Bom tấn hoạt hình của Hayao Miyazaki: Hành trình "chữa lành" tuổi thiếu niên

Cập nhật: 16/12/2023

VOV.VN - The Boy and the Heron (tựa Việt: Thiếu niên và chim Diệc) khiến khán giả trên khắp thế giới háo hức khi là dự án mới nhất đến từ hãng phim Ghibli hàng đầu Nhật Bản và cả thế giới. Tác phẩm từng gây chú ý với tựa cũ How Do You Live và được xem là “đứa con” cuối cùng của đạo diễn gạo gội Hayao Miyazaki.

The Boy and the Heron lấy mốc thời gian năm 1943, khi nước Nhật còn lầm than vì đại chiến Thái Bình Dương. Mất đi người mẹ trong một vụ hỏa họa ở bệnh viện Tokyo, cậu bé 12 tuổi Mahito Maki và cha trở về vùng ngoại ô, sinh sống cùng người dì Natsuko và những bà cụ giúp việc lẩm cẩm. Tại đây, Mahito bắt gặp hình ảnh kỳ lạ: một con diệc xanh luôn tìm cách tiếp cận cậu. Ngày nọ, chim diệc bí ẩn bỗng cất tiếng, nói rằng Mahito có thể gặp lại mẹ nếu chịu bước chân vào một tòa tháp cổ bên trong khu rừng. Cuộc phiêu lưu kỳ lạ vượt không gian, thời gian của cậu bé bắt đầu. 

Bộ phim đã có màn ra mắt rất thành công tại Bắc Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Phim vượt mặt các tựa phim Hollywood để thống trị phòng vé Bắc Mỹ, trở thành phim hoạt hình Nhật Bản đầu tiên đạt được thành tích ấn tượng này. Sau khi gặt hái thành công tại quê nhà Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới, phim đã đến với khán giả Việt vào ngày 15/12.

"Bố già" Hayao Miyazaki tâm sự về số phận của Ghibli

Trước khi The Boy and the Heron ra mắt, đã có không ít thông tin về việc bộ phim chính là "lời tạm biệt" của đạo diễn gạo cội Hayao Miyazaki. Đến khi phim ra mắt, phần nội dung càng củng cố thêm cho chi tiết này, khi nó thể hiện rõ ràng việc Miyazaki muốn khép lại di sản Ghibli của mình, để mọi thứ thuận theo tự nhiên thay vì tiếp tục trao gửi Ghibli vào bàn tay của tương lai.

Có thể thấy, nhân vật Vua Chim trong The Boy and the Heron chính là bản thân Hayao Miyazaki, còn cậu bé nhân vật chính Mahito chính là cháu trai của ông. Thay vì tiếp tục truyền thống "cha truyền con nối" để di sản Ghibli có thể sống tiếp và sống mãi, Miyazaki, thông qua hình tượng của Vua Chim, cho thế hệ sau một cơ hội để lựa chọn, và cảm thấy ổn thôi nếu chúng chọn không tiếp quản "đứa con tinh thần" của mình.

Ở đây, Mahito đã có quyết định không chấp nhận cai quản tòa tháp, và nó vẫn dẫn đến một kết cục đẹp cho bộ phim. Liên hệ với lý tưởng của Miyazaki, con cháu của ông có quyền từ chối tiếp quản Ghibli và điều đó chẳng sao cả. Ghibli sẽ đến lúc phải tàn lụi, biến mất khỏi nền điện ảnh và điều đó chẳng sao cả. Đôi lúc chúng ta phải chấp nhận sự kết thúc, cho dù hành trình có tuyệt đẹp biết bao. Từ đó, con người ta mới thêm trân trọng khoảnh khắc ở hiện tại, thay vì mãi lo lắng rằng ở cuối con đường kia sẽ còn ánh sáng hay không.

Tiệc hình ảnh mãn nhãn, vẫn là thế giới kỳ thú vạn người mê

Tạm gác lại tâm sự nửa vui, nửa buồn của Hayao Miyazaki, The Boy and the Heron vẫn đáp ứng đủ mong đợi của fan về một tuyệt tác Ghibli đúng nghĩa. Từ hình ảnh, cách thiết kế nhân vật đến màu phim đều đậm chất Ghibli từ trước đến nay, không có quá nhiều thay đổi dù trải qua hàng chục năm. Duy chỉ có một sự mới lạ duy nhất, đặc biệt với khán giả Việt Nam, đó là khi lần đầu tiên một dự án Ghibli được chiếu trên màn ảnh rộng Việt Nam, mang đến chất lượng hình ảnh tân tiến, rõ nét và thu hút hơn hẳn.

Thế giới trong The Boy and the Heron vẫn kỳ ảo, gây tò mò và tràn đầy những tình tiết độc lạ. Phim giới thiệu đến khán giả nhiều loài sinh vật thú vị, như "wara wara" (được trang CBC News mô tả là "kẹo dẻo trắng biết đi), hay đàn chim vẹt lông dài liên tục xuất hiện. Ngoài ra, dự án còn mạnh dạn khai thác giai thoại về "thế giới bên kia" hay định nghĩa "sau cái chết", bằng việc để Mahito dấn thân vào cuộc hành trình tìm lại người mẹ kế Natsuko nhưng vô tình gặp lại mẹ ruột đã khuất Hisako của mình. Từ đó, Mahito - với hình tượng vừa đại diện cho hậu duệ của đạo diễn, vừa đại diện cho cả góc nhìn của khán giả yêu phim Ghibli, bước vào hành trình của vụn vỡ, trưởng thành và chấp nhận.

Hãy yêu thương thật đúng đắn

Mahito là một cậu bé trải qua nhiều nỗi đau: mất mẹ, nhìn bố có vợ mới, không hòa thuận với mẹ kế, và hay tự làm đau mình. Đó là một trong những lý do mà cậu từ chối trở thành người cai quản tòa tháp, vì cậu từng có ý nghĩ làm chuyện sai. Song, The Boy and the Heron không phải được làm ra để vạch tội Mahito, hay chỉ để Mahito đi tìm mẹ, dấn thân vào cuộc phiêu lưu kỳ ảo. Cũng giống với Chihiro của Spirited Away, Mahito trong phim có sự thay đổi lớn về nhận thức, hành động, dần dần trưởng thành hơn và biết đưa ra những quyết định lớn lao cho bản thân mình.

"Cháu có thể tiếp tục theo bước chân ta, cố gắng điều khiển mọi thứ trong tầm kiểm soát cho đến ngày cháu từ giã cõi đời đau khổ này. Hoặc, cháu chấp nhận cuộc sống là một sự hỗn loạn và cháu chỉ có thể kiểm soát một vài thứ, rồi sau cùng tận hưởng những gì cháu có được", câu thoại của chủ tháp được xem là câu thoại quan trọng nhất của The Boy and the Heron. Chúng ta không thể có được mọi thứ chúng ta mong muốn. Sức người có hạn, con người chỉ có thể kiểm soát một vài thứ. Vậy tại sao không dành trọn tâm tư, tình cảm của mình cho chúng thay vì cố gắng ôm đồm hết tất cả mọi thứ?

Tại đây, cách yêu đúng đắn là một trong những thông điệp lớn mà The Boy and the Heron muốn truyền tải. Muốn có được tất cả về mình không phải cách để yêu thương. Yêu thương là đôi khi phải hi sinh, cho đi, phải khước từ. Song, yêu thương đúng đắn cũng là khi ta dẹp bỏ cái tôi, nhìn nhận sự tốt đẹp ở đối phương thay vì chỉ điểm xấu, và dành cho nhau sự vị tha. Thời điểm Mahito từ chối đề nghị của Vua Chim và chấp nhận mẹ kế Natsuko, đó là lúc cậu đã học được bài học yêu thương cho mình. 

Từ khóa: hoạt hình, Hayao Miyazaki,hoạt hình,bom tấn hoạt hình,The Boy and the Heron,Thiếu Niên Và Chim Diệc

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả: kim nhung/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập