Các đại biểu Quốc hội thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước
Cập nhật: 03/11/2020
Ngành tổ chức xây dựng Đảng TP.HCM cần tham mưu triển khai hiệu quả sắp xếp tổ chức bộ máy
Trung tâm Huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ Bộ Công an nhận HC Chiến công hạng Ba
(VOV5) -Quỹ tiền tệ thế giới dự báo năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN.
Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngày 3/11, tại Hà Nội, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu chính và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 3/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, mục tiêu chính và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021 - 2025. - Nguồn: baochinhphu.vn |
Các đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nhưng nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ nên nền kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn ổn định. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2020 thặng dư gần 17 tỷ USD, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 21 tỷ USD, tổng mức dự trữ ngoại hối đạt gần 100 tỷ USD.
Quỹ tiền tệ thế giới dự báo năm 2020, Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 khu vực ASEAN. Năm 2020, tăng trưởng GDP dự báo ở mức từ 2 đến 3% trong khi nhiều nước trên thế giới tăng trưởng kinh tế âm. Để phục hồi nền kinh tế, ông Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nêu giải pháp: “Tôi đề nghị giải quyết tốt vốn, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo động lực cạnh tranh lành mạnh. Đồng thời hoàn hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, kích cầu phát triển du lịch thời hậu COVID-19. Một số mục tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra, đó là tăng trưởng GDP giai đoạn 2021 - 2025 từ 6 - 6,5%/năm. Tuy mức đặt ra khá cao nhưng hoàn toàn có thể đạt được bởi kinh tế toàn cầu khi đó dần phục hồi.”
Các đại biểu khẳng định có nhiều điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam trong nhiệm kỳ qua. Đó là thủ tục hành chính tiếp tục cải cách mạnh mẽ; Chính phủ kiến tạo được đẩy mạnh, tăng tốc… Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng: “Việt Nam đã lên đường cao tốc hội nhập với thế giới qua hai cuộc hội nhập đỉnh cao: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), góp phần mở rộng không gian thị trường và thúc đẩy cải cách thể chế theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất. Việt Nam đang trở thành điểm đến an toàn cho cộng đồng kinh doanh quốc tế trên hành trình xây dựng các chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn và có trách nhiệm hơn.”
Tham gia phiên thảo luận ngày 3/11, một số thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Cũng trong ngày 3/11, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Quốc hội, kinh tế, xã hội, Quỹ tiền tệ thế giới, nền kinh tế, ASEAN
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5