Cách bảo vệ tài khoản cá nhân từ vụ Facebook Quang Hải bị hack
Cập nhật: 24/06/2020
9 nhân viên Nokia đã có thể nhìn thấy tiềm năng của iPhone
170 triệu người dùng bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm TikTok tại Mỹ
VOV.VN - Hãy cực kỳ thận trọng khi đăng nhập Facebook từ một ứng dụng, cửa sổ nào đó mà không phải trình duyệt tin cậy.
Ngày 23/6, tài khoản Facebook có “tick xanh” của cầu thủ Quang Hải bị chiếm quyền sử dụng, tuy chính chủ đã lấy lại ngay sau đó, nhưng không ít tin nhắn riêng tư đã bị phát tán trên mạng xã hội, đang gây không ít khó khăn cho tiền vệ của Câu lạc bộ Hà Nội. Đây là bài học lớn cho Quang Hải cũng như nhiều người khác về việc bảo vệ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.
Theo giới chuyên gia, nhiều người cho rằng tài khoản của người nổi tiếng đã có “tick xanh” là an toàn tuyệt đối, nhưng thực tế những tài khoản này chỉ khó bị “report” (báo cáo) và để chống giả mạo. Còn việc tấn công (hack) tài khoản có “tick xanh” hay tài khoản thường cũng giống nhau.
Hãy cực kỳ thận trọng khi đăng nhập Facebook từ một ứng dụng, cửa sổ nào đó mà không phải trình duyệt tin cậy. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhiều nguyên nhân khiến tài khoản mạng xã hội có thể bị chiếm quyền truy cập, như lộ địa chỉ email, mật khẩu, hoặc cấp quyền truy cập từ các ứng dụng không an toàn của bên thứ ba, hay vô tình click vào các đường link giả mạo có chứa mã độc đánh cắp thông tin…
Các chuyên gia bảo mật khuyến cáo, để hạn chế bị hack mạng xã hội, trong đó có tài khoản Facebook:
1. Đặt mật khẩu phức tạp
Đây được coi là lựa chọn hàng đầu giúp bạn có thể bảo vệ tài khoản bất kỳ. Mật khẩu tối ưu có ít nhất 8 ký tự trở lên bao gồm chữ hoa, thường, số và ký tự lạ…
Mật khẩu cũng không nên để là tên, email, số điện thoại, địa chỉ, ngày sinh, số tài khoản ngân hàng, số căn cước công dân, mã sinh viên, thông tin cá nhân... của bạn, người thân của bạn.
Không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho tất cả các tài khoản của mình ở trên internet. Tốt nhất, mỗi tài khoản nên sử dụng một mật khẩu riêng và đều là các chuỗi ký tự ngẫu nhiên.
2. Tận dụng tối đa công cụ bảo vệ
Kích hoạt bảo mật 2 lớp: Với tính năng này, mỗi lần đăng nhập vào tài khoản của mình, ứng dụng sẽ gửi một mã vào điện thoại do người dùng đã đăng ký để xác nhận rồi mới có thể đăng nhập. Như vậy, để chiếm quyền sử dụng tài khoản, hacker cần biết ID, mật khẩu và có cả điện thoại của người dùng thì mới thực hiện được.
Với Facebook, người dùng có thể tạo cảnh báo đăng nhập Facebook. Khi Facebook bị đăng nhập từ một thiết bị hoặc trình duyệt lạ, người dùng sẽ nhận được thông báo qua tin nhắn hoặc email về hoạt động này. Người dùng cũng có thể dùng tính năng thoát tài khoản Facebook từ xa (đăng xuất tài khoản ra khỏi tất cả các thiết bị đang sử dụng) để bảo vệ an toàn cho tài khoản. Sau đó, nhanh chóng thay đổi mật khẩu Facebook để bảo mật thông tin tốt hơn.
3. Chú ý bảo mật thông tin cá nhân
Dù bất cứ tài khoản nào, biện pháp tối quan trọng vẫn là ý thức người dùng trong việc giữ gìn thông tin cá nhân. Không nên để lộ, công khai số điện thoại, email, ngày tháng năm sinh thật, số và hình chụp chứng minh nhân dân dùng để đăng ký Facebook trên mạng internet.
Ngoài ra, hãy cực kỳ thận trọng khi đăng nhập Facebook từ một ứng dụng, cửa sổ nào đó mà không phải trình duyệt tin cậy. Thận trọng với các trào lưu mới nổi mà yêu cầu click vào đường link, hoặc sử dụng app nào đó không đáng tin cậy.
Cuối cùng, hãy kiểm tra thường xuyên tính năng Xem nhật ký hoạt động/View Activity Log để biết có hoạt động nào bất thường trên tài khoản của mình không. Nếu có, hãy đổi mật khẩu và dùng tính năng thoát Facebook từ xa để đăng xuất ra khỏi tất cả các phiên đăng nhập khác (trên điện thoại, trên máy tính, máy tính bảng...)./.
Từ khóa: tài khoản cá nhân, Facebook, Quang Hải, bảo mật tài khoản, mạng xã hội
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN