Các Nhà hát “nóng lòng” chờ ngày sáng ánh đèn trở lại hậu Covid-19
Cập nhật: 30/04/2020
VOV.VN - Hiện Nhà hát đang lên kế hoạch luyện tập, nhanh chóng trở lại phục vụ công chúng song vẫn đảm bảo phòng chống dịch.
Tính từ 6h sáng ngày 16/4 đến thời điểm hiện tại, Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca mắc đến nay vẫn là 270, trong đó 130 ca là từ nước ngoài. Cuộc sống đang dần về bình thường, các hoạt động văn hoá giải trí sau thời gian dài bị đóng băng cũng đang rục rịch trở lại đáp ứng nhu cầu của khán giả. Các nhà hát cũng đã lên các chương trình mới chuẩn bị cho thời điểm trở lại với sân khấu.
Đối với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, 2019 là một năm thành công với nhiều chương trình biểu diễn xuất sắc, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng. Hồi đầu năm, Nhà hát có vở ballet “Hồ Thiên Nga” thành công ngoài mong đợi, 7 đêm liên tiếp cháy vé và được nhiều cơ quan báo chí bình chọn trong top những sự kiện văn hóa tiêu biểu năm 2019.
Trong cả năm, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam thực hiện tổng cộng 55 buổi biểu diễn, thu hút 110.000 lượt khán giả, đem lại doanh thu 3 tỷ đồng. Bước sang 2020, nhà hát đã có 2 đêm diễn chương trình hòa nhạc Rock Symphony kết hợp cùng nhạc trưởng Lê Phi Phi rất thành công tại Nhà hát Lớn. Mọi chuyện đang suôn sẻ, tập thể nghệ sỹ nhà hát đang ấp ủ nhiều dự định lớn tiếp theo thì dịch Covid-19 ập đến khiến tất cả phải dừng lại.
NSUT Trần Ly Ly, giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam chia sẻ: “Các kế hoạch lớn của chúng tôi trong năm nay có mang vở Hồ Thiên nga đi toàn quốc, thế nhưng vì Covid nên mọi thứ đang tạm thời hoãn lại, chưa có kế hoạch cụ thể. Việc tổ chức đi tour toàn quốc rất khó, chúng tôi phải lựa vì biểu diễn mà tập trung đông người nên rất khó. Chắc phải chờ hết hẳn dịch và Việt Nam ổn định ở mức tốt hơn, có chỉ đạo từ trên xuống chúng tôi mới làm tiếp được”.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đang dốc sức tập luyện cho vở diễn mới. |
NSƯT Trần Ly Ly cho biết, trong thời gian qua, các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam vẫn tự tập luyện riêng tại nhà, nhưng với đặc thù loại hình cần phải tập trung cùng nhau để ghép vở. Ngay khi bắt đầu đi làm lại, nhà hát sẽ tổ chức cho các nghệ sỹ tập luyện tập trung trên nguyên tắc tuân thủ các yêu cầu phòng dịch. Hiện các nghệ sĩ đang tập trung tập luyện vở ballet Neo-classic (tân cổ điển) Romeo & Juliet, dự kiến ra mắt vào khoảng tháng 10/2020”.
Trong khi đó, với Nhà hát Múa rối Việt Nam, dịch Covid-19 cũng đã làm “phá sản” mọi kế hoạch tập luyện, biểu diễn trong năm 2020. Đối tượng công chúng chính của múa rối là du khách nước ngoài và trẻ em, thì 2 nhóm này nhà hát không thể phục vụ được. NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: “Covid-19 đã làm cho một số kế hoạch của nhà hát bị đổ bể. Ví dụ vở ‘Thân phận Nàng Kiều’ chúng tôi dự định năm nay đi lưu diễn xuyên Việt thì đến thời điểm này không thực hiện được, và có lẽ từ giờ đến cuối năm chưa chắc đã thực hiện được. Thứ 2 là kế hoạch đối ngoại của nhà hát thì chúng tôi phải hoãn 7 chuyến đi nước ngoài, có những chuyến đã mua vé rồi mà cũng không đi được.
Có những chuyến đã lên hết kế hoạch, luyện tập xong rồi, mua sẵm thiết bị, chế tạo con rối phục trang để nâng cao tiết mục… thì đến sát ngày cũng phải hủy. Đó là các chương trình: múa rối cạn Trẩy hội Xuân, Rối nước chèo cổ và Đồng vọng Rối Việt là 3 chương trình dự định đem đi Nga, Italy, Pháp… đều phải hủy. Chúng tôi cũng rất tiếc, nhưng đấy là tình hình chung của thế giới và Việt Nam, nên đấy cũng là việc nên làm. Sẽ còn những dịp khác để chúng tôi giới thiệu nghệ thuật của mình đến bạn bè quốc tế”.
Giống như các nhà hát khác thuộc Bộ VH-TT&DL, các cán bộ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã bắt đầu đi làm lại từ đầu tuần này đồng thời có phương hướng hoạt động trên nguyên tắc tuân thủ yêu cầu phòng chống dịch của Chính phủ.
“Hiện đang có một thế hệ diễn viên trẻ mới về nhà hát, chúng tôi đang cho các bạn tập chuyên môn để nâng cao trình độ. Việc tập này phải đảm bảo không tập trung đông, mỗi đoàn diễn không quá 10 người cả thầy lẫn trò. Thời gian này cũng là lúc chúng tôi sống chậm lại để suy nghĩ thêm làm sao hoạt động của nhà hát ngày càng phát triển tốt cả về chất lượng biểu diễn lẫn tính chuyên nghiệp của một nhà hát Quốc gia”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
NSƯTNguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, ngay thời điểm nhen nhóm dịch Covid-19, Nhà hát Tuổi trẻ đã dừng ngay các buổi biểu diễn để chuyển sang luyện tập: “Nhà hát đang có nhiều dự án, dự kiến làm mới các tiết mục nhanh nhất để phục vụ khán giả, tạo nét văn hoá mới, sinh hoạt mới trong cộng đồng. Chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên ở một chừng mực nào đó khi xã hội thay đổi theo chiều hướng đang có dịch bệnh thì phải linh hoạt. Chẳng hạn chúng tôi sẽ sắp xếp trong khán phòng để các khán giả không ngồi sát nhau mà cách một, hai ghế. Chấp nhận khán phòng loãng một chút nhưng để khán giả có cảm giác an tâm thưởng thức nghệ thuật”.
Một tiết mục múa rối. |
Diễn viên Thanh Hương thuộc biên chế Nhà hát Kịch Hà Nội, những ngày này cũng đang theo tiến độ đoàn phim “Những ngày không quên”. Cô cho biết đã bắt đầu trở lại với công việc nhưng cũng hạn chế bởi dịch bệnh chưa hết hẳn. “Ngoài "Những ngày không quên" là phim tuyên truyền được tạo điều kiện cho quay, tôi cũng vừa mới "mở hàng" đi quay ở Hải Dương một chương trình từ thiện.
Thanh Hương. |
Hiện Nhà hát Kịch Hà Nội chưa có kế hoạch tổ chức các chương trình biểu diễn, song chúng tôi vẫn khởi động chương trình Tiếng hát át dịch Covid, anh em các đoàn đều có tiết mục để dự thi, số tiền thu được gây quỹ ủng hộ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong dịch hết hẳn để mọi người nhanh trở lại cuộc sống bình thường, anh em nghệ sĩ có cơ hội phục vụ công chúng. Chúng tôi đã nhớ sân khấu quá rồi”./.
Từ khóa: Các Nhà hát “nóng lòng” chờ ngày sáng ánh đèn trở lại hậu Covid-19, nhà hát hậu dịch covid 19, nhà hát dịch covid 19, covid 19, hoạt động của nhà hát
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN