Brexit được gia hạn, nước Anh vẫn tiếp tục bế tắc
Cập nhật: 29/10/2019
Tổng thống Putin gửi lời chia buồn vụ rơi máy bay của Azerbaijan
Lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ tốn kém nhất trong lịch sử
VOV.VN - Dù EU đã đồng ý gia hạn tiến trình Brexit, nhưng nước Anh sẽ lựa chọn phương án nào để giải quyết những bất đồng trong nội bộ trong thời gian này?
Trong bối cảnh nước Anh vẫn đang bế tắc vì Brexit khi chỉ vài ngày nữa là đến thời hạn chót để nước này rời khỏi EU, 27 nước thành viên của liên minh này vừa thống nhất cho Anh thêm thời gian 3 tháng, tức là đến 31/1/2020 để hoàn thiện thủ tục “ra đi”.
Thêm 1 mốc thời gian nữa được gia hạn cho tiến trình Brexit. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là nước Anh sẽ lựa chọn phương án nào để giải quyết những bất đồng trong nội bộ với thời gian 3 tháng này?
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Financial Times |
Lựa chọn của chính phủ Anh
Tối 28/10, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu về đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson là tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 12/12/2019. Kết quả là có 299 nghị sĩ ủng hộ, 70 nghị sĩ phản đối. Tuy nhiên, kết quả này vẫn là một thất bại với ông Boris Johnson bởi theo luật của Anh, muốn tổng tuyển cử thì phải được ít nhất 2/3 tổng số nghị sĩ trong Hạ viện Anh, tức ít nhất 434 người ủng hộ. Như vậy là ông Johnson thiếu đến 135 phiếu.
Phân tích chi tiết kết quả bỏ phiếu này, có thể nhận thấy nhiều điều. Thứ nhất, trong số 299 phiếu ủng hộ ông Johnson thì đã có đến 280 phiếu của các nghị sĩ đảng Bảo thủ. 19 phiếu còn lại đến từ các nghị sĩ độc lập, tức trong hàng ngũ các đảng đối lập, các nghị sĩ đối lập hoặc không bỏ phiếu, hoặc bỏ phiếu chống. Như vậy là bất chấp việc EU đã gia hạn Brexit cho Anh đến ngày 31/01/2020, đồng nghĩa với việc không còn nguy cơ Brexit không thoả thuận, các đảng đối lập tại Anh vẫn chưa thực sự sẵn sàng cho tổng tuyển cử.
Trong khi đó, mục tiêu của chính phủ Anh là rất rõ ràng. Mặc dù không đạt được ý định đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 nhưng ông Johnson vẫn muốn thực thi Brexit càng sớm càng tốt.
Thực tế cho thấy là với tương quan giữa các đảng phái hiện nay, khi chính phủ của ông Boris Johnson đã đánh mất đa số ủng hộ thì hầu như mọi giải pháp đều sẽ rơi vào bế tắc do bị các đảng đối lập phong toả. Vì vậy chính phủ Anh chỉ có 2 lựa chọn là tổng tuyển cử hoặc chấp nhận phương án tổ chức trưng cầu ý dân lần 2.
Tuy nhiên, đảng Bảo thủ ngay từ đầu đã phản đối đến cùng việc tổ chức trưng cầu ý dân lần 2 vì cho rằng như thế là phản bội lại các cử tri đã bỏ phiếu năm 2016. Tổng tuyển cử là chiến lược được ông Boris Johnson theo đuổi nhằm tái lập lại đa số ủng hộ tại Hạ viện Anh, qua đó phê chuẩn thoả thuận Brexit mới và đưa Anh rời khỏi EU một cách có trật tự.
Chính trường rối ren
Mấu chốt của bế tắc hiện nay vẫn nằm ở thái độ của Công đảng đối lập. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn dù tuyên bố không sợ tổng tuyển cử nhưng lại chưa dám quyết định có ủng hộ tuyển cử vào ngày 12/12 hay không, do các cuộc thăm dò dư luận hiện cho thấy đảng Bảo thủ vẫn được ủng hộ nhiều hơn Công đảng, khoảng 8-10% tổng số phiếu.
Thực tế, từ đầu tiến trình Brexit đến nay, chưa có thời điểm nào Công đảng đưa ra được một đường lối rõ ràng về Brexit, không rõ là phản đối Brexit hay ủng hộ Brexit và nếu ủng hộ thì ủng hộ ở mức độ nào. Nguyên nhân cốt lõi là vì trong khi đa số nghị sĩ Công đảng vốn phản đối Brexit thì một lượng lớn cử tri của Công đảng lại ủng hộ việc rời khỏi EU. Vì thế, lãnh đạo Công đảng luôn phải cân nhắc.
Ngoài ra, bản thân thủ lĩnh Công đảng Jeremy Corbyn cũng là chính trị gia nổi tiếng thiếu quyết đoán. Ông Corbyn đã nhiều lần tuyên bố là để Công đảng ủng hộ tổng tuyển cử, chính phủ Anh phải thực thi nhiều điều kiện, từ đề nghị gia hạn Brexit, rồi loại bỏ phương án Brexit không thoả thuận.
Hiện nay, sau khi EU đã đồng ý gia hạn Brexit cho Vương quốc Anh đến ngày 31/01/2020, sức ép chấp nhận tổng tuyển cử đang ngày càng lớn hơn với Công đảng. Giới phân tích cho rằng nhiều khả năng trong phiên bỏ phiếu tiếp theo, Công đảng sẽ phải ủng hộ đề xuất của hai đảng Dân chủ tự do (Lib-Dem) và Dân tộc Scotland (SNP) là tổng tuyển cử vào ngày 9/12, tức sớm hơn 3 ngày so với đề xuất vào ngày 12/12 của ông Boris Johnson.
Nguyên nhân là vì vào ngày 9/12, sinh viên các trường Đại học tại Anh vẫn đang đi học và có thể tham dự đông đảo vào cuộc bầu cử trong khi ngày 12/12 đã bắt đầu kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới nên số cử tri trẻ, vốn đa phần ủng hộ châu Âu và phản đối Brexit, có thể sẽ vắng mặt.
Tất nhiên, đa số giới phân tích vẫn cho rằng với Công đảng, việc chấp nhận tổng tuyển cử sẽ là canh bạc nhiều rủi ro bởi nguy cơ mất nhiều hơn là được. Vì vậy, vẫn không thể loại trừ khả năng Công đảng sẽ khiến thế bế tắc hiện nay kéo dài để chờ đợi cho đến khi có sự thay đổi quan điểm trong dư luận Anh theo hướng có lợi cho mình thì mới đưa ra quyết định./.
Từ khóa: Brexit, EU, tổng tuyển cử, thủ tướng Anh, Boris Johnson
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN