“Cách ly” và trách nhiệm công dân trong mùa dịch Covid-19
Cập nhật: 14/03/2020
Nông dân Kenya sử dụng ứng dụng AI để chẩn đoán bệnh cây trồng (5/1/2025)
Sẽ xử lý mạnh các vụ gây thương tích, phá tài sản sau va chạm giao thông
VOV.VN -Trong lúc cả nước gồng mình chống dịch bệnh, một số người tìm cách trốn tránh cách ly khiến nguy cơ lây lan ngày càng cao, đây là hành vi cần lên án.
Đại dịch Covid-19 lây lan nhanh trên thế giới đang đặt ra cho nước ta nhiều áp lực trong việc kiểm soát dịch bệnh tại cộng đồng. Cả nước đang gồng mình “chống dịch như chống giặc”, hàng triệu học sinh và sinh viên nghỉ học, nhiều doanh nghiệp đình trệ sản xuất, du lịch điêu đứng.
Người dân trong khu cách ly được chăm sóc y tế, ăn uống đầy đủ miễn phí. |
Thế nhưng, có một số người lại tìm cách trốn tránh cách ly khiến cho nguy cơ lây lan ngày càng cao. Hơn bao giờ hết, trong thời điểm này, ý thức và trách nhiệm công dân phải được đặt lên hàng đầu.
Khu cách ly trung tâm Quận 2 TPHCM là một dãy nhà 3 tầng của trường học cũ có diện tích 3.000 m2, được UBND quận cải tạo lại khang trang và trở thành khu vực cách ly với quy mô khoảng 60 giường bệnh.
Trung tâm được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết, có internet tốc độ cao, không gian rất thoáng mát. Người cách ly được phát khẩu trang, xà phòng, bàn chải, kem đánh răng, được kiểm tra chăm sóc y tế mỗi ngày 2 lần, ăn miễn phí đầy đủ 3 bữa mỗi ngày.
Trang thiết bị đầy đủ để theo dõi sức khỏe của người được cách ly tại BV dã chiến Củ Chi TPHCM. |
Tuy nhiên, vừa mới đây thôi, Vũ Khắc Tiệp - một người khá nổi tiếng trong showbiz Việt, được cách ly tại đây đã phàn nàn về không khí trong khu cách ly là ngột ngạt đã khiến dư luận dậy sóng lên án mạnh mẽ.
Vũ Khắc Tiệp từng tham gia tuần lễ thời trang tại Milan (Italy), sau khi trở về Việt Nam, anh được yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày. Thế nhưng, anh ta không tuân thủ quy định y tế mà thường xuyên đến những nơi đông người, tham gia sự kiện một cách tùy tiện, vì vậy đã bị đưa đi cách ly tập trung. Anh ta còn làm mất hàng giờ đồng hồ của cán bộ y tế quận để giải thích, vận động vào khu cách ly tập trung.
Hình ảnh người này trở nên xấu xí, kệch cỡm trong mắt công chúng khi cho rằng, y bác sĩ lợi dụng sự nổi tiếng của mình thu hút sự chú ý của truyền thông. Trong khi đó, các y bác sĩ, luôn sẵn sàng chăm sóc, phục vụ người dân, tạo tâm lý thoải mái cho người được cách ly để họ yên tâm, tuân thủ việc cách ly. Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2 cho biết:
“Tất cả những người vào cách ly sẽ được chăm lo được đối xử như người thân của mình, trong điều kiện cho phép cơ sở cách ly. Có thể an tâm cách ly cũng như sinh hoạt để theo dõi các vấn đề bệnh tật, có thể an tâm nếu lỡ có mắc bệnh cũng không lây cho gia đình mình, hay cộng đồng”, Bác sĩ Trần Văn Khanh nói.
Trường hợp Vũ Khắc Tiệp nói trên không phải là duy nhất chưa chu toàn trách nhiệm công dân trong mùa dịch này. Thông tin bệnh nhân thứ 17 ở nước ta mắc Covid-19 đã không khai báo trung thực về tình trạng sức khỏe của mình khiến người dân phẫn nộ. Từ sự thiếu ý thức này, đã có thêm người phải tạm dừng công việc để cách ly, trong đó có cả người thân của bệnh nhân thứ 17.
Trường hợp Vũ Khắc Tiệp trốn cách ly không phải là duy nhất chưa chu toàn trách nhiệm công dân trong mùa dịch này. |
Giả sử, nếu bệnh nhân thứ 17 thành thật khai báo thì đã không có tình trạng người dân hoang mang, cả khu phố náo loạn, lực lượng chức năng Hà Nội phải trắng đêm truy tìm những người liên quan để cách ly kịp thời, ngăn chặn sự lây lan. Mà, không chỉ riêng Hà Nội, hàng trăm người ở các tỉnh khác, có công dân đi cùng chuyến bay với nữ bệnh nhân số 17 này cũng bị ảnh hưởng. Dư luận chưa hết bức xúc thì cũng mới đây, lãnh đạo một công ty điện gió cử nhân viên đi... cách ly thay.
Những hành vi nói trên không chỉ thể hiện sự vô ý thức mà còn coi thường pháp luật, coi thường sinh mạng cộng đồng đi ngược lại các giải pháp phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19 đang có hiệu quả của chúng ta cho nên cần phải xử lý thật nghiêm minh để làm gương cho người khác.
Thùy Dung, 26 tuổi, quê ở Hà Nội, được cư dân mạng xã hội gọi là “cô gái vàng trong làng cách ly” cho rằng, cách ly trong đại dịch là trách nhiệm cơ bản của một công dân. Cô đã viết những dòng nhật ký yêu đời và bày tỏ sự biết ơn đối với nhân viên y tế và cả nước.
Vì vậy mà 2 tuần qua, khi được cách ly tại Quận 3, Thùy Dung cùng rất nhiều người đã tự làm công tác vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường, không để ai phải phục vụ mình.
“Khi ở trong hoàn cảnh này mình cảm nhận được không chỉ là nhân viên mặt đất, nhân viên sân bay, nhân viên y tế, các anh chị ở đây mà kể cả những người đang cách ly cùng nhau rất tình cảm. Lúc em chia sẻ việc mình tự giác cách ly và cảm ơn sự hỗ trợ của mọi người thì em nhận được rất nhiều lời khen của mọi người nhưng mà em thấy đó là hành động bình thường, là trách nhiệm của một công dân”, chị Dung bày tỏ.
Theo Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy, Chính phủ, ngành y tế và các cấp chính quyền đang gồng mình ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19, kêu gọi sự đồng lòng của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế.
Một trong những biện pháp được được đưa ra mới nhất là khai báo sức khỏe toàn dân. Điều này đòi hỏi sự tự giác của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Khai báo trung thực sẽ giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời và ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Bà Thúy cho rằng, chỉ cần một số ít người tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết, không có ý thức trách nhiệm sẽ tạo ra nhiều nguy cơ trong cộng đồng, dẫn tới hệ quả khôn lường. Cho nên, mọi người không nên kỳ thị người được cách ly, càng không nên bới móc, bôi nhọ đời tư, kỳ thị người nhiễm Covid-19. Đây là một hiện tượng xấu trên mạng xã hội những ngày qua.
“Đây là lúc cộng đồng cùng đoàn kết để phòng dịch theo sự chung tay mà Chính phủ kêu gọi. Những hành vi sai thì chúng ta phải lên án để mọi người tránh hành vi sai đó vì hành vi sai sẽ gây ra hậu quả chứ không phải là tấn công chê bai cá nhân. Việc tấn công cá nhân, miệt thị con người vô tình làm cho mọi người sợ sự kỳ thị đó sẽ không dám kê khai, thì vô hình chung mình làm cho dịch bệnh lan nhanh hơn”, Tiến sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy nói.
Hiện nay, công tác phòng chống dịch Covid-19 ở nước ta vẫn đang được triển khai đồng bộ và trong vòng kiểm soát. Song, sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp có thể “đổ sông đổ bể”, nếu một vài công dân thiếu ý thức trách nhiệm trong phòng chống dịch.
Trách nhiệm đó trước hết là biết cách tự bảo vệ mình và gia đình, bảo vệ cộng đồng; là bình tĩnh, chủ động phòng tránh dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đặc biệt, tự nguyện khai báo y tế trung thực và thực hiện cách ly khi cần thiết./.
Từ khóa: bệnh nhân nhiễm covid-19 số 17, công an cửa khẩu nội bài, sân bay nội bài, dịch covid-19, vương quốc anh
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN