Buổi đối thoại với người dân Thủ Thiêm hoãn 2 lần do Covid-19
Cập nhật: 14/09/2020
VOV.VN - Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên phải hoãn 2 lần do dịch bệnh.
Tại phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chiều 14/9, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Thanh tra Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với UBND TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan tổ chức đối thoại với người dân Thủ Thiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ đã thành lập Tổ công tác, ban hành Kế hoạch và phối hợp tổ chức thực hiện, theo đó thời gian tổ chức đối thoại dự kiến vào ngày 06/8/2020. Tuy nhiên, do thời điểm cuối tháng 7/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại, có nguy cơ lây lan cao tại nhiều địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, do đó Thanh tra Chính phủ đã hoãn buổi đối thoại với các công dân Thủ Thiêm và sẽ tổ chức trở lại ngay sau khi đủ điều kiện cho phép.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thời điểm cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo đảm bảo thông suốt trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh đối với công dân và lực lượng cán bộ tiếp công dân.
So với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%.
Về khiếu nại, so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%).
Về tố cáo, so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Báo cáo chưa phân tích sâu về tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, nhất là những biến động lớn về số liệu so với các năm trước đây, đồng thời cũng chưa chỉ ra được những nguyên nhân của số lượng đơn thư, vụ việc cũng như số lượt người đến khiếu nại, tố cáo giảm trong năm 2020...
"Báo cáo chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân chính làm phát sinh khiếu nại, tố cáo: do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước? Hay do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tìnhkhiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội", ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nhấn mạnh và cho biết bên cạnh đó chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở, còn thấp.
Thảo luận về các báo cáo, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho rằng, báo cáo của Chính phủ nêu một trong những nguyên nhân là do một số cơ chế, chính sách pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu kiện là chưa thực sự thuyết phục mà chủ yếu nguyên nhân đến từ việc thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật chưa nghiêm, chưa đúng./.
Từ khóa:
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN