Các chính sách kinh tế quan trọng bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7
Cập nhật: 01/07/2024
VOV.VN - Từ tháng 7/2024, một số luật mới đã được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước sẽ chính thức có hiệu lực, như: Luật Các tổ chức tín dụng 2024; Luật Giao dịch điện tử 2023; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023; Luật Giá 2023... Từ đó, nhiều chính sách mới được áp dụng đối với các hoạt động kinh tế trong nước.
Sửa quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản; Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán; Mỗi điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày; Công khai người bán hàng online vi phạm quyền lợi người tiêu dùng; Giảm thuế giá trị gia tăng… là những chính sách nổi bật liên quan lĩnh vực kinh tế sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7 này.
Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; trong đó quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như nêu rõ các trường hợp bị phong tỏa tài khoản thanh toán.
Theo Nghị định số 52/2024/NĐ-CP, tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
1- Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
2- Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
3- Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
4- Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung. Nghị định số 52/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7.
Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Nghị định quy định rõ các yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông.
Trong đó, hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông bao gồm khai thác cát sỏi lòng, bãi sông phải tuân thủ quy định pháp luật về khoáng sản, các pháp luật khác có liên quan, đáp ứng các yêu cầu chung về bảo vệ, phòng, chống sạt lở lòng, bờ, bãi sông, hồ và các yêu cầu sau:
Ranh giới khu vực khai thác phải cách mép bờ một khoảng cách an toàn tối thiểu phù hợp với chiều rộng tự nhiên của lòng sông, đặc điểm địa hình, địa chất, mức độ ổn định của bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định.
Độ dốc đáy của tuyến khai thác tương đương độ dốc tự nhiên của đáy đoạn sông khai thác và đảm bảo không làm thay đổi đột ngột độ dốc của toàn tuyến sông; độ sâu khai thác phải phù hợp với đặc điểm địa hình, địa chất của đoạn sông, bảo đảm không được hình thành các hố xoáy hoặc gia tăng nguy cơ gây mất ổn định bờ sông do cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo thẩm quyền quyết định...
Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 07/2024/TT-NHNN ngày 21/6/2024 quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Trong đó quy định mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.
Theo Thông tư quy định, bên giao đại lý được giao cho bên đại lý thực hiện một hoặc một số nghiệp vụ sau:
Nhận hồ sơ mở tài khoản thanh toán, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán.
Nhận hồ sơ phát hành thẻ ngân hàng, kiểm tra, xác minh thông tin nhận biết khách hàng để gửi cho bên giao đại lý và hướng dẫn khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng.
Tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng, lập, ký, kiểm soát, xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng, chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, nhận tiền mặt từ khách hàng hoặc trả tiền mặt cho khách hàng nhằm thực hiện các giao dịch:
Nộp/rút tiền mặt vào/từ tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại bên giao đại lý;
Nộp/rút tiền mặt vào/từ thẻ ghi nợ, thẻ trả trước định danh của khách hàng do bên giao đại lý phát hành;
Nộp tiền mặt để thanh toán dư nợ thẻ tín dụng của khách hàng do bên giao đại lý phát hành;
Thực hiện dịch vụ thanh toán lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ.
Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được yêu cầu cung cấp dịch vụ thanh toán của khách hàng thì bên đại lý xử lý chứng từ giao dịch của khách hàng và thực hiện chuyển thông tin giao dịch của khách hàng cho bên giao đại lý, trừ trường hợp xảy ra sự cố hệ thống thông tin và/hoặc các điều kiện bất khả kháng khác không thể thực hiện được giao dịch của khách hàng.
Bên giao đại lý phải có các biện pháp quản lý số dư, hạn mức giao dịch của bên đại lý là tổ chức khác, gồm: Hạn mức giao dịch (bao gồm giao dịch nộp và rút tiền mặt) đối với khách hàng cá nhân, tối đa là 20 triệu đồng/khách hàng/ngày.
Bên đại lý chỉ được thực hiện giao dịch cho khách hàng trong phạm vi số dư tài khoản thanh toán để thực hiện các nghiệp vụ được giao đại lý của bên đại lý mở tại bên giao đại lý theo quy định và mỗi một điểm đại lý thanh toán được giao dịch không quá 200 triệu đồng/ngày và tối đa 05 tỷ đồng/tháng.
Hạn mức giao dịch của bên đại lý là ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo thỏa thuận giữa bên giao đại lý và bên đại lý.
Thông tư có hiệu lực từ 1/7/2024.
Điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực điện tử vừa được quy định rõ tại Nghị định số 69/2024/NĐ-CP ngày 25/6/2024 của Chính phủ.
Nghị định quy định tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải đảm bảo điều kiện về tổ chức, doanh nghiệp; nhân sự; cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, quy trình quản lý cung cấp dịch vụ và phương án bảo đảm an ninh, trật tự.
Tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xác thực điện tử phải là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp trong Công an nhân dân; người đứng đầu tổ chức, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam… Nghị định số 69/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Chính phủ ban hành Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng.
Nghị định 72/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.
Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024.Cụ thể, theo khoản 1 Điều 24 Nghị định 55, nếu người bán hàng online có hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì sẽ bị công bố công khai trên báo, đài, niêm yết tại trụ sở và đăng tải trên cổng thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong số đó, nội dung công khai sẽ gồm tên, địa chỉ của người bán có hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hành vi, địa bàn vi phạm; quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Việc công khai thông tin này được thực hiện trong 30 ngày kể từ ngày công bố. Hết thời hạn này, thông tin có thể sẽ được cơ quan có thẩm quyền công khai thực hiện việc dừng hoặc bị gỡ bỏ.
Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BTC ngày 16/5/2024 quy định công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kinh phí bảo đảm cho công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường.
Theo Thông tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, địa phương thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; báo cáo tổng hợp phục vụ họp Ban chỉ đạo điều hành giá trình Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; báo cáo giá thị trường tổng hợp của các địa phương trên cả nước định kỳ gửi các bộ, các sở tài chính, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan khác có liên quan để cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát của các cơ quan có thẩm quyền tại trung ương và địa phương.
Các bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; định kỳ, đột xuất gửi báo cáo cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá;
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường thuộc địa bàn quản lý trình trực tiếp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có yêu cầu; gửi báo cáo cho Bộ Tài chính theo quy định tại Thông tư này để tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phục vụ họp Ban Chỉ đạo điều hành giá khi có yêu cầu.
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện tổng hợp, phân tích dự báo giá thị trường và xây dựng báo cáo giá thị trường gửi Bộ Tài chính theo kỳ báo cáo quy định tại Thông tư này; báo cáo giá thị trường trình Ủy ban nhân dân tỉnh khi có yêu cầu.
Thông tư nêu rõ, kinh phí bảo đảm thực hiện công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Các nội dung chi gồm chi khoán công tác phí cho cán bộ được phân công nhiệm vụ thu thập giá thị trường trực tiếp; chi công tác phí cho các đoàn công tác khảo sát, điều tra, thu thập thông tin giá thị trường; chi văn phòng phẩm, nước uống, biên soạn và in ấn tài liệu cho các cuộc họp phục vụ xây dựng báo cáo giá thị trường.
Mức chi được thực hiện theo chế độ quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và một số mức chi được áp dụng thực hiện như sau:
Cán bộ được phân công nhiệm vụ thu thập giá thị trường trực tiếp được hưởng tiền công tác phí khoán theo tháng theo quy định tại Điều 8 của Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị;
Công tác phí cho các đoàn công tác khảo sát, điều tra, thu thập thông tin giá thị trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Mức chi văn phòng phẩm, nước uống, biên soạn và in ấn tài liệu cho các cuộc họp thực hiện thanh toán theo thực tế hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư 18/2024/TT-BGTVT ngày 31/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Điểm đáng chú ý nhất tại Thông tư 18/2024/TT-BGTVT là quy định về quản lý tuyến.
Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 05/2023/TT- BGTVT): Định kỳ trước ngày 31/3 hàng năm, Sở Giao thông Vận tải thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo bằng văn bản đến Cục Đường bộ Việt Nam để tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải công bố.
Định kỳ trước ngày 30/4 hàng năm, Cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổng hợp, rà soát, điều chỉnh và tham mưu trình Bộ Giao thông vận tải công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh; Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tham mưu, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh.
Nội dung trên được Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi tại Thông tư 18/2024/TT-BGTVT như sau: Sở Giao thông Vận tải sử dụng phần mềm của Bộ Giao thông Vận tải để: thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; thống nhất với Sở Giao thông Vận tải đầu tuyến bên kia để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh và báo cáo về Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp, công bố.
Định kỳ trước ngày 30/4 hàng năm, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định nội tỉnh; Cục Đường bộ Việt Nam công bố danh mục mạng lưới tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh.
Thông tư 18/2024/TT-BGTVT cũng quy định, Sở Giao thông Vận tải (đối với tuyến nội tỉnh), Sở Giao thông Vận tải hai đầu tuyến (đối với tuyến liên tỉnh) công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở các thông tin chi tiết của từng tuyến gồm: bến xe nơi đi, bến xe nơi đến, hành trình; tổng số chuyến xe và giờ xuất bến của từng chuyến xe đã có đơn vị tham gia khai thác và thời gian giãn cách tối thiểu giữa các chuyến xe liền kề; công suất bến xe hai đầu tuyến.
Thông tư 18/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 15/7/2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 04/2024/TT-NHNN ngày 31/5/2024 hướng dẫn hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương giữa Việt Nam-Lào.
Thông tư này quy định các nội dung liên quan đến quản lý ngoại hối đối với các hoạt động thanh toán, chuyển tiền trong hoạt động mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ giữa hai nước Việt Nam-Lào; các hoạt động ngoại hối khác phục vụ hoạt động thanh toán, chuyển tiền song phương Việt Nam-Lào.
Việc sử dụng tài khoản ngoại tệ (không bao gồm tài khoản đồng kíp Lào - LAK), tài khoản đồng Việt Nam (VND) của người không cư trú là tổ chức, cá nhân Lào và người cư trú là cá nhân Lào mở tại các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối tại Việt Nam (ngân hàng được phép) được thực hiện theo các quy định của pháp luật về sử dụng tài khoản ngoại tệ, tài khoản đồng Việt Nam của người cư trú, người không cư trú tại ngân hàng được phép.
Việc mang VND tiền mặt, LAK tiền mặt và các ngoại tệ khác bằng tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh thực hiện theo quy định của pháp luật về mang ngoại tệ tiền mặt, VND tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh.
Hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho hoạt động đầu tư, vay nợ song phương giữa Việt Nam-Lào được thực hiện theo quy định về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, hoạt động vay, trả nợ nước ngoài và hoạt động cho vay, thu hồi nợ nước ngoài.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ 15/7/2024.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2024/TT-NHNN ngày 16/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2023 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Thông tư 03/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Điều 23 về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua theo giá trị thị trường:
Các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này.
Được Công ty Quản lý tài sản đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ.
Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại hoặc khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.
Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường thì trái phiếu đặc biệt tương ứng với khoản nợ xấu đó còn phải đáp ứng điều kiện chưa đến hạn thanh toán và đang không bị phong tỏa tại Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 26 về thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường. Theo đó, căn cứ Phương án mua nợ theo giá trị thị trường đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, năng lực tài chính, hiệu quả kinh tế và điều kiện thị trường, Công ty Quản lý tài sản quyết định và chịu trách nhiệm về việc mua khoản nợ xấu theo giá trị thị trường.
Công ty Quản lý tài sản chỉ được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm khoản nợ xấu đang hạch toán trong bảng cân đối kế toán theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, khoản nợ xấu đã sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nhưng chưa thu hồi được nợ và đang theo dõi ngoài bảng cân đối kế toán theo giá trị thị trường sau khi đã thực hiện các công việc sau đây:
Đánh giá khoản nợ xấu đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Xác định giá trị thị trường của khoản nợ xấu, kể cả tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đó. Công ty Quản lý tài sản phải định giá hoặc thuê doanh nghiệp thẩm định giá xác định giá trị khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Đánh giá hiệu quả kinh tế, rủi ro và khả năng thu hồi vốn mua khoản nợ xấu.
Phân tích, đánh giá thực trạng và triển vọng khoản nợ xấu, khách hàng vay, bên bảo đảm, bên có nghĩa vụ trả nợ và các điều kiện thỏa thuận mua nợ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán nợ.
Dự kiến các biện pháp khả thi xử lý nợ, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Việc mua bán khoản nợ xấu theo giá trị thị trường phải được lập thành hợp đồng bằng văn bản phù hợp với quy định tại Thông tư này, các quy định khác có liên quan. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, hợp đồng mua bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt chấm dứt kể từ thời điểm hợp đồng mua bán nợ theo giá trị thị trường có hiệu lực. Công ty Quản lý tài sản được thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu sau khi trừ giá mua và chi phí xử lý.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản. Trường hợp chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường, Công ty Quản lý tài sản thực hiện chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu gốc liên quan đến số tiền thu hồi nợ, khoản vốn góp, vốn cổ phần tại khách hàng vay cho tổ chức tín dụng Việt Nam.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024.
Từ khóa: chính sách kinh tế, chính sách kinh tế, luật hiệu lực từ tháng 7, Luật Các tổ chức tín dụng, luật Giao dịch điện tử 2023, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật giá
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: pv/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN