Các thiết bị nhà thông minh dễ bị hack thế nào?

Cập nhật: 12/08/2023

VOV.VN - Thời đại công nghệ, nhiều gia đình chuộng sử dụng các thiết bị nhà thông minh, nhưng liệu chúng có an toàn hay không?

Các thiết bị nhà thông minh đã trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng các thiết bị này cũng mang theo một số rủi ro liên quan đến an ninh mạng.

Nếu không được bảo mật tốt, các thiết bị nhà thông minh có thể dễ bị hack, đe dọa đến sự riêng tư và an toàn của gia đình bạn. Sau đây là những lỗi khiến thiết bị nhà thông minh dễ bị hack, bạn đừng bỏ qua nhé.

Mật khẩu yếu

Mật khẩu yếu là một trong những lỗi phổ biến khiến các thiết bị nhà thông minh dễ bị tấn công. Mật khẩu dễ đoán, như sử dụng tên người dùng hoặc ngày sinh, rất dễ bị hacker đoán được. Bạn cũng nên đổi mật khẩu định kỳ và không sử dụng mật khẩu giống nhau cho nhiều thiết bị. Bên cạnh đó bạn nên sử dụng mật khẩu có độ mạnh cao, mật khẩu nên chứa các ký tự đặc biệt.

Thiết bị cũ không được cập nhật phần mềm

Các nhà sản xuất thường cung cấp các bản vá lỗi và bản cập nhật phần mềm để vá các lỗ hổng bảo mật trên thiết bị. Nếu bạn không cập nhật phần mềm, các tin tặc có thể tìm ra các lỗ hổng này và khai thác chúng. Để đảm bảo an toàn, hãy kiểm tra và cập nhật phần mềm cho tất cả các thiết bị nhà thông minh của bạn theo các hướng dẫn từ nhà sản xuất.

Kết nối không an toàn

Việc kết nối các thiết bị nhà thông minh vào mạng Internet là để bạn điều khiển chúng từ xa. Tuy nhiên, nếu kết nối không an toàn, hacker có thể xâm nhập vào mạng gia đình và kiểm soát các thiết bị. Để bảo vệ an toàn, hãy sử dụng mạng Wi-Fi được bảo mật với WPA2 hoặc WPA3. Hãy đảm bảo rằng bạn sử dụng một mật khẩu mạng mạnh và không để mạng Wifi công khai.

Phần mềm không đáng tin cậy và ứng dụng giả mạo

Việc tải xuống phần mềm từ các nguồn không đáng tin cậy hoặc sử dụng các ứng dụng giả mạo có thể dẫn đến việc thiết bị nhà thông minh của bạn bị hack. Luôn tải phần mềm từ nguồn chính thức và chỉ cài đặt ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng đã được xác minh.

Lỗ hổng trong giao thức kết nối

Một số thiết bị nhà thông minh sử dụng giao thức kết nối không an toàn như Bluetooth hoặc Zigbee. Những lỗ hổng này có thể khiến kẻ xấu xâm nhập vào mạng gia đình bạn và điều khiển những thiết bị có kết nối.

Lỗ hổng của nhà sản xuất

Những trường hợp sai sót và sơ suất của nhà sản xuất cũng là lý do để hacker có thể xâm nhập vào các thiết bị nhà thông minh. Lỗi cơ bản của nhà sản xuất như phần đặt mật khẩu của khách hàng ở dạng thuần túy, khiến cho mật khẩu dễ dàng hack được. Nếu không có các biện pháp bảo vệ phù hợp tin tặc có thể truy cập vào tài khoản mở khóa của bạn để xâm nhập vào các thiết bị nhà thông minh của bạn.

Nhà cung cấp không uy tín

Nhiều thiết bị nhà thông minh được sản xuất bởi các nhà cung cấp không uy tín đang trôi nổi nhiều trên thị trường. Các thiết bị nhà thông minh đó rất dễ bị hacker xâm nhập đánh cắp thông tin hay điều khiển các thiết bị đó từ xa mà chúng ta không biết.

Để tránh tình huống các thiết bị nhà thông minh bị người xấu xâm nhập, người sử dụng có thể tham khảo thêm một số cách bảo mật nhà thông minh khác như: Cài đặt thêm phần xác nhận thay đổi mật khẩu qua điện thoại, tăng cường lớp mật khẩu bảo mật thông tin, sử dụng các thiết bị có nhà cung cấp uy tín.

Từ khóa: thông minh, smarthome, Bảo mật mạng, nhà thông minh, thiết bị nhà bếp thông minh, công nghệ, tin công nghệ, tin tức công nghệ mới nhất, Tin công nghệ mới nhất 24h

Thể loại: Khoa học - Công nghệ

Tác giả: minh nhật/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập