Các bộ, ngành đóng góp ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Hà Nội
Cập nhật: 23/06/2020
Hà Nội sẽ tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được hoàn chỉnh với chất lượng cao hơn.
Chủ trì hội nghị có các ông, bà: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Tổ trưởng Tổ Thư ký - Giúp việc Ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Dự hội nghị còn có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu;cùnghơn 40 đại biểu lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, các viện nghiên cứu trung ương.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố được xây dựng trên cơ sở 8 đề tài nghiên cứu thuộc Chương trình số 20-CTr/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về Chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm thành phố Hà Nội “Những luận cứ khoa học để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố (2015-2020), định hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa ra lấy ý kiến tại hội nghị là dự thảo lần 2, phiên bản thứ tám và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua. Về lộ trình theo kế hoạch, Dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tại Hội nghị lần thứ hai mươi tư diễn ra vào tháng 7 tới. Vào tháng 9, Thành ủy sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị để trình Đại hội vào cuối tháng 10/2020.
Về tình hình và số liệu, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị sử dụng số liệu đến hết năm 2019 là con số thực. Số liệu năm 2020 đều là dự tính hoặc do Tổng cục Thống kê công bố nhưng chưa được đánh giá lại. Đến tháng 9-2020, trước khi trình Bộ Chính trị, khi thành phố đã có số liệu quý III, Tiểu ban Văn kiện sẽ cập nhật số liệu năm 2020.
Tiếp theo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã trình bày đề dẫn, nêu rõ những vấn đề, nội dung chủ yếu xin ý kiến các đại biểu như chủ đề, phương châm Đại hội; đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, các bài học kinh nghiệm; phương hướng, mục tiêu, các nhóm chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia
Là người đầu tiên phát biểu góp ý, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá cao bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Báo cáo chính trị, các nhiệm vụ chủ yếu và các khâu đột phá.
Đi vào nội dung cụ thể, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng, Dự thảo cần làm rõ thêm yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với có kế hoạch thực hiện quy hoạch, chương trình phát triển đô thị làm căn cứ tăng cường quản lý đô thị; nên bổ sung thêm các chỉ tiêu về phát triển nhà ở. Hà Nội phát triển nhà ở thương mại rất hiệu quả, nhưng cần đánh giá kỹ hơn về kết quả phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; đồng thời nên có giải pháp về phát triển thị trường bất động sản bảo đảm công khai, minh bạch...
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị thành phố Hà Nội đánh giá sâu sắc hơn kết quả lĩnh vực tài chính, ngân sách. Hà Nội là một trong những địa phương hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu tài chính ngân sách đặt ra; điều hành ngân sách hợp lý, an toàn; là địa phương đóng góp cao nhất cho sự ổn định về tài chính, ngân sách quốc gia trong 5 năm qua.
Về các nội dung định hướng nhiệm kỳ 2020-2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính đề nghị thành phố đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị đã được chuẩn bị nghiêm túc, trí tuệ, kết cấu chặt chẽ; nội dung có hàm lượng thông tin cao, đánh giá khá toàn diện kết quả thực hiện, thể hiện tầm quan trọng, vai trò lãnh đạo của Đảng, Thành ủy Hà Nội đối với kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ qua. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 đã thể hiện được khát vọng phát triển rất cao của thành phố.
Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đều đánh giá cao chất lượng dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho rằng, dự thảo có kết cấu truyền thống hai phần, nhưng cách viết rất mới; nội dung lập luận chặt chẽ, văn phong chính luận sáng rõ.
Dự thảo đã thể hiện trí tuệ và bản sắc Thủ đô
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đề nghị đánh giá kỹ hơn về kết quả công tác đối ngoại của thành phố. Theo đó, Hà Nội đã đi đầu về đối ngoại, là bức tranh thu nhỏ thành công đối ngoại của cả nước, có nhiều cách làm sáng tạo, thực chất. Hà Nội có 5 cái nhất về đối ngoại so với các tỉnh, thành phố khác, đó là: Nơi có nhiều hiệp định ngoại giao nhất; nhiều danh hiệu của UNESCO nhất; có nhiều thành phố kết nghĩa nhất; thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất và diễn ra giao lưu văn hóa đối ngoại nhiều nhất.
“Thời gian tới, Hà Nội nên mạnh dạn xác định mục tiêu trở thành thành phố mang tính toàn cầu về đối ngoại; đặt đối ngoại ở vị trí cao hơn, coi là động lực phát triển, trên cơ sở đó xây dựng chiến lược phát triển đối ngoại, xây dựng nền ngoại giao vì người dân và doanh nghiệp”, đồng chí Nguyễn Minh Vũ khẳng định.
Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, nhiệm kỳ 2015-2020, Hà Nội đã đoàn kết, gương mẫu, đi đầu trong quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương; tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hà Nội đã bảo đảm hài hòa, gắn kết giữa phát triển để ổn định và ổn định để phát triển.
Trong khi đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đề nghị thành phố Hà Nội chú ý các giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn trong dự thảo Báo cáo chính trị, nhất là cần đặt mục tiêu xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp còn tồn đọng.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19, sự ổn định, vững vàng, mức độ chống chịu của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tốt hơn các địa phương khác. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của Hà Nội từ đầu năm 2020 đến nay vẫn đạt 3%, cao hơn bình quân cả nước và cả thành phố Hồ Chí Minh; chứng tỏ doanh nghiệp Hà Nội vẫn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Đây là một thành tựu lớn của thành phố.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên đề nghị Hà Nội quan tâm phát triển quỹ đất vùng bãi sông Hồng theo hướng phát triển kinh tế đô thị hiện đại như sông Hàn của thành phố Seoul (Hàn Quốc).
Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hoàng Thị Ái Nhiên đề nghị trong giải pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, cần làm rõ hơn nhiệm vụ cụ thể của từng tổ chức để thuận lợi trong triển khai thực hiện thời gian tới.
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi đánh giá, dự thảo Báo cáo chính trị là văn bản chất lượng, thể hiện trí tuệ và bản sắc của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến. Cơ bản nhất trí về chủ đề đại hội, đánh giá cao việc đưa từ “gương mẫu” vào thành tố thứ nhất, đồng chí Lê Văn Lợi đề nghị bổ sung thêm yếu tố “đổi mới, sáng tạo” vào chủ đề, vì toàn thể dự thảo Báo cáo chính trị đều toát lên yếu tố này.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Chu Hoàng Hà cho rằng, trong mục tiêu phát triển, bên cạnh phát triển nền kinh tế số, Hà Nội nên đưa vào thêm thành tố “nền kinh tế tuần hoàn” để bảo đảm vừa tăng trưởng nhanh, vừa bảo vệ môi trường.
Dự thảo sẽ được hoàn chỉnh với chất lượng cao hơn
Phát biểu tiếp thu và kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trân trọng cảm ơn các đại biểu đã quan tâm, dành thời gian đến dự hội nghị, đóng góp ý kiến trực tiếp và bằng văn bản vào dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Các ý kiến không chỉ đề cập những vấn đề chung mà còn phân tích, kiến giải rất sâu sắc, xác đáng từng vấn đề, lĩnh vực cụ thể.
“Từng ý kiến góp ý đã thể hiện tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm cá nhân và của các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị với Thủ đô”, ông Vương Đình Huệ nêu rõ.
Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội khẳng định, tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ; chắc chắn trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo chính trị sẽ được hoàn chỉnh một bước với chất lượng cao hơn./.
Từ khóa: Hà Nội, Dự thảo văn kiện đại hội đảng, Vương Đình Huệ, Báo cáo chính trị
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN