Từ ngày 11/10-3/11, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản), sẽ tổ chức chuỗi Triển lãm – Workshop – Biểu diễn Butoh mang tên “Butoh – Nghệ thuật hình thể từ Nhật Bản vươn ra Thế giới” tại Hà Nội & TPHCM, với mục tiêu quảng bá vẻ đẹp của Butoh – loại hình nghệ thuật hình thể độc đáo của Nhật Bản – đến với khán giả Việt Nam, nối dài dự án Butoh Months đã thực hiện trực tuyến từ năm 2021.
Mở đầu sự kiện là màn trình diễn Butoh của nghệ sĩ Matsuoka Dai tối 11/10 tại Hà Nội.
Matsuoka Dai đã biểu diễn cùng nhóm Sankai Juku từ năm 2005 và xuất hiện trong một số tác phẩm nổi tiếng như “Kinkan Shonen”, “Tobari”, “Unetsu”, “ARC” và “TOTEM”. Anh là người điều hành BUTOH CHOREO LAB – nền tảng trực tuyến trình chiếu các video giảng dạy của những nghệ sỹ Butoh danh giá.
Bên cạnh đó, anh còn là giám đốc của lễ hội LAND FES, HLV chính quy của Life Kinetik®, giám tuyển của “Tokyo Real Underground” 2021, và từng hợp tác với các nghệ sĩ thế giới như Phantom Limb Company (New York) hay Paola Prestini (New York).
Butoh là một loại hình nghệ thuật hình thể bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1959. Bằng những hình ảnh mới lạ cùng thuật hùng biện độc đáo khác xa với những mô phạm của múa phương Tây, Butoh đã thu hút sự chú ý của nhiều trí thức và nghệ sĩ đương thời, cùng với đó, nhiều nhóm Butoh đã được thành lập, hình thành nên một phong trào Butoh vô cùng nhiệt huyết và sôi nổi.
Từ đó đến nay, các nghệ sĩ Butoh vẫn luôn tích cực quảng bá vẻ đẹp của Butoh đến khắp mọi nơi trên thế giới.
Múa đương đại Butoh gồm các động tác chuyển động lấy cảm hứng từ nghệ thuật Ankoku-Butoh (vũ đạo của bóng tối) rút ra từ tuồng Noh và Kabuki. Nghệ thuật múa Butoh khám phá chuyển động của cơ thể dựa trên những nguyên tắc của chủ nghĩa siêu thực.
“Tẩy trắng, cạo râu, khỏa thân, lập dị và chuyển động cực chậm” là phong cách thị giác hết sức đặc trưng của Butoh.
Những tượng người di động là điều gây ấn tượng bậc nhất đến khán giả. Không quần áo hay lớp trang điểm màu mè, những vũ công Butoh chỉ phủ khắp mình với lớp sơn trắng (hay vàng), những trang phục cũng được tiết chế rất nhiều, không có sự tổng hòa của nhiều sắc màu, chỉ là những đơn màu với nhiều sắc thái xuất hiện dưới ánh đèn.
Đặc biệt màu sơn được sử dụng trong các buổi biểu diễn Butoh được cho là bắt nguồn và cùng chất liệu với loại sơn gofun (nguyên liệu chính là vỏ sò tán mịn) được sử dụng trong nghệ thuật sân khấu truyền thống Kabuki.
Không có quá nhiều điều để nói về ánh sáng, âm nhạc hay sân khấu của Butoh. Nó khá đơn giản và gần như không được chú trọng bởi điểm cốt yếu vẫn là vũ công và những ý niệm truyền đạt qua những điệu vũ.
Ánh sáng thường không tràn ngập suốt buổi diễn, Butoh vẫn ưu tiên nhiều hơn cho bóng tối.
Âm nhạc cũng tương tự, tuy xuất hiện liên tục trong cả buổi trình diễn nhưng lại thường là những âm thanh khá ma mị, kích thích cao có tác động thúc đẩy, khơi gợi sự liên tưởng không gian.
Sân khấu rộng thoáng, tinh giản, gần như trống rỗng và tiết kiệm trong sắp đặt đến tối đa.
Triển lãm “Butoh – Nghệ thuật hình thể từ Nhật Bản vươn ra Thế giới” kéo dài 3 tuần (11/10 – 3/11) tại khuôn viên của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Triển lãm được giám tuyển bởi nghệ sỹ Butoh Matsuoka Dai và nhà phê bình múa Kuremiya Yurika, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức hoạt động về múa và Butoh tại Nhật Bản.
“Butoh – Nghệ thuật hình thể từ Nhật Bản vươn ra Thế giới” sẽ tóm lược lại về sự ra đời, sự quảng bá của Butoh từ Nhật Bản ra nước ngoài, cũng như Butoh trong thời đại ngày nay.
Từ khóa: Butoh, Nghệ thuật ,khám phá, chuyển động cơ thể , Nhật Bản,múa đương đại,múa butoh, Butoh