Các địa phương tăng cường cảnh giác trước dịch bệnh do virus corona
Cập nhật: 04/02/2020
Những người thầy U80 miệt mài ươm mầm tiếng Việt trên đất Thái
Hơn 200 trang câu hỏi thẩm vấn và quyền giữ im lặng của ông Yoon Suk Yeol
VOV.VN - Ngày 4/2, Việt Nam xác nhận 2 trường hợp nhiễm virus corona, trong đó có trường hợp thứ 2 lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam.
Theo thông tin ban đầu, ngày 3/2, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Sơn La đã nhận được điện báo của Đồn Biên phòng Mường Lèo về trường hợp của chị G.T.S (SN 1999) tại bản Huổi Luông vừa trở về từ Trung Quốc. Tổ công tác Huổi Luông, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã phối hợp với trạm y tế xã Mường Lèo đến kiểm tra tình hình sức khỏe và phát hiện chị S. sau khi trở về từ Trung Quốc đã bị sốt. Ngoài ra, còn có thêm em gái và con trai của chị S cũng có biểu hiện ho, sốt chưa rõ nguyên nhân.
BV Đa khoa huyện Sốp Cộp đang điều trị, cách ly cho các bệnh nhân. |
Cũng tiếp xúc với chị S., Thiếu úy V.A S, Công an huyện Sốp Cộp cũng có biểu hiện sốt chưa rõ nguyên nhân. Hiện 4 người này đang được điều trị cách ly, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Sốp Cộp.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh corona, UBND xã Mường Lèo đã ra thông báo khẩn, tạm thời bà con bản Huổi Luông không ra khỏi địa bàn trong thời gian 1 tuần, từ ngày 3-10/2, đặc biệt là hộ gia đình chị S., đồng thời hạn chế người địa bàn khác ra vào bản Huổi Luông.
Trong diễn biến phòng chống dịch bệnh do virus nCoV, Điện Biên xác định 3/5 trường hợp nghi nhiễm đã có kết quả âm tính với virus nCoV.
Trong tổng số 5 trường hợp nghi nhiễm virus nCoV được cách ly, điều trị tại tỉnh Điện Biên, 3 người tại huyện Mường Nhé và Nậm Pồ đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Hai trường hợp khác đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên chờ kết quả xét nghiệm.
UBND tỉnh Điện Biên thông tin, hiện tại trên địa bàn chưa ghi nhận trường hợp nào xác định nhiễm virus nCoV. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng thời là địa bàn có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nên tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị thành viên theo 4 cấp độ, xây dựng 3 tình huống cụ thể để phòng dịch. Điện Biên cũng thành lập 13 đội phản ứng nhanh, chuẩn bị sẵn sàng 11 khu cách ly và điều trị tuyến mở rộng, thiết lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô hơn 300 giường bệnh để đảm bảo công tác điều trị khi có tình huống dịch lây lan trong cộng đồng.
Ông Mùa A Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên, Trưởng ban chỉ đạo cho biết, do giáp biên giới với cả Lào và Trung Quốc, ý thức phòng chống dịch trong người dân, đặc biệt là đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế nên tỉnh đã ban hành nhiều công văn, chỉ thị, chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Trước mắt ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, tỉnh sẽ kiểm soát chặt chẽ lượng người di chuyển vào địa bàn thông qua các cửa khẩu, lối mở, cấm các hoạt động nhập cảnh, hạn chế các lễ hội, hoạt động tụ tập đông người; ưu tiên phun độc khử trùng tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như: chợ, bến xe, các bệnh viện, trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng…
"Cho đến nay, các đối tượng có đi lao động nước ngoài về đang được quản lý, kiểm soát được. Chưa có hiện tượng lây nhiễm virus corona. Do vậy, chúng tôi thấy rằng cần phải tiếp tục có biện pháp tăng cường rà soát lại tiếp toàn bộ số nhân dân đi lao động ở Trung Quốc. Và trong thời gian tới không cho thực hiện việc nhân dân xuất cảnh để đi lao động ở nước ngoài, đảm bảo cho công tác phòng chống dịch được tốt", ông Sơn nói.
Tại Đăk Nông, nhằm chủ động phòng tránh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, ngày 4/2, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông ban hành văn bản số 151 về việc thành lập các đội cơ động phản ứng nhanh để phòng chống dịch.
Theo văn bản được ban hành, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông, Trung tâm Y tế thành phố Gia Nghĩa thành lập đội thường trực phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona gồm 3 tổ: Tổ chuyên môn; Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo; Tổ hậu cần. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Nông thành lập 2 đội cơ động và 7 Trung tâm Y tế các huyện thành lập 7 đội cơ động.
Thành phần của mỗi đội cơ động bao gồm: lãnh đạo bệnh viện, bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ truyền nhiễm, cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm và lái xe.
Ông Hà Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đăk Nông cho biết, nhiệm vụ của đội cơ động là thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện, Trung tâm Y tế, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona tại các cơ sở khám bệnh, đồng thời, thực hiện theo lệnh điều động của Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh.
“Chúng tôi đã công bố phác đồ điều trị, phác đồ phòng chống dịch. Sự chuẩn bị và phân bổ các trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch để các cơ sở y tế dự phòng có đủ điều kiện để phòng chống dịch. Cũng thông tin đến người dân là trong quá trình sinh hoạt của mình mà phát hiện những ca bệnh có nghi ngờ thì thông tin cho chính quyền và cơ sở y tế gần nhất để chúng tôi biết và giám sát cũng như có sự tư vấn, nếu nghi ngờ thì có thể cách ly và điều trị kịp thời”, ông Hùng nhấn mạnh./.
Cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh do virus corona của Bộ Y tế. |
Từ khóa: corona, virus corona, viêm phổi cấp, Vũ Hán Trung Quốc, phòng chống virus corona
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN