Buôn lậu 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam, 24 bị cáo hầu tòa

Cập nhật: 16/07/2024

VOV.VN - Lợi dụng thị trường giá vàng trong nước cao hơn Campuchia, các bị cáo tạo 2 đường dây buôn lậu hơn 6 tấn vàng thỏi, trị giá hơn 8.400 tỷ đồng.

Ngày 16/7, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 24 bị cáo liên quan vụ án buôn lậu hơn 6 tấn vàng thỏi từ Campuchia về Việt Nam, xảy ra tại TP.HCM, Tây Ninh và một số tỉnh lân cận.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 3 ngày, do Thẩm phán Nguyễn Thị Hà làm Chủ tọa.

Theo cáo trạng, lợi dụng thị trường có nhu cầu tiêu thụ vàng miếng, vàng nguyên liệu và thấy giá vàng trong nước cao hơn Campuchia, từ đầu năm 2022, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (43 tuổi, quê Bình Định) và bị cáo Nguyễn Thị Thúy Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) móc nối Nguyễn Thị Ngọc Giàu (44 tuổi, ngụ Tây Ninh) thiết lập, tổ chức, điều hành 2 đường dây buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh). Số vàng này sau đó được bán lại cho khách hàng trong nước nhằm thu lợi bất chính.

Trong đó, một đường dây buôn lậu do Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu, móc nối với Giàu, có 20 người tham gia, buôn lậu 4.830 kg vàng thỏi, trị giá hơn 6.600 tỷ đồng, trong thời gian từ 3/8 - 28/9/2022.

Sau khi mua 4.830 kg vàng thỏi, Phụng đã bán lại cho bị can Huỳnh Minh Khánh (tiệm vàng Khánh Kim Loan) 560 kg, bị can Nguyễn Thị Minh (tiệm vàng Kim Hiền Bình Minh) 268 kg, bị can Đặng Thị Thanh Hằng (Hà Nội) 294 kg, 36 khách hàng khác 1.828 kg; bán cho khách lẻ không xác định được lai lịch là 1.804 kg; còn lại 76 kg Cơ quan điều tra phát hiện, tạm giữ.

Đường dây thứ 2, do Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái của Giàu) cầm đầu, móc nối với Giàu, Nguyễn Thị Thúy Hằng và 3 người khác tham gia, buôn lậu 1.320 kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng, trong thời gian từ 16/7 - 28/9/2022.

Trong đó, Phượng hưởng lợi 132.000 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng, Giàu hưởng lợi hơn 3,7 tỷ đồng.

Theo điều tra, đường dây của Phụng thu lợi bất chính hơn 17 tỷ đồng, trong đó Phụng hưởng lợi trên 2,4 tỷ đồng, nhóm của Giàu hưởng lợi 13,8 tỷ đồng, nhóm của Nguyễn Qúi Trường hưởng lợi gần 1,5 tỷ đồng.

Liên quan vụ án, Cơ quan điều tra Bộ Công an nhận thấy sai phạm của các cá nhân thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ tài liệu có liên quan đến CQĐT Hình sự Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Hồ sơ vụ án xác định trong giờ hành chính, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chàng Riệc có bố trí cán bộ phối hợp với Hải quan, Kiểm dịch để kiểm soát tại khu vực cửa khẩu. Ngoài giờ hành chính, lực lượng biên phòng chịu trách nhiệm gác trực, đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, bị cáo Trần Thanh Thắng thường xuyên giao nhận xe máy chở đá lạnh với một đối tượng người Campuchia tại cửa khẩu Chàng Riệc.

Trách nhiệm trực kiểm soát thuộc về các cán bộ Đồn Biên phòng: Mai Xuân Phương, Huỳnh Minh Thiện, Trịnh Sơn Tùng, Trần Văn Hòe, Lê Thanh Tú, Trịnh Văn Dụm, Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Trọng Hữu và Lê Văn Lực. Hành vi của họ có dấu hiệu tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đối với các cá nhân thuộc An ninh sân bay Tân Sơn Nhất, kết quả điều tra cho thấy ngày 28/9/2022, bị cáo Đặng Nam Trung di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội, mang theo vàng nguyên khối. Công văn của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết hành lý của Trung không có vật phẩm nguy hiểm bị cấm, do đó không có căn cứ xử lý nhân viên an ninh sân bay.

Trong sổ sách của nhóm bị cáo Phụng, có một số khách hàng mua vàng lậu được ký hiệu. Cơ quan chức năng xác định những khách hàng này không biết vàng mua là vàng lậu nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Từ khóa: vàng, buôn lậu, vàng, Campuchia

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: hoàng thọ/vtc news

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập