Bong bóng bất động sản Hà Nội, TP HCM giảm nhiệt, nhà đầu tư "đổ tiền" về tỉnh lẻ?

Cập nhật: 27/09/2020

VOV.VN - Theo các chuyên gia kinh tế và bất động sản, hiện đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư lĩnh vực bất động sản từ các TP lớn như Hà Nội, TP HCM về các khu vực “tỉnh lẻ”.

Tại Hội thảo “Bất động sản 2021 & Sự trỗi dậy của những thị trường mới” được tổ chức tại Quy Nhơn ngày 26/9, các chuyên gia, nhà môi giới bất động sản đều cho rằng, hiện nay, tại Hà Nội, TP. HCM đang có sự dịch chuyển của nhà đầu tư bất động sản ra khỏi các địa phương này. Nắm bắt xu hướng, nhiều địa phương đã tận dụng được lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đẹp, các điều kiện tự nhiên tốt ven biển, đảo, và rừng sẽ tận dụng được lợi thế để bứt phá và thu hút nhà đầu tư…

Đầu tư chung cư Hà Nội, căn hộ tại TP. HCM đã hết “hot”?

Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: "Đầu tư chung cư tại Hà Nội không có lãi, giá đi ngang. Còn tại TPHCM giá căn hộ có nhiều nơi tăng từ 5-7%, đây là giá tăng ảo, có hiện tượng "bong bóng".

Lý do, theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, sản phẩm bất động sản tại các khu đô thị ngày càng khan hiếm khi quỹ đất có hạn. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của Covid-19 tình trạng sản phẩm căn hộ bán ra không nhiều và giá đi ngang (ví dụ như Hà Nội), đã không còn hấp dẫn nhà đầu tư.

"Sản phẩm nhà ở chung cư, tại Hà Nội nếu đầu tư sinh lời là "móm" bởi giá chung cư đã đạt đến đỉnh. Hiện nay, chủ yếu người mua có nhu cầu ở. Còn nếu đầu tư, hàng hiếm, giá cao, nếu mua để lướt sóng thì không thể có lãi", ông Đính nói.

Tại TP HCM, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, trong 2 năm trở lại đây không có dự án mới, giá đang có sự tăng khá mạnh, bình quân giá tăng 5 - 7%, thậm chí có khu vực trên 10%. Về bản chất, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào thị trường có khả năng sinh lời tốt, giá còn ở ngưỡng thấp, có như vậy họ mới vào để đầu tư.

"Về bản chất, nhà đầu tư sẽ rót vốn vào thị trường có khả năng sinh lời tốt, giá còn ở ngưỡng thấp, có như vậy họ mới lao vào để đầu tư. Tuy nhiên, với mức giá căn hộ tại TP.HCM như trên, tôi cho rằng đó là giá ảo và thị trường "bong bóng", ông nói.

Nói về các thị trường bất động sản mới, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết đó là những thị trường bắt đầu có sự phát triển mạnh về kinh tế, trong đó có lợi thế phát triển công nghiệp, kinh tế du lịch, đó là địa phương mới mà nhà đầu tư gọi là thị trường mới với nhiều lợi thế hơn.

Cũng theo đánh giá của Hiệp hội Môi giới bất động sản, hiện đang có sự dịch chuyển của các nhà đầu tư ra khỏi Hà Nội, TP.HCM để tìm đến một số địa phương có tiềm năng, có thị trường mới.

"Loại trừ các khu vực đã phát triển mạnh về bất động sản du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh thì thị trường mới của ngành du lịch là các địa phương mà vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã tận dụng được lợi thế từ cảnh quan thiên nhiên đẹp, các điều kiện tự nhiên tốt như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định… chúng tôi đồng ý đây là những địa chỉ đang có thị trường mới", ông Đính nêu quan điểm.

Đối với các thị trường mới này, ông Đính cho biết có nhiều lợi thế như địa phương có chính sách cởi mở, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương đó tham gia đầu tư vào dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng, kinh tế du lịch...

Cùng quan điển nhìn nhận sự dịch chuyển đầu tư trong đầu tư bất động sản, TS Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết có 2 lý do của sự dịch chuyển, bởi các địa phương như Bình Định, Thanh Hoá, Quảng Bình... đang có diện mạo mới, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã thay đổi các vùng đất này.

"Ông bà xưa đã có câu "Thóc đến đâu, bồ câu đến đó". Chính các dự án lớn đã mở ra cơ hội cho nhiều nhà đầu tư. Điều đó cho thấy thị trường mới nổi không thể nổi được nếu như không có dự án, không có nhà đầu tư tiên phong", TS Trần Du Lịch nói.

Ông Trần Du Lịch cũng nêu dẫn chứng về việc địa phương này đã chú trọng đến hạ tầng giao thông trong những năm vừa qua, đây là yếu tố thu hút đầu tư trong lĩnh vực bất động sản.

Nhiều địa phương “rắc thóc”, “lót ổ” đón đại bàng về

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, tính hấp dẫn của bất động sản trong những năm trở lại đây đều gắn với sự dịch chuyển. Đó là xu thế, xu hướng. Nếu muốn nhìn một cách trung hạn và dài hạn là TP. Hà Nội và TP.HCM vẫn còn quỹ đất thì xu thế này vẫn xảy ra mặc dù có chậm hơn. Bởi sự phát triển của các tỉnh khác ngày càng tiếp cận đến cái mới và khi đến với các tỉnh này, doanh nghiệp, nhà phát triển, nhà đầu tư đều tìm hiểu.

Xu thế rất quan trọng đó là dịch chuyển thị trường theo vùng miền như Bình Định, Thanh Hoá, Quảng Ninh…, dịch chuyển thị trường theo phân khúc. Điều này thấy rất rõ trong 2 - 3 năm nay. Có nghĩa là dịch chuyển phù hợp theo nghĩa tích cực, gắn với địa lý vùng miền.

“Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh quan điểm: Chúng ta có thể phát triển ở đâu cũng được, đó là sự đòi hỏi mới về lối sống mới, cách sống, tiêu dùng mới”, Tiến sĩ Võ Trí Thành nói.

Còn theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, những thị trường mới này có lợi thế là có chính sách cởi mở, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với địa phương tham gia đầu tư vào dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng, kinh tế du lịch…

Các nhà đầu tư quan tâm đến các địa phương có giá bất động sản còn đang ở ngưỡng thấp, ở thị trường đó có sự đầu tư mạnh, đất đai chỉ dao động ở giá trên dưới 10 triệu là những con số ấn tượng và người ta quan tâm.

Một ví dụ là thị trường Quy Nhơn, năm 2018, giá tại các dự án ở đây chỉ dưới 10 triệu đồng/m2, nhưng đầu năm 2019 giá đã đẩy lên 15 – 17 triệu đồng/m2 và cuối 2019 là thời điểm rất nóng, có một số dự án đã tăng đến trên 20 triệu đồng/m2.

"Dù trong bối cảnh dịch Covid nhưng giá đất vẫn đang nóng và không có xu hướng quay đầu. Đây chính là điểm nhà đầu tư rất thích. Tôi nhận thấy các địa phương như Thanh Hóa, Phú Yên... đều có hiện tượng này, đầu tư là phải sinh lời và chính điều này khiến nhà đầu tư quan tâm", ông Đính phân tích.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, địa phương đã chủ động trong công tác quy hoạch, có bước đi đúng và phù hợp với thị trường để thu hút đầu tư trong nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết địa phương đang chú trọng phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư.

Theo ông Thanh, quy hoạch chung TP Quy Nhơn và quy hoạch và chi tiết các khu vực, tỉnh nhận biết rõ, quy hoạch phải đi trước 1 bước, có tầm, nhìn xa.

"Chúng tôi làm đầy đủ, có sự kết nối đồng bộ về quy hoạch để các nhà đầu tư yên tâm. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư kết nối xây dựng hạ tầng. Trong 10 năm nay, Bình Định đã đầu tư nhiều về hạ tầng. Trong đó, có sân bay đang đón 10 chuyến khách mỗi ngày đón cả khách trong nước và nội địa. Cùng với đó có cảng biển, đường sắt Bắc - Nam, giao thông thuận tiện", ông Thanh cho hay.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Định, hiện địa phương đã mở xong một số đường trục, đường ven biển kết nối Quy Nhơn với các địa phương để góp phần phát triển hạ tầng đô thị và phục vụ du lịch. Bình Định rất chú trọng chỉnh trang đô thị, phát triển môi trường sinh thái, đã có những hoạt động đầu tư chỉn chu với hệ thống đường, cây xanh, xử lý nước thải…

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, nâng cao đời sống, chất lượng cuộc sống cho người dân là một trong những lý do khiến Bình Định thu hút đầu tư của các nhà phát triển./.

Từ khóa:

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập