Các nước tăng tốc chạy đua tìm kiếm vaccine Covid-19
Cập nhật: 13/08/2020
Tổng thống bị luận tội của Hàn Quốc kiên quyết phản đối điều tra (18/1/2025)
Hội nghị SOM ASEAN 2025 – Nền tảng cho thảo luận chuyên sâu các vấn đề khu vực (18/1/2025)
VOV.VN - Với hơn 20 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2, thế giới tiếp tục ghi nhận dấu mốc mới về số lượng người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Các ca lây nhiễm mới vẫn gia tăng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có châu Âu – khu vực từng được đánh giá là kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine phòng ngừa Covid-19 càng được đẩy nhanh. Sau Nga, Argentina và Mexico ngày 12/8 cho biết sẽ hợp tác sản xuất vaccine phòng ngừa Covid-19 vào nửa đầu năm sau. Trong khi, Cuba cũng công bố thành tựu tích cực trong hoạt động tìm kiếm vaccine phòng Covid-19.
Ảnh minh họa: Getty |
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến sáng nay, thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 20,786 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 751.000 ca tử vong. So với thời điểm này, một tháng về trước, số ca lây nhiễm đã tăng hơn 6 triệu, trong khi số ca tử vong cũng tăng gần 200.000 người.
Mỹ vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 với hơn 5,3 triệu ca nhiễm và hơn 169.000 ca tử vong. Số ca lây nhiễm ở nhiều nước và khu vực trên thế giới cũng tiếp tục tăng. Đáng lo ngại là tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trở lại sau một thời gian dài châu Âu từng được xem là khu vực kiểm soát tốt các ca lây nhiễm. Đức, Pháp, Italia đều ghi nhận các ca lây nhiễm mới tăng cao sau 3 tháng qua. Nguyên nhân chủ yếu khiến số người lây nhiễm tăng cao tại các nước châu Âu được cho là do lưu lượng người đi lại giữa các nước trong kỳ nghỉ Hè tăng cao khiến dịch bệnh bùng phát mạnh. Đây là yếu tố đã được giới chuyên gia cảnh báo trước đó sau khi nhiều nước châu Âu dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, mở cửa trở lại nền kinh tế và biên giới nội khối.
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, cuộc chay đua tìm kiếm vắc-xin cũng bước vào giai đoạn then chốt và được đẩy mạnh. Sau khi Nga thông báo thời điểm ra mắt lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên do Nga sản xuất trong vòng 2 tuần tới, Argentina và Mexico ngày 12/8 cũng cho biết, hai nước này sẽ hợp tác sản xuất từ 150 đến 250 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 do công ty dược AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford của Anh nghiên cứu và phát triển. Số vaccine này sẽ được phân phối vào nửa đầu năm sau tại tất cả các nước Mỹ Latinh.
Cùng ngày, Viện Nghiên cứu vaccine Carlos Finlay của Cuba thông báo nước này hiện đang phát triển 4 loại vaccine ngừa Covid-19. Việc bào chế các loại vaccine này được tiến hành dựa trên các nền tảng công nghệ hiện có tại đảo quốc Caribbe và dự kiến sẽ được đưa vào sản xuất ngay sau khi hoàn thành các nghiên cứu cần thiết. Cuba hiện đang được xem là “điểm sáng” của Mỹ Latinh trong bối cảnh khu vực này đang là tâm điểm của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Quốc gia vùng Caribbe này cũng được đánh giá là thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, với tỷ lệ 88% được chữa khỏi bệnh trong tổng số 3.128 ca nhiễm, tính tới thời điểm hiện nay.
Ông Francisco Duran, Viện Nghiên cứu vaccine Carlos Finlay nói: “Con đường mà chúng tôi đang đi mang lại cho chúng tôi nhiều hy vọng. Chúng tôi cũng hy vọng rất nhiều về những gì mà chúng tôi đã làm. Chúng tôi cũng hài lòng về kết quả nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Tôi vẫn cho rằng, vắc-xin phòng ngừa Covid-19 do chúng tôi sản xuất sẽ có mặt trên thị trường từ nửa đầu năm 2021”.
Những công bố tích cực về tiến triển trong hoạt động tìm kiếm vaccine phòng ngừa Covid-19 có thể được xem là “cơn mưa rào trong ngày nắng Hạ”, làm vơi bớt nỗi lo dịch bệnh, mở ra cơ hội cứu sống và điều trị khỏi cho nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Liên quan đến công bố của Nga về loại vaccine Sputnik 5 do Nga sản xuất, hiện đã có 20 nước trên thế giới đặt mua hơn 1 tỷ liều vaccine này. Tối qua, phía Nga cũng cho biết, giá xuất khẩu loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 này của Nga sẽ dao động ít nhất là 10 USD cho 2 liều. Hiện chính quyền bang Paraná của Brazil và Quỹ Đầu tư trực tiếp của Nga (RFPI) đã ký một thỏa thuận hợp tác sản xuất và phân phối vaccine Sputnik 5. Theo đó, Viện Công nghệ Paraná sẽ bắt đầu sản xuất loại vaccine này từ đầu năm 2021 với số vốn đầu tư 80 triệu real, khoảng 14,7 triệu USD./.
Từ khóa: vaccine covid-19, SARS-CoV-2, Sputnik V
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN