Các cuộc gọi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp

Cập nhật: 4 ngày trước

VOV.VN - Việc lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo đang diễn biến ngày càng phức tạp. Nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ khác, đối tượng lừa đảo đã kịch bản hoá đến từng cá nhân.

Theo Cục An toàn thông tin, gần đây, không gian mạng Việt Nam xuất hiện nhiều bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng. Chiêu trò của kẻ lừa đảo cũng ngày càng tinh vi hơn.

Báo động gia tăng các cuộc gọi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Cụ thể, đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng để chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, gọi điện lừa thông báo hoàn tiền cho người mở tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền của họ.

Song song đó, chiêu trò giả mạo hãng hàng không để lừa đảo bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ đã xuất hiện trên không gian mạng.

Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là mạo danh đại lý vé cấp 1 của hãng hàng không. Khi khách làm thủ tục mua vé, sẽ nhận được mã đặt chỗ cùng khuyến cáo thanh toán tiền gấp để không bị hủy. Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc.

Chia sẻ tại hội thảo mới đây về thực trạng và giải pháp ngăn chặn quảng cáo, tin nhắn rác, cuộc gọi rác để lừa đảo, ông Nguyễn Thành Chung, Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, việc lợi dụng mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản diễn ra mạnh mẽ và đã trở thành xu thế lớn hơn nhiều so với các công cụ và phương tiện khác.

“Đặc biệt hơn nữa, các cuộc gọi lừa đảo, các cuộc gọi rác trước đây chỉ tập trung vào người lớn tuổi, cán bộ hưu trí, trẻ em, thì nay cũng hướng vào cả những người đang đi làm và cả các lãnh đạo cấp cao, doanh nhân”, ông Nguyễn Thành Chung nhấn mạnh.

Theo Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, các hình thức lừa đảo hiện nay rất tinh vi, phức tạp. Các đối tượng ngoài sử dụng các phương thức truyền thống như gọi điện thoại, nhắn tin như trước đây thì hiện nay chuyển sang sử dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), giả giọng nói, đặc biệt liên quan đến giả mạo số điện thoại. Người dân bình thường rất khó phân biệt, thậm chí các đối tượng đã kịch bản hóa việc gọi điện thoại đến tận từng cá nhân để lừa đảo. Nhiều người dân chia sẻ cảm giác như bị thôi miên khi nhận các cuộc gọi như vậy.

“Đây là hình thức sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới và cần những đấu tranh quyết liệt hơn nữa. Thiệt hại không chỉ về mặt tài chính mà còn về tinh thần. Xa hơn nữa, tình trạng này gây mất niềm tin của người dân về xã hội, cuộc sống, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và đặc biệt các hoạt động sản xuất kinh doanh chân chính của các tổ chức, cá nhân”, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT nhận định.

Vẫn còn đại lý kích hoạt sẵn SIM rác

Theo ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Thanh tra Cục Viễn thông, đơn vị đã trực tiếp đi khảo sát thị trường SIM tại 2 địa bàn lớn là Hà Nội và TP. HCM, cùng với cả việc mua SIM qua mạng. Kết quả cho thấy, từ khi siết chặt quản lý, tình trạng SIM rác vẫn còn nhưng đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng các đại lý “lách luật” để kích hoạt sẵn SIM.

Cục Viễn thông cũng ghi nhận hiện tượng bán SIM du lịch, SIM data dùng để truy nhập dữ liệu thời gian ngắn. Ở một số nước, loại SIM này không cần đăng ký thông tin thuê bao, nhưng theo quy định hiện hành của Việt Nam, SIM du lịch vẫn cần đăng ký thông tin thuê bao. Tuy nhiên, hiện nay một số doanh nghiệp không thực hiện việc này, vi phạm quy định pháp luật.

Trong năm nay, Cục Viễn thông đã tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 6 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động. Hiện vẫn còn tình trạng nhân viên của doanh nghiệp viễn thông di động “lách”, làm sai quy định do áp lực doanh số, thu nhập…

Trong tháng 6/2024, Bộ TT&TT đã đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới trong vòng 2 tháng của 3 doanh nghiệp là Vietnamobile, Vnsky, Mobicast khi phát hiện vi phạm về SIM rác trong quá trình thanh, kiểm tra.

Cục Viễn thông đã thực hiện xong việc gắn brandname (tên định danh) cuộc gọi của các cơ quan quản lý nhà nước. Cục sẽ tiếp tục triển khai gắn brandname và yêu cầu doanh nghiệp xây dựng tiêu chí nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, chặn cuộc gọi rác…

Xây dựng “sức đề kháng số” cho người dân

Trong bối cảnh vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các hình thức lừa đảo trên không gian mạng liên tục gia tăng không ngừng, Bộ TT&TT đã và đang phối hợp cùng các bộ, ngành khác triển khai quyết liệt nhiều biện pháp. Bên cạnh giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền luôn được xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu để xây dựng “sức đề kháng” cho người dân.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân cần chủ động trang bị các kỹ năng phân biệt giữa thông tin chính xác và lừa đảo.

Để xác minh độ tin cậy của thông tin, người dân cần tra cứu nguồn thông tin đến từ đâu. Nếu không phải nguồn uy tín là các website chính thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì cần cảnh giác vì nguy cơ lừa đảo là rất cao.

Cùng với đó, so sánh thông tin, đối chiếu với các nguồn khác nhau để đánh giá tính chính xác. Nếu thông tin chỉ xuất hiện ở một nơi hoặc không xuất hiện ở trang web chính thức của các cơ quan, tổ chức có uy tín nào thì hãy cẩn trọng.

 “Người dân cũng có thể tìm kiếm phản hồi trên các diễn đàn và mạng xã hội để nhận được thêm thông tin từ những người đã trải qua tình huống tương tự, tuy nhiên cũng cần cảnh giác với các thông tin giả được đưa lên bởi chính các đối tượng lừa đảo nhằm mục đích gây nhiễu hoặc hoang mang cho người dân”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu ý kiến.

Chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị, người dân có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua một số chi tiết như các đối tượng đưa ra các mốc thời gian gần để gây áp lực cho người nhận thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, các lời hứa quá hời hoặc cơ hội quá tốt một cách bất thường, khó tin.

Từ khóa: lừa đảo, lừa đảo, lừa đảo trực tuyến, cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi rác, bộ tttt

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: vân anh/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập