Các nhà văn trẻ... đang ở đâu?
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - Văn học Việt Nam đương đại có một dòng văn học trẻ của những nhà văn trẻ mang dáng vẻ, hình thức và cả “vị” không như dòng chảy truyền thống.
Tọa đàm về "Nhận diện văn học trẻ Thủ Đô 10 năm gần đây" diễn ra sáng 10/8 tại Trụ sở Hội Liên hiệp Văn học và Nghệ thuật Hà Nội do Ban nhà văn Trẻ và CLB Văn học Trẻ phối hợp tổ chức, có 6 tham luận về thơ và văn xuôi, cùng nhiều ý kiến về văn học trẻ Thủ đô nói riêng, văn học trẻ Việt Nam nói chung.
Cũng có nhiều vấn đề thuộc về “dòng” văn học này được giải mã, nhưng xem ra vẫn còn nhiều sự e ngại bởi tính “định hình” của dòng văn học trẻ này chưa thật sự tạo ra những đặc điểm, dấu ấn để có thể lưu lại như một “dòng” văn học trong thời đại 4.0 này.
Tọa đàm “Nhận diện văn học trẻ Thủ đô 10 năm gần đây”(Ảnh: Hanoimoi) |
Khái niệm văn học trẻ của văn học Việt Nam (VHVN) đã có từ lâu và trải qua nhiều Hội nghị gặp gỡ các cây viết trẻ toàn quốc ngay cả khi các cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đang diễn ra. Lúc đó “dòng văn học trẻ” hòa dòng chảy chung và không có gì để phân biệt được giữa “già-trẻ”, vì hình thức, nội dung đều cùng chung mục đích phục vụ cho công tác văn hóa tư tưởng của các cuộc kháng chiến bảo vệ, thống nhất đất nước, xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Đến kỳ Hội nghị văn trẻ lần 5-1999, manh nha một dòng văn học trẻ qua những cây viết của thế hệ 6X, có những tín hiệu mới nhưng vẫn chưa phải đột phá hay khám phá mới mẻ, vẫn còn đậm đặc chất “văn truyền thống” của các thế hệ đàn anh trước đó.
Hội nghị văn trẻ lần 6-2002, văn trẻ đã bắt đầu thành dòng chảy, dù chưa mạnh mẽ, cuộn xiết, chưa ào ạt bứt phá, nhưng đã đủ gây chấn động. Những cái tên như: Nguyễn Ngọc Tư, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nguyễn Tiến Đạt… đại diện “đánh tiếng” cho các nhà văn thế hệ trước rằng “đã đến lúc khẳng định sự có mặt của chúng tôi, đã đến thời của chúng tôi”.
Đến Hội nghị văn trẻ lần 7-2006, văn trẻ đã thật sự thành “dòng”, có tiếng nói riêng, có một vị trí riêng, với đủ hình vẻ và những biến tấu đa dạng, đa sắc, đa phong cách cả trong Nam ngoài Bắc. Và cũng là lúc mà bắt buộc các nhà văn thế hệ trước, các nhà lý luận phê bình VHVN phải nhìn một cách nghiêm túc về “dòng” văn học trẻ, không thể xem đó là “trò chơi vui” của người trẻ.
Lớp trẻ bây giờ được nhiều ưu đãi của các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên việc tiếp cận thông tin đa phương tiện công nghệ cao đã trở thành phổ biến. Việc hội nhập, xu thế toàn cầu hóa đã làm thế giới chỉ trong tầm tay, nhiều thứ du nhập vào Việt Nam mà đón nhận trước tiên là lớp người trẻ 7X, 8X, 9X, 10X.
Nhà văn trẻ lại càng nhạy hơn về những thay đổi đó và họ không tiếc gì mà không đưa vào tác phẩm của mình những gì họ thấy và cảm nhận trong con mắt của người trẻ. Cái nhìn về hiện thực xã hội đương đại cũng khác hơn các thế hệ trước. Đó là cái nhìn mở theo nhiều chiều, nên việc cảm nhận cũng có nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, dẫn đến cách thể hiện khác nhau nhưng đều mang những nét tính cách của thời đại.
Trong mỹ thuật đã có những phong cách thể hiện mới và đã được chấp nhận dù chưa thật sự thuyết phục như Performance (trình diễn), Installation (sắp đặt), video art, body art... và không còn những chất liệu truyền thống như toan, lụa, sơn mài, sơn dầu, bột màu… mà là tất cả những gì gọi là “vật chất” đều trở thành vật liệu và làm nên ý tưởng nội dung tác phấm nghệ thuật.
Ngoài ra, trong các bộ môn nghệ thuật khác cũng đều có chất “trẻ”, “mới” của thời đại, không ai không thấy từ sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, múa... Thế thì tại sao văn chương, là một trong 7 môn nghệ thuật lại không có sự “đổi mới”? Không ai khác chính các nhà văn trẻ là những người làm mới.
Mới - là sự khám phá, sự thể nghiệm, tìm tòi và có thể có cả sự bắt chước lai tạp trộn lẫn… dĩ nhiên là sẽ có kết quả tốt và nhiều cái chưa quen hay phản ứng ngược gây phản cảm theo cách nhìn nhận truyền thống.
Đã có một thời chưa xa, nhiều nhà văn thế hệ trước cảm thấy “sốc” và thậm chí có người còn tức giận như bị “xúc phạm” khi đọc thơ Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh…, văn của Đỗ Hoàng Diệu, ngay cả Nguyễn Ngọc Tư cũng bị đem ra mổ xẻ… nhưng rồi cũng chính họ lại có cái nhìn "xoay chiều”, có vị còn khuyến khích cho kiểu viết đó.
Cũng có thể thế hệ trước đã thấy không thể quay ngược được thời gian, và cũng có thể họ thấy là không thể đi ngược được xu thế mới, vì như thế là biến mình thành kẻ lạc hậu. Văn trẻ đã được nhìn nhận như thành tố mới trong VHVN.
Mới - là sự cách tân trong hình thức thể hiện, trong nhìn nhận sự việc. Quay ngược lại thời gian khi phong trào “Thơ mới”, hay “Tự lực văn đòan” xuất hiện, họ cũng bị “bầm dập” khá nhiều để rồi cuối cùng được công nhận, được tung hô, và cho đến nay nó vẫn được nhìn nhận như sự đột phá, tạo cho VHVN một diện mạo mới phát triển.
Vậy thì tại sao văn trẻ hôm nay, khi có những “phá cách”, khi cái nhìn qua lăng kính trẻ có những “méo mó” không đẹp theo kiểu nghĩ và cái nhìn truyền thống là đã vội cho là không tốt, cần phải “chỉnh sửa”?
Trẻ là năng động, là thích khám phá, thích cái mới, thích thể hiện cái “tôi” của mình. Trong văn trẻ, nó càng bộc lộ rõ rệt. Có thể những cái “mới” đó so với thế giới không còn mới, là sự chắp vá, lai tạp, bắt chước… nhưng với cách nhìn của người trẻ, chỉ cần không giống với những gì của thế hệ trước là mới, người trẻ muốn thay đổi, càng bị phản đối càng muốn thực hiện.
Đó cũng chính là cái “tôi” của họ, cái “tôi” cá nhân, bế tắc, hoang mang, khắc khoải và sự nghi ngờ, thậm chí “không biết mình là ai”. Không chỉ có thế, nhiều cây viết trẻ đã khẳng định cái “tôi” của mình với tư cách một công dân, có trách nhiệm công dân trên trang viết, họ chỉ khác là cách phản ảnh và cách nhìn của họ là của hôm nay.
Nhưng tất cả chỉ là chứng minh là họ đang tồn tại, đang có mặt và đang tham gia vào mọi sự kiện của cuộc sống đương đại. Nhà văn trẻ viết về mình nhưng cũng là viết về giới của mình, lứa tuổi của mình, của thời đại mình đang sống.
Và trong VHVN cũng không thể cho họ đứng ngoài cuộc chỉ như những phù phiếm của tuổi trẻ, “thiếu kinh nghiệm, thiếu bề sâu kiến thức”. Thế hệ các nhà văn trước cũng đã từng trải qua một thời tuổi trẻ với nhiều hy vọng, ước mơ, tìm tòi, khám phá trên trang viết của mình. Cũng có khi chông chênh giữa đôi bờ của mới-cũ.
Thấu hiểu tuổi trẻ là thấu hiểu những gì họ đang thể hiện, không nên phê phán nếu nó có vẻ “trái tai, gai mắt”, cũng không nên xoay ngược khen một cách thái quá để tỏ ra thức thời “đi kịp thời đại” với giới trẻ, mà phải là những người tỉnh táo, có như thế các nhà văn thế hệ trước mới có thể là những nhà “cố vấn”, chuyên gia để cho nhà văn trẻ cảm thấy được tôn trọng, được khích lệ, được nhìn nhận một cách chính đáng, và như thế lo gì họ không có những trang viết tốt, những trang viết đẹp theo đúng nghĩa của mỹ từ “Văn”.
Nhà văn trẻ… đang ở đâu? Thật ra, để trả lời câu hỏi này vào thời điểm này rất khó. Bởi vì vị trí của nhà văn trẻ trong dòng chảy VHVN đương đại đang vẫn còn “xê dịch’, chưa định hình, các nhà văn trẻ chưa khẳng định rõ ràng mình là ai- trách nhiệm trang viết của mình đối với nền VHVN như thế nào, mình viết gì, viết ra sao để vừa mang được những đặc điểm của VHVN không lẫn với văn chương nước ngoài, vừa phải mang tính cách trẻ rõ ràng như một thế hệ mới, tạo ra diện mạo mới cho VHVN tương lai.
Nhà văn trẻ… đang ở đâu? Vẫn là câu hỏi ngỏ, do chính các nhà văn trẻ tự trả lời bằng chính tác phẩm của mình, tên của mình, và sự tồn tại của mình trong dòng chảy VHVN./.
Từ khóa: nhà văn trẻ, văn học đương đại, văn học việt nam, văn học trẻ,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN