Các nhà lãnh đạo thế giới muốn ai đắc cử Tổng thống Mỹ hơn - Harris hay Trump?
Cập nhật: 06/11/2024
Thái Lan xử nặng một công dân Singapore dọa đánh bom giả tại sân bay
Ông Medvedev cảnh báo kịch bản leo thang xung đột tại Ukraine
VOV.VN - Tầm ảnh hưởng lớn của nước Mỹ là lý do khiến cuộc đua vào Nhà Trắng đang được theo dõi sát sao ở khắp nơi trên thế giới. Một trong những câu hỏi đang được đặt ra hiện nay là giới lãnh đạo các nước sẽ muốn thấy ai trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ, bà Kamala Harris hay ông Donald Trump?
Mặc dù nhà lãnh đạo Nga từng nói rằng ông có thể thích bà Harris làm Tổng thống, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy Tổng thống Putin thực sự ủng hộ chiến thắng của ông Trump. Chuyên gia Timothy Ash, cộng sự của Chương trình Nga và Âu Á tại Chatham House nhận định rằng, ông Putin có vẻ nghĩ ông Trump có phần mềm mỏng với Nga và sẽ nhượng bộ để có được thỏa thuận lớn về Ucraina– cắt giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine và dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Tuy nhiên, một số nhà phân tích Nga cùng đưa ra lập luận cho rằng, bất kể ai thắng, có lẽ sự ác cảm của Mỹ đối với Nga sẽ vẫn còn.
NBC News trích lời Jia Qingguo, cựu hiệu trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh nhận định, các quan chức Trung Quốc có thể hơi nghiêng về bà Harris dù cả đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ đều có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Có vẻ như ông Trump sẽ không lùi bước nếu đắc cử, nhưng đảng Dân chủ cũng có thể tập hợp lại để phản đối ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn thế giới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chưa công khai ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng ông nghiêng về chiến thắng của ông Trump. Bởi nhà lãnh đạo Ixraen từng có mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của cựu tổng thống Mỹ này. Năm 2019, tại Hội đồng Israel - Mỹ, ông Trump tuyên bố "Nhà nước Do Thái chưa bao giờ có một người bạn nào tốt hơn tổng thống của các bạn ở Nhà Trắng".
Phần lớn các nhà lãnh đạo châu Âu được cho là ủng hộ bà Harris lên làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Phát biểu trước báo giới, thủ tướng Đức Olaf Scholz chia sẻ ông hiểu rõ bà Harris và cho rằng bà chắc chắn sẽ là một Tổng thống tốt.
Tuy nhiên, ở quan điểm trái ngược lại, Thủ tướng Hungary Viktor Orban công khai ủng hộ cựu Tổng thống Trump trong cuộc đua và Nhà Trắng. Ông cho rằng Châu Âu cần phải xem xét lại việc hỗ trợ Ukraine nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ 2024:"Chúng ta cần nhận thức được việc nếu có một Tổng thống ủng hộ hòa bình và nước Mỹ đi theo xu hướng hòa bình, thì Châu Âu không thể tiếp tục chiến sự như ở Ukraine. Châu Âu không thể một mình gánh chịu gánh nặng của chiến tranh."
Mặc dù Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có mối quan hệ thân thiết với Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhưng nghiên cứu viên cao cấp của Chương trình Nam Á, Châu Á - Thái Bình Dương tại Chatham House Chietigj Bajpaee không tin rằng ông Modi có sự ưu tiên mạnh mẽ cho ứng cử viên này hơn ứng cử viên khác. Trong khi ông Michael Kugelman, giám đốc Viện Nam Á thuộc Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, DC, cho rằng chính phủ Ấn Độ sẽ cân nhắc những ưu và nhược điểm cho cả hai ứng cử viên.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol chưa chính thức xác nhận ủng hộ ứng cử viên nào, nhưng được biết mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ đã phát triển mạnh mẽ dưới thời ông Biden. Edward Howell, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Oxford cho rằng, chính quyền Biden đã làm rất ít để giải quyết mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, song lại tập trung vào việc tăng cường quan hệ song phương và ba bên giữa Mỹ-Nhật-Hàn. Hàn Quốc sẽ muốn đảm bảo rằng sự ủng hộ của Mỹ dành cho nước này không bị suy yếu dưới thời tổng thống tiếp theo vào thời điểm có nhiều bất ổn ở khu vực Đông Á.
Một phân tích do trang web Nippon Communications Foundation của Nhật Bản công bố cho biết, đối với đồng minh của Mỹ là Nhật Bản, chiến thắng của ông Trump có thể có nghĩa là ông sẽ chuyển trọng tâm sang chính sách trong nước và giảm hợp tác với Nhật Bản, tăng thuế quan, cũng như kỳ vọng Nhật Bản sẽ tăng chi tiêu quân sự.
Đối với đồng minh của Mỹ là Australia, phóng viên người Australia Ben Doherty đã viết cho The Guardian rằng, nhiều người ở Australia tin rằng ông Trump có khả năng sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris nếu ông tái đắc cử, điều này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của liên minh khí hậu không chính thức, Umbrella Group, mà Australia là một phần của liên minh này. Australia cũng có mối quan hệ thương mại với Trung Quốc và chiến thắng của ông Trump có thể đồng nghĩa với một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, điều này có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Australia.
Từ khóa: Trump, Harris,bầu cử mỹ
Thể loại: Thế giới
Tác giả: phương anh/vov1
Nguồn tin: VOVVN