Các tỉnh, thành Đông Bắc khẩn trương ứng phó với bão số 3
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Tại khu vực đảo Cô Tô, Quảng Ninh đã có gió giật cấp 5, 6; huyện đảo Bạch Long Vỹ, Hải Phòng gió mạnh cấp 7, cấp 8; sóng biển cao hơn 2 mét.
Dự kiến chiều nay (2/8), bão số 3 sẽ đổ bộ trực tiếp vào khu vực Móng Cái, Quảng Ninh và gây mưa lớn tạiHải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương.
Xí nghiệp Khai thác công trình thuỷ lợi huyện Thanh Hà đã mở cống tháo nước đệm nhằm tránh nguy cơ ngập úng cho cây ăn quả và lúa. |
Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, Cục Hàng không Việt Nam quyết định tạm ngưng khai thác từ 12h trưa nay (2/8) đến 12h trưa ngày 3/8 tại sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh). Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) cũng đã tạm dừng các chuyến bay đi và đến.
Trên tuyến đường bộ, đơn vị khai thác cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) và Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) đã xây dựng phương án phân luồng khi tạm cấm lưu thông trên cầu Bạch Đằng vàTân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng)nếu bão đổ bộ với gió giật trên cấp 10.
Cho đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh có khoảng 8.460 tàu đánh bắt thủy hải sản đã về nơi tránh trú an toàn. Toàn tỉnh hiện có trên 10.000 ô lồng nuôi thủy sản, tập trung tại các vùng trọng điểm (huyện Cô Tô, thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà, huyện Đầm Hà, huyện Tiên Yên, huyện Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả và Hạ Long) đã được gia cố, chằng chống khi bão đổ bộ.
Theo dự báo, khu vực miền Đông của Quảng Ninh gồm các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương khu vực này không chủ quan và cần có thêm các phương án ứng phó với mưa lớn do hoàn lưu bão.
“Các địa phương này cần hết sức cảnh giác, chuẩn bị lực lượng và phương tiện để ứng phó với bão số 3. Đây là các địa phương có nhiều đồi núi vì vậy cần hết sức đề phòng với hoàn lưu sau bão nhất là nguy cơ lũ ống, lũ quét, nguy cơ sạt lở; cần hướng dẫn người dân ở những vị trí, khu vực ven sông, ven suối, khu vực hạ lưu, vùng trũng di chuyển người dân về nơi tránh trú, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các phương tiện đảm bảo cho người dân được an toàn khi bão về”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Trưởng ban chỉ đạo PCTT và TKCN tỉnh Quảng Ninh đi kiểm tra bão số 3 tại khu neo đậu tàu thuyền du lịch. |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho trên 3.300 tàu thuyền, 800 lồng bè, chòi canh với gần 16.000 lao động đang hoạt động và neo đậu tại các bến về nơi tránh trú an toàn. Các quận, huyện gần cửa sông, ven biển cũng đã kêu gọi các phương tiện lên bờ hoặc về nơi tránh trú. Tuy nhiên, đến trưa nay vẫn còn 20 tàu thuyền với trên 40 lao động đang neo đậu, hoạt động và 60 người trên các chòi nuôi ngao tại các khu vực Đồ Sơn, Kiến Thụy, Tràng Cát (quận Hải An).
Thành phố Hải Phòng cũng tổ chức di dời gần 800 người tại các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời, lên phương án sơ tán hơn 6.500 người tại các khu vực trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, dân cư trong các khu nhà ở cũ, yếu, khu vực ven sông, trên các tàu thuyền neo đậu đến nơi an toàn.
Tàu thuyền neo đậu tránh bão số 3 tại cảng cá Mắt Rồng (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). |
Ông Trần Quang Tường, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vỹ cho biết: “Hiện chúng tôi đã vận động được 134 phương tiện vào đất liền; đưa lên bờ 112 phương tiện với 151 lao động. Dưới âu cảng của đảo hiện còn 7 phương tiện với 22 lao động, chính quyền huyện đã đưa 22 lao động lên điểm tránh trú bão của huyện. Hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị chằng chống, buộc nhà, hoa màu, gia súc, gia cầm cẩn thận; đang theo dõi tiến độ, đường đi của bão, hy vọng cán bộ, chiến sĩ quân dân của đảo sẽ bị ảnh hưởng ít nhất”.
Sẵn sàng ứng phó với bão số 3, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng phương án di dời dân cư tại 1.100 điểm nguy cơ cao về sạt lở, ngập úng, lũ quét; huy động lực lượng theo phương châm 4 tại chỗ; bố trí lực lượng tại các ngầm tràn để hướng dẫn người và phương tiện qua lại.
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiểm tra tại đê biển Cát Hải. |
Tại Lạng Sơn cũng có 57 điểm có nguy cơ sạt lở cao đã được chính quyền cảnh báo và sẵn sàng di dân khi bão đổ bộ. Các huyện Tràng Định, Văn Lãng đã có phương án ứng phó khi nước lên, đảm bảo an toàn cho các hồ đập.
Tại Hải Dương, Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Thanh Hà đã mở cống sông Hương, cống Thuần và một số cống phụ khác để tháo nước đệm nhằm tránh nguy cơ ngập úng cho hơn 7.000 ha cây ăn quả và gần 3.000 ha lúa. Hiện có 13 xã, phường, thị trấn của huyện Kinh Môn và TP Chí Linh có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cũng đã được cảnh báo và sẵn sàng di dân khi có lệnh./.
Từ khóa: phòng chống bão, bão số 3, vùng đông bắc, đảo cô tô, bạch long vĩ,
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN