Các máy bộ đàm Hezbollah phát nổ gây thương vong lớn - đòn tiếp theo của Israel?

Cập nhật: 13 giờ trước

VOV.VN - Hàng loạt máy bộ đàm do nhóm chiến binh Hồi giáo Hezbollah sử dụng đã phát nổ vào ngày 18/9 trên khắp miền Nam Lebanon. Theo Bộ Y tế Lebanon, ít nhất 20 người chết và hơn 450 người khác bị thương. Trước đó, các máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah cũng phát nổ gây chết người trong bối cảnh căng thẳng giữa họ và Israel gia tăng.

Bộ đàm phát nổ kế sau sự cố máy phát tin - cú sốc an ninh với Hezbollah

Một quan chức Hezbollah cho biết loạt vụ nổ máy bộ đàm và máy nhắn tin nói trên là lỗ hổng an ninh lớn nhất trong lịch sử tổ chức này.

Phóng viên Reuters ở ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut (Lebanon) cho hay, anh ta thấy cảnh các thành viên Hezbollah vội vã tháo pin của tất cả các máy bộ đàm chưa phát nổ.

Khi nhiều người tụ tập tại một đám tang ở Beirut vào ngày 18/9, bộ đàm phát nổ. Những người có mặt tại đó đã phát hoảng, lo sợ điện thoại của mình hoặc của người kế bên cũng phát nổ. Họ hét lên: “Tắt điện thoại đi” hoặc “Hãy tháo pin ra!”.

Những bức ảnh về máy bộ đàm Hezbollah phát nổ có dãn nhãn ICOM và “Made in Japan”. Mẫu bộ đàm trong ảnh chụp được có vẻ là mẫu IC-V82, đã không còn được sản xuất từ năm 2014. ICOM là một công ty điện thoại và liên lạc vô tuyến điện có trụ sở tại Nhật Bản. Website của hãng này chưa đưa ra phản ứng trước đề nghị bình luận về vụ nổ bộ đàm ở Lebanon.

Bộ Truyền thông Lebanon cho biết mẫu IC-V82 chưa được cơ quan an ninh kiểm tra và chưa được chính thức cấp phép.

Số bộ đàm này đã được Hezbollah mua cách đây 5 tháng, cùng thời điểm với máy nhắn tin, theo một nguồn tin an ninh.

Trong vụ nổ loạt máy nhắn tin vào ngày 17/9, các nguồn tin cho hay, đặc vụ Israel kích nổ thuốc nổ mà họ đã cài trong các thiết bị này (khoảng 5.000 chiếc) trước khi được nhập vào Lebanon.

Theo truyền thông Iran, bản thân Đại sứ Iran tại Lebanon cũng bị thương do vụ nổ máy nhắn tin.

Nhiều người được cho là đã bị hỏng mắt, cụt ngón tay hoặc dập nát cả bàn tay do các vụ nổ máy nhắn tin và máy bộ đàm.

Nhân chứng cho biết, khi vụ nổ xảy ra, nhiều người kêu la đau đớn và hoảng loạn. Nhiều nam giới bị hất khỏi xe máy và đâm vào tường. Những người đi chợ thì ngã xuống đất, quằn quại đau đớn, khói bốc ra từ túi của họ.

Vào cuối ngày 17/9, có khoảng 16 người tử vong và hơn 2.700 người bị thương (nhiều người trong số họ bị tàn phế) sau loạt nổ máy nhắn tin. Ngày tiếp theo (18/9), thêm 20 người nữa tử vong và hàng trăm người bị thương do loạt vụ nổ bộ đàm.

Bối cảnh của các vụ nổ này là Israel đã tiến hành một cuộc chiến chống Hamas kéo dài 11 tháng tại dải Gaza, đồng thời cũng liên tục đụng độ với nhóm vũ trang Hezbollah - đồng minh của Hamas và Iran. Người ta e sợ rằng các cuộc xung đột này có thể lan rộng ra cả vùng Trung Đông, lôi kéo sự tham gia của Mỹ và Iran.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant tuyên bố mới đây tại một căn cứ không quân: “Chúng tôi đang mở một pha mới trong cuộc chiến. Giai đoạn này đòi hỏi sự can đảm, quyết tâm và kiên trì từ phía chúng tôi”.

Lực lượng đằng sau các vụ nổ

Mỹ đã phủ nhận sự liên quan của mình trong loạt vụ nổ. Họ khẳng định vẫn đang theo đuổi ngoại giao nhằm tránh leo thang xung đột.

Trong cuộc họp báo của Nhà Trắng sau loạt vụ nổ bộ đàm, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Điều tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi không liên quan trong sư cố ngày hôm qua và ngày hôm này. Tôi không có thêm bất cứ điều gì để chia sẻ”.

Israel một lẫn nữa không phủ nhận cũng không xác nhận vai trò của mình trong các loạt nổ bí hiểm này. Tuy nhiên 12 quan chức quốc phòng và tình báo đương nhiệm hoặc trước đây nói với New York Times rằng Israel đứng sau những loạt nổ này.

Giới chức Israel chưa bình luận về loạt vụ nổ máy bộ đàm và máy nhắn tin nói trên nhưng nguồn tin an ninh tại Lebanon cho rằng cơ quan tình báo Israel đứng đằng sau.

Nhìn lại lịch sử thì Hezbollah đã từ lâu là mục tiêu của các vụ tấn công sử dụng công nghệ tiên tiến do Israel tiến hành. Thí dụ, năm 2020, một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran đã bị ám sát bằng một robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và được điều khiển từ xa thông qua vệ tinh. Israel cũng đựoc cho là đã sử dụng các hacker để can thiệp vào chương trình hạt nhân của Iran.

Thế khó của Israel khi bước vào cuộc chiến tranh với Hezbollah

VOV.VN - Lãnh đạo Israel đã tỏ rõ quyết tâm mở cuộc chiến lớn với tổ chức vũ trang Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon. Nhưng giới chuyên gia cho rằng nếu làm vậy vào lúc này, Israel sẽ lâm vào thế khó do chưa được chuẩn bị về nhiều mặt để đương đầu trực diện với một lực lượng đáng gờm như vậy.

Trước tình cảnh đó, Hezbollah chủ trương áp dụng công nghệ thấp để đối phó với Israel. Một thủ lĩnh của Hezbollah, Hassan Nasrallah, cho biết Israel đang sử dụng các mạng điện thoại di động để xác định chính xác vị trí các thành viên Hezbollah. Và do vậy ông này trong nhiều năm liền đã cổ xúy cho việc loại bỏ điện thoại di động và sử dụng máy nhắn tin để thay thế. Theo đánh giá tình báo của Mỹ, các máy nhắn tin có ưu điểm là nhận được dữ liệu gửi tới mà không làm lộ vị trí người sử dụng máy hoặc làm lộ các thông tin khác.

Nasrallah cũng lo sợ rằng Israel có các phương tiện mới để hack vào điện thoại của Hezbollah, kích hoạt micro và camera của điện thoại để theo dõi chủ nhân điện thoại từ xa.

Nasrallah không chỉ cấm sử dụng điện thoại di động trong các cuộc họp của Hezbollah. Ông còn ra lệnh không bao giờ được gửi thông tin chi tiết về các kế hoạch và hoạt động di chuyển của Hezbollah thông qua điện thoại di động. Ông cũng yêu cầu các chỉ huy của Hezbollah mang theo máy nhắn tin mọi lúc. Ông chỉ thị sử dụng máy nhắn tin để thông báo cho các chiến binh trong trường hợp có chiến tranh.

Thế nhưng Israel dường như cao tay hơn rất nhiều. Họ đã triển khai kế hoạch lập một công ty bình phong quốc tế “chuyên sản xuất máy nhắn tin”. Ba sĩ quan tình báo giấu tên tiết lộ, công ty đó là BAC Consulting có trụ sở ở Hungary và có hợp đồng sản xuất thiết bị cho một công ty Đài Loan tên là Gold Apollo. Các sĩ quan này nói rằng còn có 2 công ty bình phong nữa để che giấu thân phận thực sự của những người tạo ra máy nhắn tin.

BAC Consulting có chế tạo máy nhắn tin thông thường cho người thường nhưng “khách hàng đặc biệt” mà họ nhắm tới là tổ chức Hezbollah. Ba sĩ quan tình báo nói trên chia sẻ rằng những máy nhắn tin dành cho đối tượng đặc biệt có pin được chèn thêm chất nổ mạnh PETN.

Từ khóa: hezbollah, bộ đàm, bộ đàm phát nổ, máy nhắn tin phát nổ, xung đột israel hezbollah, nhóm chiến binh hồi giáo, cài chất nổ vào bộ đàm, cài chất nổ vào máy nhắn tin, tình báo israel, lộ thông tin, xâm nhập tình báo, lỗ hổng an ninh, tấn công từ xa, kích hoạt từ xa, bí hiểm hezbollah, bộ đàm hezbollah, máy nhắn tin hezbollah

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: trung hiếu/vov.vn tổng hợp

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập