phải cố gắng làm mọi thứ để vén bức màn về các cuộc bầu cử, giải thích vì sao chúng tôi có thể ‘gọi tên’ người người chiến thắng. Ngược lại, nếu chưa thể ‘gọi tên’, chúng tôi cũng sẽ phải giải thích vì sao lại mất nhiều thời gian đến vậy”, bà Pace, cho biết.

Trong khi nhiều quận công bố trực tuyến số phiếu bầu được kiểm đếm để công chúng theo dõi, bà Pace cho biết việc có đường dây liên lạc trực tiếp với các phóng viên tại hiện các khu vực bỏ phiếu địa phương là cực kỳ quan trọng vì đôi khi vẫn có độ trễ giữa kết quả kiểm phiếu theo thời gian thực và kết quả khi chúng được công bố trực tuyến, hoặc nếu có những tình huống bất khả kháng phát sinh.

“Thuốc giải độc tốt nhất cho thông tin sai lệch hoặc tin giả chính là thông tin thực tế”, trưởng ban chính trị của CNN, David Chalian, cho biết. CNN đã triển khai một “đội ngũ” phóng viên hùng hậu đến các tiểu bang chiến trường để theo dõi tình hình bỏ phiếu cũng như kiểm phiếu.

“Chúng tôi không thể kiểm soát được những kẻ cố tình đưa thông tin sai lệch, nhưng chúng tôi có thể kiểm soát việc đưa thông tin đúng, phù hợp và có bối cảnh rõ ràng đến với khán giả”, ông Chalian nói.

Năm 2020, Fox News nổi tiếng với quyết định gây tranh cãi khi sớm “gọi tên” ông Biden thắng tại bang chiến địa Arizona mặc dù cuộc đua tại đây rất sít sao. Kết quả cuối cùng cho thấy ông Biden giành chiến thắng tại bang này với cách biệt khoảng 10.000 phiếu, nhưng Fox News đã bị ông Trump và các đồng minh của ông chỉ trích gay gắt vì quyết định khi đó.

Năm nay, Fox News đã đầu tư vào công nghệ để cải thiện đồ họa nhằm giúp người xem hình dung được mức độ sít sao trong kết quả kiểm phiếu của từng bang và đảm bảo người xem sẽ hiểu rõ lý do nếu hãng này “gọi tên” người chiến thắng từ khá sớm.

Theo bạn ai sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Mỹ?

Choices

Từ khóa: bầu cử tổng thống Mỹ 2024, kết quả bầu cử Mỹ 2024,Trump, Harris,tổng thống Mỹ,tin giả về bầu cử Mỹ

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: hoàng phạm/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập