1) Đại án "Chuyến bay giải cứu": Diễn ra từ ngày 11/7/2023 đến ngày 28/7/2023, phiên xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu" được xem là phiên tòa quy tụ nhiều cựu cán bộ, quan chức. Trong 54 bị cáo, 21 người bị xét xử về tội Nhận hối lộ. Hai cựu Thứ trưởng, hai cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, một cựu Cục trưởng, hai Phó Cục trưởng cùng nhiều cựu Đại sứ và cán bộ phải hầu tòa với tư cách bị cáo.
Thậm chí, cựu điều tra viên trong chính vụ án này là Hoàng Văn Hưng cũng phải hầu tòa. Kết thúc phiên sơ thẩm, bị cáo Hoàng Văn Hưng bị tuyên án Chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Hoàng Văn Hưng đã có đơn kháng cáo.
Trong số 54 bị cáo, có đến 4 người bị tuyên án tù Chung thân. Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 15 tháng tù treo đến 18 năm tù giam.
Bản án sơ thẩm xác định, liên quan đến chính sách đưa công dân về nước trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.
2) Vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biển: Phiên xét xử sơ thẩm vụ án này diễn ra từ ngày 27/6/2023 đến 29/6/2023. Cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Văn Sơn hầu tòa cùng các thuộc cấp gồm: Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó chính ủy), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó tư lệnh), Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Cục trưởng Cục trưởng Kỹ thuật) và Bùi Văn Hòe (cựu Phó phòng Tài chính).
Ở vụ án này, Cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn bị tuyên phạt 16 năm tù về tội tham ô tài sản. Ông Sơn được xác định chỉ đạo cấp dưới "rút ruột" 50 tỷ đồng từ nguồn ngân sách mua sắm vật tư, thiết bị.
Sau khi vụ việc bị phanh phui, các bị cáo đã hoàn tất bồi thường thiệt hại cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (50 tỷ đồng), nhưng vẫn phải chịu những bản án nghiêm khắc. Mức án cho các bị cáo từ 10 năm tù đến 16 năm tù giam.
3) Vụ án xảy ra tại công ty AIC và bệnh viện Đa khoa Đồng Nai: Theo bản án, Chủ tịch AIC - Nguyễn Thị Thanh Nhàn đưa hối lộ cho các quan chức tỉnh Đồng Nai như Trần Đình Thành (14,5 tỷ đồng), Đinh Quốc Thái (14,5 tỷ đồng), Phan Huy Anh Vũ (14,8 tỷ đồng)... để tạo điều kiện, tác động cho AIC trúng các gói thầu tại bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Trong vụ án này, sau khi trúng 16 gói thầu trái quy định của pháp luật, AIC nâng khống giá các gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng.
Cựu Bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành và cựu Chủ tịch tỉnh Đinh Quốc Thái lần lượt nhận các mức án 11 năm tù và 9 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ". Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị xử phạt 16 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 14 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng cộng là 30 năm tù. Tuy nhiên, đến nay bị cáo Nhàn vẫn đang bỏ trốn và bị truy nã quốc tế.
Ở phiên phúc thẩm xét xử tháng 5/2023, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ được xem xét, giảm nhẹ 3 năm tù. Ông Vũ còn phải chấp hành án tổng cộng 16 năm tù về hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thấu gây hậu quả nghiêm trọng".
Đối với bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Phó Tổng giám đốc AIC, HĐXX cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Nga. Cấp sơ thẩm đã tuyên bà Nga 12 năm tù về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
4) Xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vụ "nâng khống giá cây xanh": Tháng 8/2023, HĐXX xác định, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo trái pháp luật đặt hàng cây, cho trồng cây trước, quyết toán sau, giá cây bị nâng khống. Hành vi của các bị cáo gây ra tổng thiệt hại 34,7 tỷ đồng cho Nhà nước.
Trong vụ án này, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị tuyên mức án 18 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tổng hợp với các bản án trước đó là 13 năm 6 tháng tù. Các bị cáo còn lại nhận từ 24 tháng tù treo đến 8 năm tù giam.
HĐXX xác định: "Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, tài chính, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, gây dư luận xấu trong xã hội, đi ngược lại với công cuộc phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta hiện nay. Nên cần phải có mức án tương xứng".
5) Vụ án xảy ra tại đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (giai đoạn 2): Tháng 10/2023, TAND TP Hà Nội đưa ra xét xử 22 bị cáo trong vụ án xảy ra ở đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giai đoạn 2.
HĐXX xác định, các bị cáo đã không tuân thủ nhiều quy định trong quá trình xây dựng, từ chọn vật liệu, thiết kế, thi công... Gây hậu quả là đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn được đưa vào vận hành. Giai đoạn 2 của đường cao tốc này dài 74km, từ địa phận Tam Kỳ đến Quảng Ngãi nhưng không đảm bảo chất lượng.
Trong vụ án này, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) Trần Văn Tám phải nhận 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Cựu Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc VEC - Mai Anh Tuấn bị phạt 42 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm tù treo đến 6 năm tù giam.