Các nước đưa ra nhiều gói cứu trợ nền kinh tế ảnh hưởng dịch Covid-19

Cập nhật: 08/03/2020

VOV.VN - Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan, tác động mạnh tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thế giới bởi các lệnh hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực hàng không, du lịch, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Nhiều biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế đang được các quốc gia, các định chế tài chính thực hiện.

Hàn Quốc sáng nay công bố gói kích thích 11.700 tỷ won (tương đương 9,8 tỷ USD) để bảo vệ nền kinh tế, ngăn chặn dịch bệnh ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và làm suy yếu tiêu dùng trong bối cảnh Hàn Quốc đang là ổ dịch lớn thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-Ki thông báo ngân sách bổ sung 11.700 tỷ won, dự kiến trình Quốc hội thông qua, sẽ dùng để cấp cho hệ thống y tế, chăm sóc trẻ em và hỗ trợ các thị trường hàng ngoài trời (outdoor markets).

Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-Ki cho biết: “Trong ngân sách bổ sung này, 3.200 tỷ won sẽ bù đắp cho thâm hụt doanh thu và 8.500 tỷ won sẽ là số tiền bổ sung bơm vào nền kinh tế. Nền kinh tế dang trong tình trạng báo động. Chúng tôi sẽ ưu tiên các chính sách nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực dễ bị tổn thương, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhóm lao động làm việc tự do”.

cac nuoc dua ra nhieu goi cuu tro nen kinh te anh huong dich covid-19 hinh 1
Tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới ngày càng lớn. (Ảnh: Shutterstock)

Nhật Bản trong tuần tới cũng sẽ công bố đợt 2 các biện pháp giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế do dịch Covid-19, trong đó trọng tậm sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng phó với tình trạng thiếu hụt tài chính bằng cách sử dụng 270 tỷ JPY (tương đương 2,5 tỷ USD) vốn dự phòng ngân sách quốc gia.

Tại Đức, chính phủ nước này cũng ưu tiên hỗ trợ tài chính cho các công ty vừa và nhỏ và tránh sa thải hàng loạt nhân công, thông qua các công cụ thị trường lao động hiện có. Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier, chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để dịch bệnh không ảnh hưởng tới nền kinh tế xét ở vĩ mô. Đức sẽ đảm bảo việc làm và sản xuất trong nội địa. Các đảng trong liên minh cầm quyền đang cân nhắc giảm thuế cho các công ty và có chính sách khyến khích lĩnh vực tư nhân tăng đầu tư.

Nhằm đối phó các rủi ro từ dịch Covid-19, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ vừa hạ lãi suất mặc dù chưa tới phiên họp định kỳ ngày 17-18/3. Theo đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ hạ 0,5% lãi suất tham chiếu, về quanh mức 1 - 1,25%. Quyết định này được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Mỹ có tuần lễ tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Về hành động khẩn trương này, Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của FED giải thích: “Các yếu tố nền tảng của kinh tế Mỹ vẫn vững mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh đang ngày càng đe dọa đến hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh các rủi ro tồn tại, việc hạ lãi suất là nhằm duy trì ổn định giá và tối đa hóa việc làm cho người dân.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell cũng nhận định: “Chúng tôi thừa nhận cắt giảm lãi suất sẽ không giảm được tốc độ lây lan của dịch Covid-19, không thể giải quyết được chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Chúng tôi không nghĩ rằng đã tìm ra mọi câu trả lời nhưng chúng tôi tin tưởng hành động cắt giảm lãi suất sẽ tạo cú hích cho nền kinh tế. Chúng tôi sẽ ủng hộ việc đưa ra các biện pháp tài chính thích ứng và tránh siết chặt tài chính. Việc cắt giảm lãi suất sẽ thúc đẩy niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Đó là lý do các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang làm theo cách này”.

Tuy nhiên Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như chưa hài lòng với mức cắt giảm trên. Trên Twitter ông kêu gọi FED cần phải nới lỏng nhiều hơn nữa, tốt nhất là hạ lãi suất về ngang bằng các quốc gia, đối thủ khác bởi rất nhiều nước trên thế giới đang áp dụng lãi suất gần 0% hoặc thậm chí là âm.

Các định chế tài chính quốc tế cũng có bước đi hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng. Hôm qua, Ngân hàng Thế giới công bố ngân quỹ 12 tỷ USD hỗ trợ các nước ứng phó với tác động kinh tế và tác động đối với hệ thống y tế do dịch Covid-19 gây ra. Quỹ 12 tỷ USD là vốn vay được xét duyệt nhanh, với lãi suất rất thấp để giúp các nước đang phát triển cải thiện dịch vụ y tế, đẩy mạnh giám sát dịch bệnh và tăng cường phối hợp với lĩnh vực tư nhân.

Các nước không nên áp dụng những biện pháp làm hạn chế hơn nữa giao thương. Ngân hàng Thế giới cũng sẽ làm việc với các khách hàng doanh nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược như thiết bị y tế, dược phẩm để duy trì chuỗi cung ứng và hạn chế các rủi ro.

Theo Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, các nước nghèo với hệ thống y tế yếu kém rất dễ bị tổn thương trong các dịch bệnh như Covid-19 nhưng qua những kinh nghiệm với dịch Ebola và các dịch bệnh khác, việc nhanh chóng áp dụng các biện pháp đúng đắn có thể giảm bớt tình trạng lây nhiễm và cứu sống được nhiều người.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế của khối. Nhà hoạch định chính sách của ECB Francois Villeroy de Galhau hôm qua cho biết, chính sách tiền tệ của ECB đã mang tính thích ứng và giúp ổn định nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu. ECB sẽ cấp các khoản vốn vay lãi suất cực thấp cho các công ty. Các quan chức tài chính nhóm G7 cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ phù hợp./.


Từ khóa: kinh tế, nền kinh tế thế giới, ảnh hưởng dịch bệnh, dịch Covid-19

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập