Cà Mau: Hết thời dùng xiệt điện bắt cá, tôm
Cập nhật: 04/11/2024
Phát hiện lô hàng rượu, bia nhập lậu trị giá lớn ở Bắc Ninh
Du lịch Việt Nam 2024: Bước chạy đà hứa hẹn sự bùng nổ (26/12/2024)
VOV.VN - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tăng cường công tác chống khai thác tận diệt nguồn lợi thủy hải sản. Bên cạnh việc tăng cường xử lý, cũng có những mô hình hay góp phần giảm thiểu tình trạng khai thác sát hại nguồn lợi.
Gia đình ông Hữu Nghị (ở ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) sống dựa vào việc đi xiệt (kích) cá ngoài kênh mương để bán. Vừa qua, ông Hữu Nghị đã mang bộ xiệt điện lại Công an địa phương giao nộp. Cơ quan chức năng địa phương đã bắt, xử phạt nhiều vụ đánh bắt cá đồng bằng xiệt. Phần ông Hữu Nghị sợ “hành nghề” mang họa vào thân, phần mang nộp được hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cũng đỡ khổ.
"Trước đây cũng không hiểu biết, để mưu sinh hằng ngày cũng đi xiệt cá bán. Lớp nào lo cho con ăn học, rồi lo cuộc sống gia đình nữa. Được tuyên truyền thì mới mang xiệt đi nộp, cũng biết đến sự cố tai nạn điện khi xiệt, cũng được nhà nước hỗ trợ ngược lại phần quà, cũng có ý nghĩa. Giờ ở khu vực tôi ở, ai có xiệt cũng mang nộp hết rồi", ôn Nghị nói.
Diện tích đất sản xuất của xã Tân Lộc chủ yếu nằm trong vùng ngọt, trồng lúa của tỉnh Cà Mau. Vùng này từng rất phong phú các nguồn lợi cá đồng. Tuy nhiên, cũng vì một bộ phận người dân đánh bắt tận diệt bằng xiệt điện mà suy giảm nghiêm trọng. Một khó khăn rất cơ bản của cơ quan chức năng trong việc xử lý và “nói không với xiệt điện trong khai thác” là những người xiệt cá, kiếm thu nhập chủ yếu ở hộ nghèo, khó khăn.
Để giải quyết vấn đề, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, xử lý các hành vi xiệt cá tận diệt để răn đe, xã Tân Lộc đã vận động xã hội hóa các phần quà gồm: gạo, mì tôm, dầu ăn,… khuyến khích người dân mang xiệt giao nộp, kết quả mang lại rất tích cực.
Bà Ngô Thị Phương (Chi hội phụ nữ ấp 7, xã Tân Lộc) người thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền nêu rõ: "Ý thức của người dân khi được vận động cũng tốt. Khi họ biết pháp luật cấm thì bà con cũng nghe, mang nộp để không đi xiệt bị bắt, rồi bị phạt. Họ mang lại nộp cho công an xã chứ không chống đối gì. Bà con cũng than hoàn cảnh khó khăn nhưng khi cấm thì họ vẫn mang nộp".
Sau gần hai tháng phát động phong trào đổi nhu yếu phẩm lấy xiệt điện, xã Tân Lộc đã thu được gần 60 bộ xiệt. UBND xã Tân Lộc cũng đã yêu cầu các ấp, phối hợp các hội, đoàn thể cũng như các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn rà soát những trường hợp phù hợp, để giúp gia đình người nộp xiệt tiếp cận nguồn vốn vay nhằm chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Toàn, chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết: "Qua thực hiện tháng cao điểm, chúng tôi thấy mang lại hiệu quả rất là cao. Thứ nhất, người dân nghiêm túc chấp hành chỉ đạo từ tỉnh, mang xung điện giao nộp và họ nhận lại được nhu yếu phẩm. Sau tháng phát động đó, đến nay trên địa bàn xã không còn ghi nhận tình trạng người dân dùng xiệt điện để đánh bắt cá đồng ở ruộng, và thủy sản ở kênh thủy lợi. Qua đó, chúng tôi thấy rằng, điều này có tác động rất tích cực, giúp tái tạo nguồn lợi cá đồng".
Những mô hình đơn giản như đổi nhu yếu phẩm lấy xiệt ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình cùng với việc tăng cường tuyên truyền, xử lý việc đánh bắt tận diệt thủy sản đã góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Theo Sở NN-PTNT Cà Mau, đầu năm đến nay, người dân đã tự nguyện giao nộp trên 1.800 bộ xiệt điện; bên cạnh đó, cũng có hơn 500 vụ dùng xiệt điện khai thác nguồn lợi thủy sản bị xử lý.
Từ khóa: xiệt điện , cà mau, bắt cá tôm, xiệt điện, dùng xiệt điện bắt cá,xiệt cá tôm,nguồn lợi thủy hải sản,khai thác thủy hải sản
Thể loại: Xã hội
Tác giả: trần hiếu/vov-đbscl
Nguồn tin: VOVVN