VOV.VN - Kinh tế khó khăn, sức mua yếu, các chợ truyền thống vắng như "chùa Bà Đanh", tiểu thương Đà Nẵng ngồi nhìn vốn chôn theo hàng hóa, nhiều người đóng ki ốt, bỏ chợ.
Kinh tế khó khăn, sức mua giảm mạnh khiến tiểu thương các chợ truyền thống tại Đà Nẵng rơi vào cảnh buôn bán ế ẩm nhiều tháng nay. Ghi nhận của PV VTC News trong ngày 17/12, tại các chợ như Bắc Mỹ An, Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà) và một số chợ tại Thanh Khê, Liên Chiểu, các quầy hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm... gần như không có khách.
Tại chợ An Hải Bắc, dù là sáng chủ nhật, lại vào "cao điểm" mua sắm cuối năm nhưng cả tầng 2 của chợ không một bóng khách. Theo các tiểu thương, tình trạng buôn bán ế ẩm kéo dài cả năm nay nên nhiều người trụ không được, phải đóng cửa ki ốt. Những người cố cầm cự thì cũng ngày này qua tháng nọ lặp đi lặp lại "điệp khúc" sáng dọn hàng ra, tối thu hàng về chứ không bán được.
Chủ ki ốt quần áo Kim Thảo tại tầng 2 chợ An Hải Đông cho biết, chị buôn bán tại chợ đã 10 năm nhưng chưa bao giờ lâm cảnh bi đát như năm nay. "Dịp cao điểm mua sắm mùa Noel, Tết Dương lịch nhưng khu vực tầng 2 của chợ không một bóng khách. Đã hơn 10 ngày nay tôi cứ sáng dọn hàng hóa ra rồi tối dọn vào mà không bán được dù chỉ là một cái áo, cái quần. Mình lớn tuổi rồi, giờ đóng ki ốt thì cũng không biết làm nghề gì kiếm sống. Cố bám trụ bán hết hàng rồi tình tiếp nhưng chưa biết bao giờ mới bán được", chủ quầy hàng than thở.
Chợ không một bóng khách, nhiều tiểu thương chấp nhận đóng cửa ki ốt, những người cố gắng duy trì thì cũng chỉ ngồi chuyện phiếm giết thời gian.
Tại chợ Bắc Mỹ An cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi lượng khách mua sắm rất thưa thớt. Hầu như các quầy bán hàng quần áo, giày dép, túi xách... không có người xem, mua hàng. Ghi nhận của PV, trong khoảng thời gian 9-10h ngày 17/12, chỉ lác đác vài khách hàng dạo xem hàng rồi đi chứ không ai mua.
Bà Hồ Thị Thọ, tiểu thương quầy hàng mỹ phẩm tại chợ Bắc Mỹ An cho biết, hiện nhiều tiểu thương cầm cự không nổi, muốn sang nhượng lại ki ốt nhưng cũng không có người hỏi nên đành đóng cửa, bỏ chợ. "Buôn bán không được nên cũng chẳng ai dại gì nhận sang nhượng ki ốt. Không còn cách nào, nhiều tiểu thương chấp nhận bỏ chợ vì nợ nần tiền hàng, tiền thuế. Như tôi đây cũng đang nợ tiền thuê mặt bằng cả năm vì có bán được đâu mà thanh toán. Khó khăn đủ đường. Hàng để lâu thì hết hạn nhưng nhập hàng mới về lại ôm thêm nợ vì vốn liếng chôn theo hàng", bà Thọ cho biết.
Cũng theo các tiểu thương, không chỉ kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, hiện tiểu thương còn phải cạnh tranh với những người bán hàng online qua các trang mạng xã hội. "Buôn bán truyền thống ở các chợ chịu đủ loại thuế nên giá cả không thể cạnh tranh nổi với những người buôn bán online. Nếu bỏ ra 400 - 500 nghìn đồng đến chợ mua được 1 bộ quần áo thì cũng số tiền này, mua qua mạng xã hội, người dân có thể mua được 2 bộ, thậm chí 3 bộ nên chúng tôi cạnh tranh không nổi", chủ quầy hàng tại chợ Bắc Mỹ An cho biết.
Buôn bán ế ẩm, một số ki ốt nằm vị trí mặt tiền chợ Bắc Mỹ An chấp nhận đóng cửa dù bây giờ đang là dịp cao điểm mua sắm của năm.
Nhiều quầy hàng bỏ không cả năm nay, trong khi những tiểu thương cố gắng bám chợ với nỗi lo nợ nần, ngồi nhìn vốn chôn theo hàng hóa.
Từ khóa: chợ, chợ vắng như chùa bà đanh, chợ,tiểu thương, đà nẵng, nhiều tiểu thương ở chợ gặp khó khăn