Cách nhận biết nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm
Cập nhật: 30/03/2022
[VOV2] - Nước chi phối mọi sinh hoạt trong gia đình. Do đó khi nguồn nước không may bị ô nhiễm, việc sử dụng chúng trong thời gian dài gây ra những hậu quả khôn lường về sức khỏe...
Ông Phạm Kiến Quốc, Trưởng Phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế của Trung tâm Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn chia sẻ về cách nhận biết nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm và cách khắc phục ban đầu.
Mời nghe tại đây:
Nguồn nước đang sử dụng tại gia đình bạn có đảm bảo an toàn?
Người dân có thể nhận biết nguồn nước đang sử dụng có bị ô nhiễm hay không bằng mắt thường, mùi vị và vật dụng chứa nước như sau:
- Về mùi vị: nước ô nhiễm có mùi vị lạ có thể là: Mùi tanh nồng đó là sắt; Mùi như trứng thối đó là H2S; Mùi hắc đó là Amoniac và clo dư; Mùi khét do hóa chất hữu cơ (dầu mỡ).
- Về màu nước: nước ô nhiễm hoặc có các thành phần tạp chất thường có màu nâu, vàng, nâu đỏ… là dấu hiệu của nước nhiễm phèn, sắt, kim loại nặng.
- Dụng cụ chứa nước có bám dính chất ô nhiễm; hoặc nước có hiện tượng kết tủa, đóng cặn; quần áo bị ố màu…
Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm của nguồn nước rất phức tạp, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường thì không thể nhận biết được đầy đủ mà phải thông qua các xét nghiệm chất lượng nước ở các Phòng thí nghiệm. "Điều này là cần thiết, đảm bảo kết quả chính xác nhất", ông Phạm Kiến Quốc nhấn mạnh.
Cách xử lý tạm thời khi phát hiện nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm
Sau khi phát hiện nguồn nước bị ô nhiễm bằng mắt thường, người dân cần lấy mẫu nước và đi làm xét nghiệm chất lượng nước ở các Phòng thí nghiệm để xác định chất ô nhiễm, mức độ ô nhiễm. Từ đó mới đưa ra phương pháp xử lý nước sinh hoạt hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt.
Trong khi chờ đợi kết quả phân tích chất lượng nước người dân nên có một số biện pháp xử lý tạm thời như sau:
- Trong trường hợp nguồn nước ô nhiễm nặng (mùi nồng nặc, mức độ kết tủa, đóng cặn nhiều…), người dân phải dừng ngay không sử dụng nguồn nước này, mà chuyển sang sử dụng các nguồn nước khác không ô nhiễm.
- Trong trường hợp nguồn nước ô nhiễm nhẹ và không có nguồn nước khác thay thế, người dân có thể tự làm bể lọc đơn giản với các lớp vật liệu lọc từ trên xuống dưới như sau:
+ Lớp cát vàng hoặc cát thạch anh (độ dày 25 – 30cm)
+ Than hoạt tính (độ dày 10 cm)
+ Dưới cùng là lớp đá sỏi nhỏ đường kính 0,5 – 1 cm (độ dày 10 cm)
Mục đích là để lọc cặn, độ đục, chất hữu cơ, làm trong nước, khử mùi (mùi tanh của sắt, mùi bùn đất, mùi chất hữu cơ). Người dân có thể tạm dùng nước này để cho sinh hoạt
Sử dụng máy lọc nước có hiệu quả?
Trên thị trường hiện nay không có một loại máy lọc nước nào có thể phù hợp với tất cả các nguồn nước. Do đó, mọi người nên kiểm tra nguồn nước đầu vào của gia đình mình để tìm được loại máy lọc nước phù hợp.
Với mức độ ô nhiễm như hiện nay, 1 số loại nguồn nước như giếng khoan, giếng đào, người dân nên lọc thô để đảm bảo nguồn nước đầu vào được tương đối là sạch. Sau đó mới đưa qua máy lọc nước thì lúc đó hiệu suất của máy lọc nước mới đạt hiệu quả cao nhất.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại máy lọc nước, để người dân lựa chọn được máy lọc nước chuẩn thì chúng ta nên yêu cầu đơn vị cung cấp máy lọc nước phải làm thí nghiệm kết quả đầu ra đảm bảo chắc chắn nước đầu ra đạt quy chuẩn của Bộ Y tế đã quy định.
Người dân có thể đến đâu để làm xét nghiệm chất lượng nước?
Hiện nay có rất nhiều phòng thí nghiệm có thể tiến hành xét nghiệm chất lượng nước. Ở Trung ương có các bộ ngành như Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế. Ở các địa phương có phòng Thí nghiệm của CDC các tỉnh hoặc Phòng Thí nghiệm của Sở Tài nguyên môi trường hoặc 1 số tỉnh địa phương hiện nay cũng đã có phòng thí nghiệm. Bà con có thể mang đến các địa chỉ trên để phân tích chất lượng nước nếu cảm thấy nghi ngờ.
- Nguồn nước nhiễm Mangan: Nếu hàm lượng Mangan trong nước vượt mức cho phép sẽ gây độc với nguyên sinh chất của tế bào, đặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương thận, bộ máy tuần hoàn, phổi, ngộ độc nặng có thể gây tử vong.
- Nguồn nước nhiễm Sắt: Nếu hấp thụ quá nhiều chất sắt sẽ gây nhiễm độc sắt và làm tổn hại tế bào của các cơ quan quan trọng trong cơ thể như tim, gan, bộ máy tiêu hóa, tổn thương động mạch...
- Nguồn nước nhiễm Asen: Các ảnh hưởng chính của Asen đối với sức khoẻ con người có thể kể ra như: gây ung thư biểu mô da, phổi, phế quản, xoang…Y học đã liệt kê Asen có thể gây 19 bệnh lý khác nhau. Nhiễm độc mạn tính biểu hiện ở lông, tóc, móng, răng, xương… có thể gây ung thư. Diễn biến bệnh rất từ từ, âm thầm sau 10 - 15 năm mới thành bệnh như suy thận, ung thư.
- Nguồn nước nhiễm Canxi: Canxi trong nước tồn tại ở dạng muối Cacbonat kết tủa không thấm qua được thành ruột, động mạch và tích tụ lâu ngày sẽ tạo thành sỏi hoặc làm tắc những đường động mạch, tĩnh mạch là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như sỏi thận.
- Nguồn nước nhiễm Amoni: Amoni không có độc, nhưng nó là tiền chất độc. Amoni tồn tại trong nước với hàm lượng vượt quá tiêu chuẩn cho phép có thể chuyển hóa thành các chất gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Từ khóa: nước, nguồn nước, ô nhiễm, máy lọc nước, vov2, ung thư, bệnh nguy hiểm, chất lượng nước
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2