Buổi sơ khai ban đầu, QĐND Việt Nam được hình thành như thế nào?
Cập nhật: 22/10/2024
TP.HCM cần sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để phát triển trong kỷ nguyên vươn mình
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Rosatom, Liên bang Nga
VOV.VN - Từ một đội quân nhỏ bé, chỉ với 34 chiến sĩ đầu tiên, quân đội đã phát triển lớn mạnh với đầy đủ các loại hình quân binh chủng và các lực lượng, ngày càng chính quy, hiện đại.
Trong suốt 80 năm xây dựng chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành lá chắn thép vững chắc bảo vệ Tổ quốc và nhân dân trước những thế lực ngoại bang xâm lược và những thách thức an ninh phi truyền thống.
Với tinh thần "Vì nhân dân quên mình”, Quân đội nhân dân Việt Nam đã làm nên những chiến công hiển hách, ghi dấu ấn trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế. Từ một đội quân nhỏ bé, chỉ với 34 chiến sĩ đầu tiên, quân đội đã phát triển lớn mạnh với đầy đủ các loại hình quân binh chủng và các lực lượng, ngày càng chính quy, hiện đại.
Buổi sơ khai ban đầu, quân đội được hình thành như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.
PV: Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, một trong những lực lượng tiền thân của quân đội ta ra đời giữa núi rừng Việt Bắc. Trong thời điểm còn vô vàn khó khăn, gian khổ và thiếu thốn khi đó, việc tuyển chọn quân số, lực lượng cho việc thành lập Đội được tiến hành như thế nào, thưa ông?
Đại tá Trần Ngọc Long: Tháng 9/1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước, trở lại Cao Bằng, đúng thời điểm liên tỉnh Cao – Bắc - Lạng đang chuẩn bị phát động cuộc khởi nghĩa. Trong bối cảnh tình hình chưa thật sự cho phép, chưa chín muồi, lãnh thủ Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị phải hoãn ngay cuộc khởi nghĩa.
Sau khi quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa thì người chỉ đạo mấy vấn đề. Một là phải nhanh chóng mở rộng chỗ đứng chân. Hai là phải nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng của Mặt trận Việt Minh. Ba là cần phải xây dựng một tổ chức vũ trang đủ sức gánh vác nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Hay nói cách khác tức là phải xây dựng một đội quân giải phóng, để làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của phong trào cách mạng trong giai đoạn mới.
Đây chính là căn nguyên của việc Người đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp tổ chức một đội quân giải phóng. Người yêu cầu phải gấp rút lựa chọn trong số những chiến sĩ Cao – Bắc – Lạng. Lực lượng chủ yếu là lựa chọn trong số những đội viên anh dũng. Cán bộ chỉ huy phải lựa chọn những người đã từng được học tập ở nước ngoài, có kiến thức và kinh nghiệm về quân sự.
Với chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng với các ông Vũ Anh, ông Lê Quảng Ba đã bắt tay xây dựng đội quân này. Bắt đầu từ việc lập danh sách những thành phần ưu tú nhất, những người anh dũng nhất, chọn lực lượng đủ thành phần dân tộc. Danh sách dự kiến sẽ thành lập một trung đội bao gồm 3 tiểu đội.
Sau khi đã lựa chọn được danh sách rồi thì các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh và Lê Quảng Ba đều thống nhất là đề cử đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng, tức là Dương Mặc Thạch làm chính trị viên. Sau khi đã hoàn thiện danh sách để trình lên lãnh tụ Hồ Chí Minh và đề nghị tên đội là Việt Nam Giải phóng quân. Nhưng Bác đề nghị bổ sung thêm 2 chữ "tuyên tuyền", tức là Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
PV: Vì sao Bác Hồ lại thêm 2 từ "tuyên truyền" vào tên của Đội. Hay nói cách khác, với tên gọi là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mang hàm ý, thưa ông?
Đại tá Trần Ngọc Long: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, theo Bác có nghĩa là xác định đội quân này là đội quân tuyên truyền, chính trị trọng hơn quân sự. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ thì rõ ràng xác định nhiệm vụ chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền nặng hơn vũ trang. Đó là một tầm nhìn chiến lược sắc xảo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Và cũng là viên gạch đầu tiên đặt nền tảng cho việc xây dựng một quân đội kiểu mới, quân đội của dân, do dân và vì dân. Cho nên đội mang tên là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thay vì Đội Việt Nam Giải phóng quân như cái tên ban đầu.
PV: Buổi đầu thành lập rất khó khăn và thiếu thốn, quân số ít, vũ khí trang bị thiếu, kinh nghiệm tác chiến không nhiều nhưng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã có ngay chiến thắng trận đầu bằng trận tập kích vào Đồn Phai Khắt. Đó là một sự khởi đầu, mở đầu cho những thắng lợi về sau của quân đội ta sau này?
Đại tá Trần Ngọc Long: Cái hay của trận Phai Khắt là chúng ta không chỉ tổ chức tập kích rất nhanh và sau đấy còn tổ chức rút lui rất gọn. Thậm chí trước khi rút lui, Đội còn xây dựng, bàn bạc về cơ sở cách mạng ở đấy, xây dựng kế hoạch để bảo vệ cho đồng bào khi quân Pháp quay về trả thù. Điều này cho thấy tên chức năng của Đội, đúng là vũ trang tuyên truyền.
Trận đầu Phai Khắt giành thắng lợi đã tạo ra một tiếng vang rất lớn về uy tín của lực lượng vũ trang cách mạng lúc bây giờ, không chỉ ở vùng Nguyên Bình mà khắp cả vùng Cao - Bắc - Lạng. Đồn Phai Khắt bị tiêu diệt bằng cách nhanh gọn như vậy gây một cơn sốc đối với quân Pháp. Đặc biệt đối với ta, nó gây ra một cái tiếng vang rất lớn, cổ vũ phong trào cách mạng trong vùng. Từ nay người dân tin tưởng, vùng dậy đấu tranh cách mạng, nhân nhân sẽ có tổ chức vũ trang hỗ trợ. Phải nói là uy tín của Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân sau trận Phai Khắt đã được lan ra rất nhanh chóng.
Từ trận Phai Khắt cũng cho chúng ta những bài học manh nha đầu tiên về nghệ thuật quân sự, nghệ thuật tác chiến, công tác thu dung chiến trường, cả vấn đề chính sách hậu phương quân đội, về công tác dân vận. Tất cả mọi thứ có thể nói là đặt ra những cái viên gạch đầu tiên cho rất nhiều lĩnh vực liên quan đến một chiến dịch, một trận đánh.
Nhưng theo chúng tôi, điều quan trọng nhất, ý nghĩa lớn nhất đối với hai chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần không chỉ nằm ở chỗ thu được một số vũ khí, giải quyết được hai đồn, nhổ được hai ung nhọt trong hệ thống kìm kẹp, đàn áp phong trào cách mạng của thực dân Pháp, mà cái lớn hơn thế là mở ra một truyền thống đánh thắng trận đầu. Đã ra quân là đánh thắng cho đội quân chủ lực, cho Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
PV: Ngoài chức năng là đội quân chiến đấu thì quân đội ta có hai chức năng nữa là đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Đây có được coi là một đặc trưng khác biệt giữa quân đội ta với quân đội của các nước trên thế giới không?
Đại tá Trần Ngọc Long: Phải nói rằng, quân đội ta so với quân đội các nước có nhiều điểm khác. Đặc biệt là so với quân đội các nước tư bản. Quân đội các nước tư bản thuần túy là một đội quân tác chiến, đội quân chiến đấu. Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, bản chất từ sâu xa ngay ngày đầu thành lập cho đến ngày nay, đó là một đội quân từ nhân dân mà ra. Một đội quân của dân, do dân và vì dân.
Từ buổi đầu thành lập rất thô sơ như vậy và trải qua chặng đường cho đến bây giờ là 80 năm, thì Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn thể hiện được đó không chỉ là một đội quân chiến đấu mà còn là một đội quân công tác và một đội quân lao động sản xuất.
Chiến tranh có xảy ra đi chăng nữa hay tình hình thế giới có nhiều bất ổn, nhiều vấn đề gì chăng nữa, thì trước sau, quân đội ta vẫn giữ vững được bản chất như vậy. Vẫn là một cái đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Cho dù chức năng trong từng giai đoạn lịch sử có thể thay đổi nhưng bản chất thì vẫn như vậy.
Bởi vì trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, chức năng chiến đấu có thể được đề cao hơn, được nhấn mạnh hơn, nhưng trong thời bình thì chức năng đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất sẽ có những cái được chú trọng hơn. Tức là tùy theo từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nhưng rõ ràng xuyên suốt trước sau như một đó vẫn là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Và cội nguồn, cái mạch nguồn để giúp cho Quân đội nhân dân Việt Nam phát triển được như ngày hôm nay chính là từ tính nhân dân của một cái đội quân cách mạng.
PV: Xin cảm ơn ông.
Từ khóa: quân đội nhân dân, quân đội nhân dân, quân đội, ngoại bang xâm lược
Thể loại: Nội chính
Tác giả: diệp chi/vov
Nguồn tin: VOVVN