Các trường tư thục đồng loạt kiến nghị không nghỉ hè 3 tháng
Cập nhật: 09/07/2020
VOV.VN - Nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội đồng loạt kiến nghị Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy định về nghỉ hè như hiện nay, không thay đổi thành nghỉ 3 tháng.
Đại diện các trường ngoài công lập tại Hà Nội vừa đồng loạt ký vào đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ về dự thảo thời gian nghỉ hè 3 tháng vừa được Bộ thông tin mới đây.
Trong đơn kiến nghị, tập thể các trường ngoài công lập cho biết, ngày 30/6/2020, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thông tin về công tác giáo dục và đào tạo 6 tháng đầu năm 2020. Tại đây, lãnh đạo Bộ cho biết Bộ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5/9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng và sớm nhất ngày 1/9. Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.
Đại diện nhiều trường tư thục cùng ký vào đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về vấn đề dự kiến nghỉ hè 3 tháng từ năm học 2021. |
"Các trường tư thục hiện còn đang vật lộn đối phó với cơn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, vừa mở cửa đón học sinh quay trở lại liền đối mặt với nỗi lo về “rủi ro chính sách” trước thông báo của Bộ về việc sửa đổi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT. Mặc dù chưa biết Bộ sẽ sửa đổi như thế nào, nhưng với tinh thần “thống nhất thời gian khai giảng trên cả nước” và “các trường không được tổ chức dạy học trước ngày 1/9”, chúng tôi thực sự lo lắng, hoang mang", đơn kiến nghị viết.
Cụ thể, nhóm các trường này cho rằng, Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/03/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Qui chế hoạt động của các trường phổ thông tư thục, Khoản 3, Điều 14 quy định:“Trường phổ thông tư thục cấp trung học cơ sở, cấp trung học phổ thông được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp học nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung”.
Như vậy các trường tư tới đây có được bổ sung thời gian học tập không quá 4 tuần/ năm để thực hiện các chương trình nhà trường hay không? Hơn nữa, khi học sinh và phụ huynh có nhu cầu nhà trường tổ chức các hoạt động hè, câu lạc bộ, ôn tập củng cố kiến thức cũ cho các em học yếu... trong thời gian nghỉ hè trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và thỏa thuận, liệu có được hay không?
Luật Giáo dục quy định: “Trường dân lập, trường tư thục tự chủ và tự chịu trách nhiệm về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà trường, tổ chức các hoạt động giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, huy động, sử dụng và quản lý các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giáo dục”.
Các trường ngoài công lập cho rằng, phải mất rất nhiều năm, Bộ mới ra được một văn bản quy phạm pháp luật về qui chế hoạt động của các trường tư thục đầy đủ, rõ ràng và rất sát thực tiễn như Thông tư 13/2011/2011/TT-BGDĐT. Thông tư này nói chung, Khoản 3 Điều 14 nói riêng không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và bức thiết của xã hội, cha mẹ học sinh, học sinh trong việc thiết lập các sân chơi lành mạnh, bổ ích cho con em trong thời gian nghỉ hè để phụ huynh yên tâm làm việc, mà còn tạo điều kiện để đội ngũ các nhà giáo đang giảng dạy tại trường tư thục có thu nhập đảm bảo cuộc sống.
"Trường tư thục khác với trường công lập ở chỗ phải tự lo tất cả, tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ.
Hiện nay hệ thống các trường phổ thông tư thục được hình thành và phát triển gần 30 năm qua theo đường lối xã hội hóa giáo dục của Đảng, có đóng góp ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các tầng lớp nhân dân, giúp Nhà nước giảm gánh nặng ngân sách, giảm áp lực sĩ số các trường công lập ở đô thị lớn.
Các trường tư thục được Đảng và nhà nước có chính sách khuyến khích hoạt động, được nhà nước cho phép hoạt động theo quy chế riêng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Ngoài việc chấp hành các qui định pháp luật nhà nước, các trường tư thục còn phải hoạt động theo thỏa thuận với cha mẹ học sinh, tự lo về nguồn tài chính, cơ sở vật chất, tuyển sinh, bảo đảm sự tồn tại và phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và có trách nhiệm trong những cam kết và thỏa thuận với cha mẹ học sinh. Và chúng tôi cũng chịu những tác động to lớn của chính sách của các cơ quan nhà nước. Chính sách đi một li, các trường chạy dài một dặm", các trường ngoài công lập nêu ý kiến.
Cũng trong đơn kiến nghị, các trường cho rằng, nếu Bộ sửa đổi thông tư 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng quản lý nhà nước với trường tư như với trường công lập, thì không những quy định sáng suốt trên đây mà Bộ xây dựng bị vô hiệu hóa, mà quyền của học sinh, cha mẹ học sinh trong việc sử dụng thời gian nghỉ hè cũng bị xâm phạm. Khi bố mẹ vẫn phải đi làm không có người trông, các cháu lại lao vào game hay các hoạt động không lành mạnh, hậu quả đó thực khôn lường!
Tập thể các trường ngoài công lập kiến nghị khẩn cấp tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT giữ nguyên quy chế tại Khoản 3, Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT để học sinh, phụ huynh, giáo viên và các nhà đầu tư trường tư thục yên tâm thực hiện tốt kế hoạch giáo dục của mình./.
Từ khóa: nghỉ hè, các trường ngoài công lập, kiến nghị nghỉ hè 3 tháng, thời gian nghỉ hè
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN