Cách điều trị cúm A tại nhà an toàn và hiệu quả

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Cúm A có thể lây lan nhanh chóng, với một số người không quá nghiêm trọng có thể điều trị cúm A tại nhà theo hướng dẫn và tư vấn của bác sĩ.

Cúm A có thể lây lan nhanh chóng. Một số ca bệnh có thể tiến triển nặng, gây suy đa tạng và nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, với những trường hợp không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể điều trị cúm A tại nhà dưới sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ.

Tuân thủ biện pháp cách ly 

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, ngay khi có những biểu hiện hay được chẩn đoán nhiễm cúm A, việc đầu tiên người bệnh cần thực hiện đó là cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác.

- Người bệnh cần sinh hoạt tại phòng riêng (trong khoảng 7 ngày) cho đến khi những triệu chứng của bệnh kết thúc.

- Tất cả các hoạt động của bệnh nhân nên thực hiện trong phòng riêng, chẳng hạn như ăn uống, tắm rửa, vệ sinh. Với trường hợp bệnh nhân bắt buộc phải đi ra ngoài thì cần phải đeo khẩu trang và sát trùng tay bằng cồn hoặc xà phòng diệt khuẩn.

- Người khỏe tuyệt đối không dùng chung các loại đồ dùng cá nhân với người đang nhiễm bệnh.

- Hạn chế nắm, chạm vào những vật dụng mà cả gia đình hay sử dụng như tay nắm cửa.

- Người bệnh không nên tiếp xúc với những trường hợp có nguy cơ lây bệnh cao như trẻ em, người già.

Cúm A nguy hiểm với những ai?

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Đặng Xuân Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) cho biết, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, do virus cúm gây ra như virus H1N1, H5N1, H7N9. Đa số người bệnh có thể tự khỏi bệnh sau khoảng 7 ngày mà không cần dùng thuốc điều trị.

Một số trường hợp có thể gặp các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có sức đề kháng kém... Những trường hợp này cần đi khám để được dùng thuốc thích hợp.

Các biến chứng của cúm A như viêm phổi nặng, viêm tai giữa, viêm xoang, viêm nhiễm đường tiết niệu, phù não, tổn thương gan, thậm chí có thể tử vong.

Biểu hiện của người bệnh cúm A thường là: Sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi, hắt hơi, chảy nước mũi, đau họng.

Cách điều trị cúm A tại nhà an toàn và hiệu quả

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Đặng Xuân Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam) cho biết, với những người khỏe mạnh, trong trường hợp bệnh nhẹ có thể sử dụng thuốc điều trị triệu chứng của cúm A tại nhà.

Các thuốc điều trị cúm A thường là làm giảm triệu chứng của bệnh:

- Thuốc hạ sốt giảm đau không kê đơn: Nếu người bệnh bị đau đầu, đau mình mẩy, sốt cao trên 38 độ C... có thể sử dụng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn như acetaminophen (paracetamol), ibuprofen. Liều an toàn nên dùng là 10-15mg/1kg cân nặng, mỗi 4-6 tiếng và không dùng quá 6 lần/1 ngày. Lưu ý, chỉ dùng ibuprofen khi không đáp ứng với paracetamol.

- Bổ sung nước và điện giải: Việc sốt cao, nôn có thể khiến người bệnh cúm A mất nước và mất cân bằng điện giải, khiến gia tăng nguy cơ biến chứng do cúm A. Có thể bổ sung nước và điện giải cho người bệnh bằng dung dịch oresol pha theo đúng hướng dẫn.

Ngoài ra, có thể dùng các thuốc giảm ho, long đờm, thông mũi trong các trường hợp bệnh nhân bị ho, ngạt mũi/sổ mũi.

- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua dùng các thuốc này.

Ngoài ra, một số cách sau giúp người bệnh cúm A nhanh hồi phục:

- Người bệnh cần nghỉ ngơi và thư giãn để cơ thể có thể nhanh lấy lại sức.

- Tránh tiếp xúc với người thân trong gia đình, nhất là với những người dễ có nguy cơ nhiễm cúm. Trong trường hợp bắt buộc ra khỏi phòng để tắm rửa, vệ sinh, thăm khám bệnh... đeo khẩu trang che kín mũi và miệng để tránh lây lan virus cúm A.

- Ăn thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp gà để bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể.

- Uống đủ nước: Cúm có thể gây mất nước nếu có nôn, tiêu chảy, vì vậy, cần bổ sung đủ nước để tránh cơ thể mất nước. Ngoài nước đun sôi để nguội có thể bổ sung các loại nước trái cây. Lưu ý nên tránh đồ uống có chứa caffeine vì các loại nước này có tác dụng lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước nhiều hơn.

- Bổ sung hoa quả tươi, giàu vitamin C: Khi bị cúm A, người bệnh cần ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C, mọng nước, để giúp cơ thể tăng sức đề kháng, nâng cao sức khỏe. Hoa quả nên ăn như cam, bưởi, ổi, dừa, nho, lê.

- Ngủ đủ giấc: Không nên thức quá khuya, cần ngủ đủ giấc để hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn. Nên ngủ 8 tiếng mỗi đêm.

- Súc miệng nước muối: Nên súc miệng với nước muối ít nhất 2 lần/ ngày để loại bỏ chất nhầy tích tụ phía bên trong cổ họng. Đồng thời có thể giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát họng.

- Có thể rửa mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để giảm khó chịu ở mũi, giảm ngạt mũi, sổ mũi.

- Giữ vệ sinh cá nhân: Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, vật dụng trong nhà để phòng lây nhiễm chéo sang người thân.

Khi nào cần đến bệnh viện?

Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân khuyến cáo, các trường hợp cần đến khám/trao đổi với bác sĩ:

- Người bình thường nên đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ khi :

Cảm thấy mệt nhiều hoặc khó thở.

Đau hoặc tức nặng ngực.

Dấu hiệu bị mất nước (chóng mặt khi đứng hoặc không tiểu được).

Bồn chồn, khó chịu.

Nôn nhiều hoặc ăn uống kém.

- Mẹ bầu nên đến cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ khi:

Cảm thấy mệt nhiều hoặc khó thở.

Đau hoặc tức nặng ngực.

Dấu hiệu bị mất nước (chóng mặt khi đứng hoặc không tiểu được).

Bồn chồn, khó chịu.

Nôn nhiều hoặc ăn uống kém.

Hoặc đau bụng dưới, ra máu âm đạo.

- Trẻ nhỏ xuất hiện những triệu chứng sau, hãy đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt:

Trẻ sốt cao, co giật.

Trẻ có biểu hiện quá mệt mỏi, hay cáu kỉnh, quấy khóc, không chịu ăn.

Sốt kéo dài hơn 3 ngày.

Nôn mửa, tiêu chảy hay có dấu hiệu bị mất nước.

Ho kéo dài hoặc gặp phải những bất thường về hô hấp.

Trẻ không tỉnh táo dù đã cắt sốt.

Trẻ không đi tiểu trong vòng 8 giờ.

Bị phát ban.

Khóc nhưng không có nước mắt.

Bình Định: Một trường hợp tử vong do Cúm A/H1pdm

VOV.VN - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Định đã có báo cáo gửi Sở Y tế tỉnh Bình Định và Viện Pasteur Nha Trang về ca tử vong do Cúm A/H1 pdm. Trường hợp tử vong là Trần Văn Tèo (51 tuổi), trú khu phố Định Tố, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh.

Từ khóa: cúm a, cúm A, cách điều trị, cúm, triệu chứng cúm

Thể loại: Y tế

Tác giả: hạ an/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập