Các địa phương chủ động ứng phó tình huống khẩn cấp trong bão số 3

Cập nhật: 12/09/2024

VOV.VN - Đến thời điểm này, các địa phương đã chủ động các phương an, sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp trong trường hợp bão số 3 đổ bộ.

"Việc phòng ngừa và các biện pháp cần làm thật kỹ càng"

Cuối giờ chiều 6/9, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 tại TP Hải Phòng.

Kiểm tra công tác phòng chống bão tại tuyến đê biển Cát Hải (Hải Phòng) và Cảng Container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao công tác chủ động và sẵn sàng ứng phó với bão của TP Hải Phòng, đặc biệt là tại khu kinh tế Cát Hải – Đình Vũ.

TP Hải Phòng đã huy động cả hệ thống chính trị, vào cuộc có trách nhiệm và quyết liệt, có kịch bản cụ thể, phân công các uỷ viên ban Ban thường vụ thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác chống bão tại các địa bàn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu TP Hải Phòng duy trì chế độ ứng trực bão, cập nhật thông tin thường xuyên về hướng di chuyển của bão, tuyệt đối không chủ quan. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù TP Hải Phòng đã có kịch bản ứng phó với siêu bão; tuy nhiên, vẫn phải sẵn sàng các tình huống khẩn cấp như mất điện, nước lên, chủ động phương án liên lạc, hiệp đồng giữa các đơn vị để xử lý tình huống xảy ra.

“Việc phòng ngừa và các biện pháp cần làm thật kỹ càng; công việc này cần chuẩn bị càng kỹ càng tốt thì mới có thể đảm bảo giảm thiệt hại”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.

Theo UBND TP Hải Phòng, công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3 đang được các quận huyện trên địa bàn thành phố triển khai tích cực. Hơn 1.700 phương tiện tàu thuyền đã được hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn tại các bến cảng trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Các quận, huyện ven biển như Cát Hải, Đồ Sơn, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã huy động lực lượng chằng chống nhà cửa, kho tàng, đảm bảo an toàn tài sản cho nhân dân.

Đến tối nay (6/9), các địa phương trên địa bàn Hải Phòng đã sơ tán được hơn 3.000 hộ với 9.000 người sống tại các nơi trũng thấp, các nhà chung cư cũ, xuống cấp, khu vực có nguy cơ sạt lở... về nơi tránh trú an toàn. Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng yêu cầu các địa phương tiếp tục chủ động, nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bão.

* Tại Lạng Sơn, UBND tỉnh Sơn đã thành lập 4 đoàn công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế tại các điểm xung yếu và công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 tại các huyện, thành phố.

Kiểm tra công tác phòng chống bão tại khu vực Cầu Hòa Lạc (xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng), khu vực có nguy cao bị ngập úng cao do mưa hoàn lưu bão, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân không chủ quan, “phòng” hơn “chống”; các lực lượng trên địa bàn chủ động phương án hiệp đồng để sẵn sàng trong mọi tình huống.

“Xã phải tuyên truyền trên loa truyền thanh, qua xe thông tin lưu động ở những tuyến đường chính để bà con đề cao cảnh giác. Đối với những ngầm tràn phải đặc biệt lưu ý, những chỗ đông người qua lại phải bố trí người trực. Chỗ nào có nguy cơ cao cần phải cưỡng chế để di dời thì phải yêu cầu bà con di chuyển ngay”, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chỉ đạo.

Huyện Hữu Lũng là địa phương được dự báo có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, sạt lở đất khi bão số 3 ảnh hưởng đến tỉnh Lạng Sơn. Thống kê cho thấy toàn huyện có khoảng 500 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi ngập úng, lũ quét và sạt lở đất.

Bà Dương Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng cho biết: “Đối với những vùng trọng yếu, chúng tôi lên phương án vận động bà con di chuyển người đầu tiên, sau đó đến vật dụng, tài sản để đảm bảo an toàn. Chúng tôi huy động cả dân quân, công an, quân sự, CBCC các xã túc trực 100% quân số. Địa phương cũng lên phương án để các cửa hàng tiện lợi, tiện ích chuẩn bị bố trí lương thực, thực phẩm cho người dân để sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống”.

Dự báo do tác động của bão số 3, từ sáng 7/9 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gió mạnh cấp 5, cấp 6, sau tăng cấp 7, giật cấp 9 kèm theo mưa to đến rất to, phổ biến 150-300mm/đợt, có nơi trên 400 mm gây nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập úng...

* Tại Thanh Hóa, Tỉnh đã thành lập 8 đoàn công tác, chịu trách nhiệm kiểm tra, theo dõi diễn biến bão số 3 và có phương án kịp thời ứng phó. Đến cuối giờ chiều 6/9 toàn bộ tàu thuyền tỉnh Thanh Hóa đã vào nơi tránh trú an toàn. 

Bố trí máy móc ứng trực khắc phục mưa lũ

* Tại Sơn La, các vị trí giao thông xung yếu đã được bố trí máy móc ứng trực khắc phục mưa lũ.

Sáng 6/9, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Sơn La và đoàn kiểm tra của Cục đường bộ Việt Nam đã tổ chức họp nhanh, triển khai nhiệm vụ ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3, đồng thời thống nhất phương án đảm bảo giao thông; rà soát lại một lần nữa các trang thiết bị máy móc hiện có phục vụ cho công tác này.  

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Sở Giao thông, Vận tải tỉnh Sơn La cho biết, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo đơn vị quản lý, bảo trì các tuyến đường rà soát lại các vị trí xung yếu, nhất là những vị trí bị hư hỏng, sạt lở do hoàn lưu bão số 2 và các đợt mưa lớn vừa qua gây ra để bố trí phương tiện, thiết bị sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra.

“Sở đã yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát toàn bộ máy móc, thiết bị, nhân lực, tăng cường bố trí trên tuyến để ứng trực trước thời điểm cơn bão gây ảnh hưởng và rà soát kho vật tư dự phòng. Hiện nay vật tư dự phòng hiện còn trên 3.000 rọ thép, bố trí tại 2 khu vực là Phù Yên, Bắc Yên và khu vực Mộc Châu, Vân Hồ. Đồng thời kiểm tra lại các dầm dàn đảm bảo giao thông để sẵn sàng khắc phục giao thông tạm thời khi có sự cố sạt lở đứt đường, cầu cống trôi, sạt lở đứt đường”, ông Chính nói.

Theo rà soát, trên hệ thống Quốc lộ và đường tỉnh tại Sơn La hiện nay có nhiều vị trí sạt lở đất đá, khi có mưa lớn sẽ xảy ra ách tắc, như khu vực đèo Cao Pha thuộc Quốc lộ 279D từ thành phố Sơn La đi Mường La; km 13, đường tỉnh 112, tại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên; km5, khu vực cầu bản Nhộp, huyện Thuận Châu. Các đơn vị quản lý tuyến đường đã tổ chức ứng trực và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện khi qua những vị trí có nguy cơ sạt lở cao.

Ông Trần Công Thìn, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông I Sơn La cho biết: “Hiện nay trên tất cả các cung đường đều đã có máy móc của Công ty cũng như máy móc huy động của các đơn vị, doanh nghiệp, sẵn sàng tham gia đảm bảo giao thông. Công ty cũng đã chủ động đặt 2 máy xúc và 2 ô tô tại vị trí khu vực dốc Cao Pha. Ngoài ra tại khu vực thành phố Sơn La cũng đã bố trí thêm 2 máy chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi có mưa lũ xảy ra”.

* Tại Yên Bái, Công ty Thủy điện Thác Bà đã quyết định mở thêm cửa xả lũ qua mặt.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, chiều nay 6/9, mực nước hồ Thác Bà đạt cao trình 57.87 m, lưu lượng nước về hồ khoảng 365 m3/giây. Vào hồi 17h, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà bắt đầu mở tăng thêm cửa xả lũ qua đập tràn công trình Thủy điện Thác Bà, với lưu lượng xả 690 m3/giây và duy trì phát tối đa 2 tổ máy với lưu lượng 270 m3/giây. Tổng lưu lượng nước xả và phát qua 2 tổ máy xuống hạ lưu 960 m3/giây. Mực nước hạ lưu sẽ dâng cao thêm so với hiện tại từ 2 - 3 m và đạt cao độ từ 25 - 27m.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái yêu cầu UBND huyện Yên Bình; UBND các xã, Vĩnh Kiên, Yên Bình, Hán Đà, Đại Minh và thị trấnThác Bà thông báo đến các xã, thị trấn, người dân, các chủ đầu tư và đơn vị có công trình đang thi công, các chủ phương tiện vận tải thủy, các bến đò ngang, các hộ dân nuôi trồng thủy sản, các hoạt động sản xuất kinh doanh khai thác khoáng sản trên sông, ven sông biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Thác Bà để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó đảm bảo an toàn cho người và tài sản.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp với Chủ hồ có giải pháp đảm bảo an toàn đối với người dân hiếu kỳ đến gần khu vực xem xả lũ; Rà soát các phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt các khu vực có nguy cơ sạt lở bờ sông, khu dân cư ở bãi sông; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống lũ, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản.

* Theo Cục quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng phó với bão số 2, tính đến chiều 6/9, các tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã sơ tán 37.188 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thuỷ sản, trong các nhà yếu khu vực ven biển, vùng thấp trũng, nguy cơ cao đến nơi an toàn.

Thái Bình là địa phương sơ tán người dân nhiều nhất với hơn 21.000 người, tiếp đến là thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình và Nam Định.

Lực lượng biên phòng tuyến biển đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 51.426 tàu với hơn 220 người biết thông tin bão số 3 để chủ động tránh trú, đến nay, toàn bộ tàu thuyền đã vào nơi tránh trú. Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An và Quảng Bình đã thực hiện lệnh cấm biển trong hôm nay.

Từ khóa: bão số 3, ứng phó bão số 3, phòng chống bão số 3, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thanh Hóa

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nhóm pv/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập