Bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cập nhật: 01/09/2024
Bổ nhiệm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước trong chương trình Xuân Quê hương 2025
VOV.VN - Trước sự đổi mới, hội nhập quốc tế và bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng có ý nghĩa thiết thực.
Đinh Thị Diễm Quỳnh được kết nạp Đảng từ năm 18 tuổi. Đó là hành trình dài nỗ lực học tập và rèn luyện. Với em đó không chỉ là thành tích mà còn là trách nhiệm của một Đảng viên trẻ. “Khi vào Đảng năm 18 tuổi em cũng lo lắng vì lúc đấy em còn trẻ, bồng bột, em sẽ phải chú ý đến hành động của mình hơn bởi vì khi vào Đảng có những điều Đảng viên được làm và không được làm. Em sẽ phải quan tâm đến quy định của Nhà nước để phát huy được vai trò của Đảng viên”, Quỳnh chia sẻ.
Ngày ấy bạn bè nhìn Quỳnh vừa ngưỡng mộ, vừa cho rằng em chững chạc hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi vào Đại học, Quỳnh lại tiếp tục lập những thành tích như : Sinh viên 5 tốt Khối các cơ quan Trung ương năm 2023; Sinh viên xuất sắc, đạt điểm cao nhất ngành, được khen thưởng và nhận học bổng của Học viện Bưu chính Viễn thông. Gần đây nhất, cô gái này đã đoạt giải Nhất thể loại Infographic, giải Khuyến khích thể loại Video, cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024. Với Quỳnh, thực hiện lời dạy của Bác không dễ, bởi nó đòi hỏi sự kiên trì, phấn đấu của mỗi cá nhân chứ không phải ngày một ngày hai. Quỳnh cho rằng để học tập và làm theo lối sống, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước hết.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm đẫm giá trị nhân văn về phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”; quan tâm chăm lo phát triển toàn diện con người với tất cả phẩm chất chân - thiện - mỹ, có đức, có tài, trước hết là bồi đắp về nhân cách, tu dưỡng đạo đức cá nhân, giáo dục, bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, cao đẹp của con người Việt Nam.
Anh Hoàng Đức Nam - Bí thư Đoàn cơ quan TW Đoàn cho rằng lời căn dặn của Bác cũng chính là phương chỉ nam cho hoạt động Đoàn. “Lời căn dặn của Bác đến hôm nay, tổ chức Đoàn đang tiếp tục thực hiện. Đây là lời căn dặn hết sức có ý nghĩa. Trong lời căn dặn của Bác có 2 từ “rất”, đó là rất quan trọng và rất cần thiết. Để thấy Bác nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay việc bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ vẫn được thực hiện liên tục thường xuyên và cần mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, để đào tạo ra được thế hệ trẻ sẵn sàng kế cận xây dựng đất nước”, Nam cho biết.
Bên cạnh đông đảo đoàn viên, thanh niên vẫn luôn nỗ lực, tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn và tổ chức xã hội khác, rèn luyện, tu dưỡng để phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng thì vẫn còn một bộ phận người trẻ rơi vào tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị". Theo anh Nam, đây là một trong những thách thức đặt ra đối với tổ chức Đoàn, Hội thanh niên tại nhiều địa phương.
Trao đổi với phóng viên VOV2, PGS – TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng - Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đúng là trong bối cảnh hiện nay việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên gặp nhiều khó khăn do bối cảnh kinh tế, môi trường xã hội, học tập có sự thay đổi so với trước. Ngoài việc rèn luyện đạo đức, thanh niên ngày nay còn phải chú trọng nâng cao tri thức, kỹ năng, tay nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm. Hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động chỉ chú trọng vào kiến thức, tay nghề của người lao động mà không đặt nặng đến vấn đề đạo đức cách mạng. PGS – TS Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh trong bối cảnh đó phải làm sao giúp thanh niên tránh được lối sống thực dụng, cá nhân, đó cũng là điều mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Trong bài báo cuối cùng đăng trên báo Nhân dân Bác Hồ từng nói: phải nâng cao đạo đức cách mạng, quyét sạch chủ nghĩa cá nhân, vì chủ nghĩa cá nhân mà nảy sinh rất nhiều chuyện. Vì vậy nếu không giáo dục đạo đức cho thanh niên thì sẽ có những suy nghĩ, tư tưởng sống rất thực dụng, rất cá nhân, ích kỷ. Phần đông thanh niên là tốt rồi nhưng một bộ phận nếu không có sự rèn luyện giáo dục đạo đức sẽ bộc lộ những điểm yếu.
Cũng theo PGS – TS Nguyễn Mạnh Hà để khắc phục tình trạng suy giảm niềm tin, lý tưởng, chúng ta cần đổi mới công tác giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, phải đổi mới ngay từ nội dung giáo dục, kết hợp hài hòa giữa quá khứ và hiện tại có như vậy mới tạo điều kiện để người trẻ cống hiến dựng xây đất nước, tạo lập một thế hệ tri thức, văn minh và tiến bộ, thực sự trở thành chủ nhân tương lai của đất nước như mong muốn của Bác Hồ.
Mời nghe nội dung cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà tại đây:
Từ khóa: Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh,thế hệ trẻ,di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh,giáo dục, bồi dưỡng,kết nạp Đảng
Thể loại: Nội chính
Tác giả: vân an/vov2
Nguồn tin: VOVVN