Bốn nút thắt làm "nghẽn" dòng chảy hàng hoá tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải
Cập nhật: 19/08/2024
Chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam (21/11/2024)
Đường sắt tốc độ cao – cơ hội cho doanh nghiệp Việt (25/11/2024)
VOV.VN - Các chuyên gia chỉ ra 4 nút thắt làm hàng hoá ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải bị "nghẽn", đó là kết nối hạ tầng, cơ chế chính sách, nhân lực và thủ tục hành chính.
Tại tọa đàm “Hải quan và doanh nghiệp đồng hành thúc đẩy dòng chảy hàng hóa xuất nhập khẩu qua cụm cảng Cái Mép-Thị Vải”, do Tạp chí Hải quan phối hợp với Sở Giao thông vận tải và Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức ngày 31/7, thông tin cho thấy Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải là cụm cảng chính, hiện chiếm 90% lượng hàng xuất nhập khẩu qua hệ thống cảng biển tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Từ những ngày đầu được quy hoạch cho đến nay, cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải luôn được định hướng vai trò là cửa ngõ giao thông, hội nhập quốc tế không chỉ của Việt Nam, mà còn của khu vực Đông Nam Á, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế không những của vùng mà còn có nhiều tiềm năng góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với tầm quan trọng là một tài sản quốc gia, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã nhận được nhiều sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Tổng cục Hải quan trong công tác nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn đang còn nhiều điểm nghẽn cần phải giải quyết, như hạ tầng giao thông kết nối, cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan, kiểm tra chuyên ngành, hệ sinh thái dịch vụ logistics, cơ chế chính sách đột phá như cảng mở, khu thương mại tự do…
Để hàng hoá tại cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được lưu thông thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, logistics, khu công nghiệp cho rằng, cần giảm chi phí vận tải, nâng cấp hệ thống dịch vụ hậu cần, dịch vụ hỗ trợ. Cùng với đó, luồng vào cảng phải được khơi thông, nạo vét để các tàu lớn có thể ra vào cảng, tạo được tuyến đường thủy từ đồng bằng Sông Cửu Long về cảng Cái Mép - Thị Vải, hệ thống giao thông kết nối từ cảng Cái Mép - Thị Vải đi Campuchia; các chính sách phát triển “cảng mở” nên sớm được triển khai…
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Trưởng nhóm Tư vấn xây dựng Đề án “Phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” cho rằng, với vai trò và vị thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, các Bộ, ngành, các địa phương phải xem sự phát triển của cụm cảng này là lợi ích của quốc gia, không riêng một địa phương nào.
Cũng theo ông Tuấn, có 4 nút thắt làm hàng hoá ở cụm cảng Cái Mép - Thị Vải bị "nghẽn", đó là kết nối hạ tầng, cơ chế chính sách, nhân lực và thủ tục hành chính.
“Dòng chảy hàng hoá xuất nhập khẩu qua Cái Mép - Thị Vải có 4 nút thắt rất lớn. Trong đề án phát triển Trung tâm kinh tế biển quốc gia, nhóm tư vấn đề xuất 12 cơ chế đột phá chưa có tiền lệ, kể cả so với Nghị quyết 98 của Quốc hội đối với TP.HCM cũng vượt trội hơn. Đây là thách thức cho Bà Rịa - Vũng Tàu, làm sao vận động Trung ương ủng hộ một số cơ chế đột phá này, cho phép Bà Rịa – Vũng Tàu tiên phong thí điểm một số cơ chế, chính sách”, ông Tuấn đề xuất.
Từ khóa: cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng Cái Mép – Thị Vải,điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông, dòng chảy hàng hóa
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: lưu sơn/vov-tp.hcm
Nguồn tin: VOVVN