Các tỉnh có thể chọn 1 hoặc nhiều SGK để dạy chương trình GDPT mới
Cập nhật: 24/04/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN -Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo Thông tư mới về hướng dẫn chọn SGK cho chương trình giáo dục phổ thông mới, kế thừa nhiều nội dung của Thông tư hiện hành.
Theo dự thảo Thông tư của Bộ GD-ĐT, UBND các tỉnh thành phố sẽ thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa để giúp Ủy ban tổ chức lựa chọn sách.
Mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 Hội đồng. Thành viên trong hội đồng này bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Số lượng thành viên tối thiểu là 15, là số lẻ và yêu cầu bắt buộc là ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.
Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa được UBND cấp tỉnh thành lập mới theo từng năm, đảm bảo số thành viên đã tham gia Hội đồng những năm trước chiếm ít nhất 1/3 tổng số.
Chọn sách giáo khoa dùng chung cho toàn tỉnh hoặc một số sách dùng cho các địa bàn khác
Sách giáo khoa được lựa chọn theo nguyên tắc: chỉ lựa chọn sách thuộc danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Mỗi môn học và hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn 1 đầu sách. Việc lựa chọn này phải đảm bảo thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Điều này có nghĩa mỗi tỉnh có thể chọn sách giáo khoa cho toàn tỉnh hoặc các địa bàn khác nhau trong tỉnh. Tức là, cùng một môn học, mỗi tỉnh có thể chọn nhiều sách giáo khoa phù hợp với các địa bàn của tỉnh hoặc chọn 01 đầu sách giáo khoa để dùng chung cho các trường phổ thông trên toàn tỉnh.
Sách giáo khoa được UBND tỉnh lựa chọn sẽ được giảng dạy chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh có thể sử dụng các sách giáo khoa khác đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để tham khảo, phục vụ cho việc dạy và học. Đây chính là điểm mới của việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, là dạy học theo chương trình, không lệ thuộc vào một sách giáo khoa.
Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất danh mục sách giáo khoa
Dự thảo Thông tư Quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông quy định quy trình 6 bước để lựa chọn sách.
Đầu tiên, tổ chuyên môn của các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp.
Tiếp theo, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức nghiên cứu, thảo luận kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Việc thảo luận này có tham khảo ý kiến của học sinh, cha mẹ học sinh. Cơ sở đề xuất danh mục sách giáo khoa các môn học được lựa chọn, xếp theo thứ tự từ cao đến thấp; báo cáo danh mục sách này với Sở GD-ĐT (đối với cấp THPT), Phòng GD-ĐT (đối với cấp Tiểu học và THCS).
Chậm nhất 7 ngày trước phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh thành lập, Chủ tịch Hội đồng phân công nhiệm vụ cho các thành viên nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn.
Hội đồng sau đó họp thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất, theo các nguyên tắc và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa được Bộ GDĐT quy định. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên.
“Trường hợp sách giáo khoa không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên, Hội đồng thảo luận, phân tích các sách giáo khoa với tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai nếu vẫn không đạt 2/3 số phiếu đồng ý lựa chọn trở lên thì Hội đồng quyết định lựa chọn sách giáo khoa có số lượng cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn nhiều nhất trong danh mục sách giáo khoa do các cơ sở giáo dục phổ thông báo cáo”, dự thảo Thông tư nêu.
Bước thứ 5, Sở GD-ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Căn cứ vào kết quả lựa chọn của các Hội đồng và hồ sơ trình của Sở GD-ĐT, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.
Dự thảo Thông tư về lựa chọn sách giáo khoa có nội dung quy định việc được thay đổi hoặc bổ sung sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (khoản 7 Điều 10; khoản 4 Điều 11; khoản 1 Điều 12; khoản 3 Điều 13; khoản 5 Điều 14). Theo đó, nếu nhiều cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị về việc sách giáo khoa được lựa chọn không phù hợp, UBND cấp tỉnh sẽ quy định việc lựa chọn lại sách giáo khoa để thay đổi trên toàn tỉnh. Hoặc một số cơ sở giáo dục phổ thông thấy sách giáo khoa không phù hợp với đơn vị mình, có thể kiến nghị thay đổi. UBND cấp tỉnh theo đó sẽ xem xét và tổ chức lựa chọn bổ sung để phù hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông có kiến nghị này./.
Từ khóa: sách giáo khoa mới, chọn sách giáo khoa mới, chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN