Các trường phổ thông cần tiến đến tự chủ, cam kết chất lượng đầu ra

Cập nhật: 26/11/2019

VOV.VN - Trong bối cảnh mới hiện nay, công tác quản trị trường phổ thông cần đi theo hướng tăng cường sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình...

Hôm nay (26/11), tại Học viện Quản lý Giáo dục đã diễn ra Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục” với sự tham dự của đông đảo các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.

Hội thảo nhằm tăng cường sự hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong nước, trong khu vực và thế giới, tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước và quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về quản trị trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam.

cac truong pho thong can tien den tu chu, cam ket chat luong dau ra hinh 1
Các diễn giả tham luận tại hội thảo.

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung bàn về quan điểm và chính sách quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục. Các đại biểu chia sẻ và phát triển năng lực quản trị nhà trường, quản trị trường phổ thông trước những yêu cầu đổi mới giáo dục, quản trị trường phổ thông với mô hình trường bán công tự chủ tài chính toàn phần, các chủ trương chính sách, cơ chế và điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam.

Theo các đại biểu, quản trị các trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục cần tập trung vào các nội dung như quản trị chiến lược nhà trường, quản trị hoạt động giáo dục học sinh, quản trị tổ chức hành chính, chất lượng nhân sự trong các trường phổ thông.

Phát biểu tại hội thảo, TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho rằng, công tác quản trị của có vai trò đặc biệt quan trọng đối với “vận mệnh” nhà trường. Vì thế sự thành công hay thất bại của một trường phụ thuộc vào việc trường đó được quản trị thế nào? Quản trị là “đòn bẩy” cho sự cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Sự đổi mới về công tác quản trị của các hiệu trưởng có thể đem lại những giá trị to lớn cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

TS Thái Văn Thành cho rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông mới đang được triển khai theo hướng thống nhất và những giá trị giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện địa phương. Điều đó càng đòi hỏi hiệu trưởng phải chủ động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo chương trình quốc gia, chương trình địa phương cho phù hợp để phát triển phẩm chất, năng lực của người học.

Để nâng cao hiệu quả quản lý trong các trường phổ thông hiện nay, TS Thái Văn Thành cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách cho các hoạt động quản trị nhà trường. Bên cạnh đó cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho hiệu trưởng; tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các trường phổ thông.

“Trong thời gian tới, các trường phổ thông cần được chủ động thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm một cách đầy đủ. Đi đôi với tự chủ, là tự chịu trách nhiệm tự giải trình, tuyên bố rõ triết lý của nhà trường, sứ mạng, tầm nhìn, chuẩn đầu ra và cam kết với xã hội, phụ huynh, học sinh những người có lợi ích trực tiếp”, TS Thành nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An cũng cho rằng cần phát huy vai trò của hội đồng trường, quy rõ trách nhiệm và quyền hạn của hội đồng trường và hiệu trưởng để nâng cao năng lực quản lý tại các trường.

Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Henrik Hjorth, Đại sứ quán Đan Mạch cho biết, vào những năm 90 Đan Mạch đã gặp phải những hỗn loạn trong ngành giáo dục, khi phải loay hoay chuyển sang một nền giáo dục tự chủ. Vấn đề đặt ra là các trường cần phát triển theo hướng tự chủ về nhân sự, chương trình đào tạo, cách thức vận hành.

“Họ phải vật lộn để tự tồn tại như một công ty. Các nhà quản lý cũng phải thay đổi tư duy, tự chịu trách nhiệm về tài chính và nhân sự. Trong mỗi trường đều có một hội đồng trường, tuân thủ theo những quy định của ngành giáo dục, nhưng không phải chịu những áp lực từ các cơ quan quản lý, họ hoạt động một cách khách quan, tham gia vào hoạt động của nhà trường. Hội đồng trường có quyền tuyển dụng và sa thải hiệu trưởng. Lúc này những nhà quản lý giáo dục tại Đan Mạch rất sốc, nhất là những người đã được đào tạo theo cách truyền thống và thăng tiến theo thâm niên”, ông Henrick Hjorth nói.

Vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đến nay hầu hết các trường học tại Đan Mạch đều phát triển theo hướng tự chủ. Tại đây, học sinh không chỉ tuân theo những quan điểm của thầy cô, hiệu trưởng, mà chính các hiệu trưởng phải chủ động tìm hiểu quan điểm của học sinh. Bằng nhiều cách khác nhau, năng lực quản lý của các nhà quản lý giáo dục đã được nâng lên rõ rệt.

“Việt Nam và Đan Mạch khác nhau về bối cảnh, nhưng có những tương đồng rất lớn. Tôi cho rằng, nếu có sự nỗ lực và phân bổ nguồn lực hợp lý, Việt Nam sẽ tạo ra một bức tranh mới đầy triển vọng cho nền giáo dục”, ông Henrick Hjorth nhấn mạnh./.

Từ khóa: công tác quản lý của hiệu trưởng, hiệu trưởng trường học, trách nhiệm, giải trình, chất lượng giáo dục

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập